(HBĐT) - Tử hình là hình phạt nghiêm khắc nhất trong hệ thống hình phạt của nước ta và chỉ được áp dụng đối với người phạm một số tội đặc biệt nghiêm trọng do Bộ luật Hình sự (BLHS) quy định. Cùng với sự phát triển của văn minh nhân loại, xu hướng chung của thế giới hiện nay là thu hẹp phạm vi áp dụng và tiến tới xoá bỏ hoặc chỉ giữ lại rất ít tội có hình phạt tử hình và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Chủ trương hạn