Trung úy Lê Thị Giang trong một ngày làm việc ở cơ quan.

Trung úy Lê Thị Giang trong một ngày làm việc ở cơ quan.

26 tuổi, cái tuổi mới bước vào ngưỡng đầu của cuộc đời nhưng Trung uý Lê Thị Giang lại chọn cho mình một con đường không hề trải bằng hoa hồng, đó là con đường gắn bó với nghề đấu tranh chống tội phạm ma túy. Cái nghề mà có lẽ không hề có sự ưu ái nào dành cho những người phụ nữ...

Nếu chỉ nhìn bên ngoài, ít ai đoán chị là trinh sát ma túy dày dạn kinh nghiệm của Đội CSĐT tội phạm về ma túy Công an huyện Thanh Trì, một trong 10 gương mặt tiêu biểu của Công an TP Hà Nội năm 2011. Một  mái tóc dài đen mượt, chiếc răng khểnh lấp ló khi cười, khuôn mặt vẫn được mọi người nhận xét là hiền khô. Nhưng tiếp xúc với chị, ẩn sau nét hiền hiền, nụ cười có chiếc răng khểnh ấy, chúng tôi đã nhìn thấy sự cứng cỏi, bản lĩnh, một ý chí sắt đá khiến những tên tội phạm dù cứng đầu cũng phải khuất phục.

1. Trong thời gian làm báo, chúng tôi có may mắn được tiếp xúc với một số nữ trinh sát ma túy. Cảm xúc đầu tiên và giữ mãi trong chúng tôi về họ, đó là sự cảm phục sâu sắc. Họ cũng mang trong mình thiên chức đầy đủ của người phụ nữ, nhưng con đường họ chọn đi lại đầy khó khăn, chông gai. Bởi chẳng ai lại tự muốn nhận phần gian khổ về phía mình, họ chỉ chấp nhận gian khó bởi một lý tưởng, một mục đích cao cả. Trung úy Lê Thị Giang cũng nói với chúng tôi như vậy. Chị có cá tính khá mạnh mẽ, thích chinh phục những khó khăn để hoàn thiện mình hơn. Thế nhưng, cao hơn thế, chị chọn cái nghề gian khổ này bởi chị đã chứng kiến quá nhiều nỗi đau do ma túy đem lại. Nó tàn phá từng gia đình, từng tế bào xã hội, khiến vợ mất chồng, cha mẹ mất con, thậm chí tội ác cũng đang hoành hành hơn bởi ma túy đã biến đổi nhân cách một bộ phận thanh thiếu niên.

Hơn nữa, trong cuộc đời mỗi người, công việc không chỉ là nơi mưu sinh mà còn là nơi thực hiện những ước mơ và lý tưởng, hoài bão. Đối với Trung úy Lê Thị Giang, có lẽ, công việc hiện tại của chị chính là sự nối tiếp của truyền thống gia đình, bố chị là cán bộ quản giáo công tác tại Trại giam số 5 ở huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá, cách nhà 40km. Dù bố thường xuyên phải xa nhà do công việc đặc thù, nhưng không biết vì con gái thường hợp bố hay vì yêu cái nghề của bố mà ngay từ bé trong chị đã hình thành tính cách của của người chiến sĩ Công an. Chị luôn tự lập và tự mình tạo ra kỷ cương trong việc học tập. Mỗi lần vào thăm bố, là một lần Giang được gần gũi hiểu thêm và yêu nghề của bố.

Vào thời điểm đang học cấp 3, ở trại giam của bố Giang đã có một phạm nhân bỏ trốn. Để nhanh chóng truy bắt phạm nhân, lãnh đạo Trại đã cho lập nhiều chốt gác để phát hiện tên tội phạm. Cách nhà Giang mấy bước chân là một chốt gác của các anh Công an trong trại. Sau giờ đi học và phụ giúp mẹ công việc trong nhà, còn lại thời gian là Giang mang cơm cho các anh được phân công chốt gác. Nhìn các anh đêm không ngủ, luôn căng mình theo dõi dù mưa hay nắng cũng không bỏ vị trí đã khiến Giang thêm khâm phục. Chính những bữa cơm này mà theo Giang nó như là một chữ "duyên" để Giang định hình công việc sau này khi làm hồ sơ thi đại học.

Ngày Giang đỗ vào Học viện Cảnh sát nhân dân, bố mẹ và họ hàng vui lắm. Tuy nhiên, trong quá trình học tại trường, Giang và mẹ đã không gặp nhau ở ý tưởng chọn ngành học, đó là lần đầu tiên và có lẽ cũng là lần duy nhất Giang đã không nghe theo sự chỉ dẫn của mẹ. Đó là Giang đã xin đăng ký vào học ngành điều tra ma túy, trong khi mẹ Giang lại muốn con học ngành quản lí hành chính để mong con gái sau này làm công việc đỡ vất vả hơn. Bố Giang là người đi trước trong nghề, ông rất hiểu nghề Công an, nhất là ngành điều tra ma túy rất vất vả và khắc nghiệt với con gái. Nhưng ông không gàn con, bởi ông hiểu cá tính của con gái mình. Ông chỉ lặng lẽ theo dõi và chỉ bảo cho con, bởi ông luôn tin, nhất định con gái ông sẽ vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành xuất sắc công việc nó đã chọn.

2. Ngay sau khi tốt nghiệp, năm 2008, Trung úy Lê Thị Giang được phân công vào Đội CSĐT tội  phạm ma tuý, Công an huyện Thanh Trì. Bước đầu bỡ ngỡ, nhưng chỉ có mấy năm, những việc chị đã và đang làm đã chứng minh bản lĩnh và năng lực của mình. Chỉ tính riêng trong năm 2010, chị đã thụ lý, điều tra 28 vụ án với 30 đối tượng phạm tội về ma túy. Đồng thời, chị đã cùng đồng đội tham gia phá nhiều đường dây mua bán trái phép ma túy lớn như: đường dây liên tỉnh Hà Nội - Sơn La - Nghệ An do vợ chồng Phạm Huy Hùng- Nguyễn Thị Hạnh cầm đầu; đường dây của đối tượng Lê Thị Nguyệt, trú tại phường Kim Liên (Đống Đa); vụ mua bán, vận chuyển ma túy từ Điện Biên về Hà Nội do Lò Văn Quảng cầm đầu…

Có một số vụ án ma túy, các đối tượng thường mang theo vũ khí nóng, sẵn sàng nhả đạn nếu bị lực lượng Công an bắt giữ. Nguy hiểm luôn rình rập trên những ngả đường ra trận của nữ Trung úy trẻ và đồng đội của mình. Thế nhưng, chị bảo, mỗi khi ra trận, chị thuộc lòng lời dặn dò, và cũng là mệnh lệnh của đồng chí Đội trưởng: "Điều quan trọng nhất là chúng ta không được để đối tượng rút súng ra". Và để làm được điều đó, chị và đồng đội luôn chuẩn bị chu đáo kế hoạch bắt giữ cũng như làm tốt công tác trinh sát đối tượng.

Trong chuyên án bắt giữ vợ chồng Phạm Huy Hùng - Nguyễn Thị Hạnh (Thanh Xuân, Hà Nội), cầm đầu một đường dây mua bán ma túy lớn từ Sơn La, Nghệ An về tới Hà Nội, chị và đồng đội đã biết rõ đối tượng Hùng lúc nào cũng mang theo một khẩu súng K59. Cứ nửa tháng một lần, Hùng - Hạnh di chuyển bằng ôtô từ Hà Nội theo một cung đường nhất định lên Sơn La, Nghệ An hoặc vùng giáp biên giới Việt - Lào để lấy "hàng". Việc tiếp cận đối tượng không hề dễ, bởi với sự ranh ma và xảo quyệt, Hùng -Hạnh luôn cảnh giác và có nhiều thủ đoạn tinh vi…

Trong suốt quá trình khám phá vụ án này, Trung úy Giang và đồng đội đã gần chục lần về tay trắng khi bọn chúng thay đổi địa điểm liên tục. Nhưng chị và đồng đội không nản. Chính vì thế, trong ngày phá án, khi nhận được tin vợ chồng Hùng - Hạnh đang đi ôtô lên Sơn La lấy "hàng", chỉ vài phút chuẩn bị, Giang cùng đồng đội đã nhanh chóng lên đường. Sau đúng 1 ngày đêm theo dõi, bám sát, lăn lộn trong rừng, sớm tinh mơ ngày hôm sau, chị và đồng đội đã "cất vó" nhanh gọn cả hai vợ chồng Hùng - Hạnh với 3 bánh heroin tang vật. Trong người Hùng giắt theo 1 khẩu súng K59 với 4 viên đạn đã lên nòng, nhưng hắn không kịp kháng cự khi chị cùng đồng đội ập đến rất nhanh. Chuyên án tiếp tục được mở rộng, đối tượng Vì Văn Hương - "ông trùm" chuyên cung cấp ma túy cho Hùng - Hạnh ở bản Bó Sập, xã Lóng Sập (Mộc Châu, Sơn La) cũng đã bị chị và đồng đội bắt giữ ngay sau đó.

Trong việc triệt phá các tụ điểm ma túy, việc phải đối mặt với những kẻ liều lĩnh, nghiện ma túy và dính HIV/AIDS không thể nào tránh được. Nguy cơ phơi nhiễm HIV đối với trinh sát ma túy rất cao. Ngay cả trinh sát nam, họ cũng nhiều đêm thao thức, lo lắng mỗi khi không may bị đối tượng HIV chống đối lại bằng cách cố tình lây nhiễm căn bệnh nan y của mình. Tôi tự vận suy nghĩ vào mình, là phụ nữ, chắc trong những tình huống ấy, cũng sẽ lo lắng lắm. Thế mà Trung úy Lê Thị Giang đã bao lần phải cùng đồng đội xông pha trong các lần triệt xóa các tụ điểm ma túy, đối mặt những kẻ tội phạm có căn bệnh thế kỷ chỉ rình rập tấn công, lây nhiễm sang cán bộ Công an để thoát thân.

Chị kể rằng, có lần, khi cùng đồng đội ập vào 2 căn phòng trọ đang có gần chục đối tượng sử dụng ma túy, một đối tượng nhiễm HIV/AIDS đã cố thủ trong phòng, nhăm nhăm xi lanh dính máu bẩn của hắn chĩa về phía chị và hét lên: "Tao bị nhiễm HIV đây, nếu mày xông vào tao sẽ đâm xi lanh cho mày nhiễm bệnh!". Một cô gái mảnh mai đối mặt với một kẻ phạm tội đang hung hăng với thứ vũ khí giết người. Quả thực, lúc đầu chị cũng lo lắng, bởi nhỡ có vấn đề gì… Chị lại còn trẻ, đang ở ngưỡng của tình yêu và cuộc sống gia đình. Thế nhưng, nỗi lo lắng ấy chỉ thoáng qua 1 giây trong đầu, chị đã bản lĩnh đối mặt với kẻ phạm tội, dùng lời lẽ nhẹ nhàng nhưng kiên quyết để thuyết phục đối tượng. 5 phút, 10 phút, rồi đến một lúc sau, khi thấy đối tượng từ từ hạ rơi xi lanh dính máu xuống đất, chị Giang mới thở phào nhẹ nhõm. Thế là chị đã quy phục được đối tượng và chiến thắng luôn cả những lo lắng của bản thân.

3. Cứng rắn, quyết liệt là thế khi đối mặt với những tên tội phạm ma túy cộm cán, nhưng Trung úy Lê Thị Giang lại có một trái tim nhạy cảm. Trong thời gian thực tập tại Công an tỉnh Thanh Hóa, chị tham gia bắt một đối tượng mua bán trái phép chất ma túy. Gia đình đối tượng có 4 anh em trai, người em út đã chết, anh cả và em trai thứ 3 của đối tượng đều đang thụ án vì tội tàng trữ, buôn bán trái phép ma túy. Đối tượng cũng bị vợ bỏ và đang nuôi 2 đứa con nhỏ, cộng thêm 2 đứa cháu con nhà anh trai và 1 đứa con của cậu em trai thứ 3. Sau khi bắt giữ đối tượng, 5 đứa trẻ không còn ai thân thích trông nom, chăm sóc cứ nước mắt, nước mũi ngắn dài khiến chị và đồng đội nhói lòng…

Cũng với trái tim phụ nữ ấy, trong một lần truy quét tụ điểm ma túy, Trung úy Lê Thị Giang rất cảm thông hoàn cảnh một đối tượng còn trẻ đã bị cuộc sống va đập, trôi dạt từ Thanh Hóa lang thang ra Hà Nội và vập vào đám bạn hư. Đó là Phạm Văn Thắng, SN 1993. Nhà quá nghèo, bố mẹ bỏ nhau, mỗi người đi tìm hạnh phúc riêng. Thắng bỏ về Hà Nội làm thợ xẻ đá. Sau khi tiến hành xử phạt hành chính đối tượng, biết Thắng mới chỉ sử dụng ma túy cho vui, chị Giang đã khuyên răn cậu ta, đưa tận ra bến xe về quê Thanh Hóa. Trước khi xe rời đi, chị còn dúi cho Thắng 100 ngàn đồng lộ phí. Cảm động trước nghĩa cử của người nữ Công an, một vài lần sau đó, Thắng đã gọi điện thoại cảm ơn chị.

Bẵng đi một thời gian, đơn vị của chị nhận được lệnh truy nã một đối tượng phạm tội tàng trữ trái phép chất ma túy. Nhìn tên tuổi và ảnh đối tượng, chị giật mình, đó chính là cậu Thắng ngày trước. Chị Giang đã báo cáo lãnh đạo đơn vị, tìm cách tiếp cận với các mối quan hệ của đối tượng để vận động cậu ta ra đầu thú để hưởng khoan hồng của pháp luật. Khi biết người vận động mình chính là chị Giang, nữ Công an mà Thắng vẫn hàm ơn và xúc động, không phải vì số tiền 100 ngàn chị cho mà vì tấm lòng của chị đối với những người lầm lỗi như Thắng, cậu ta đã liên lạc với chị Giang và sau đó đến Đội CSĐT tội phạm về ma túy Công an huyện Thanh Trì đầu thú để hưởng khoan hồng của pháp luật. Thắng đã hứa với chị Giang, sẽ quyết tâm cải tạo thật tốt để sớm được ra trại và làm lại cuộc đời.

Cuộc nói chuyện của chúng tôi với Trung úy Lê Thị Giang bị ngắt nửa chừng khi chị có cuộc điện thoại từ Thái Nguyên. Ngày mai chị phải bắt xe khách về một huyện miền núi của tỉnh để xác minh điều tra một đối tượng tham gia mua bán ma tuý trong vụ án chị đang thụ lý. Công việc nối tiếp công việc, có lẽ vì thế, hiện chị vẫn đang ở một mình tại tập thể cơ quan. Mọi người trong đơn vị vẫn trêu chị rằng: Ai bảo làm nhiều quá nên trở thành "anh Giang", ế chồng thôi.

Chị vẫn gói ghém bí mật đời tư của mình với chúng tôi, nhưng qua câu chuyện của chị và mọi người trong đơn vị, chúng tôi hiểu rằng, chị đã quá đam mê công việc để một lúc nào đó, đã phải hy sinh hạnh phúc cá nhân. Thế nhưng, chúng tôi luôn tin rằng, với con người hồn hậu, quả cảm, biết hy sinh bản thân mình cho nghề nghiệp và xã hội như Trung úy Lê Thị Giang, một ngày, hạnh phúc sẽ mỉm cười với chị

 

                                                                Theo Báo CAND

Các tin khác


Công an huyện Lương Sơn làm rõ 9 thanh thiếu niên mang hung khí vào Hòa Bình đánh nhau

Công an huyện Lương Sơn cho biết, qua công tác tuần tra, kiểm soát tại quốc lộ 21A đoạn qua UBND xã Thanh Cao, tổ công tác Công an huyện phát hiện nhóm thanh thiếu niên điều khiển 5 xe mô tô, không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, vượt ẩu, cầm theo một số thanh kim loại khoảng 2m (dạng phóng lợn) có dấu hiệu gây rối trật tự công cộng. Nhóm này điều khiển xe từ ngã tư Chợ Bến đi chợ Đồi Sim.

Ký ức những người lính cựu trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Đã gần 50 năm trôi qua kể từ khi cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc thắng lợi, mặc dù tuổi đã cao, song ký ức hào hùng về những ngày tháng mưa bom, bão đạn vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí những người lính giải phóng năm xưa…

Huyện Tân Lạc: Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật giao thông cho học sinh

Thời gian qua, Công an huyện Tân Lạc đã triển khai thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) cho học sinh, nhất là học sinh tại các xã vùng cao, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật giao thông cho lứa tuổi học đường.

Triệu tập người bán dứa cho du khách nước ngoài với giá "cắt cổ"

Sau khi yêu cầu Công an của 18 phường trên địa bàn quận rà soát, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã xác định và mời người bán hàng rong lên trụ sở để làm rõ việc bán 3 quả dứa cho khách du lịch nước ngoài với giá 500.000 đồng.

Cảnh báo nguy cơ tấn công mã hoá đánh cắp dữ liệu nhân sự

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông - TT&TT), chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đang điều tra một cuộc tấn công mạng sau khi các tác nhân đe dọa vi phạm hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) để đánh cắp dữ liệu nguồn nhân lực.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục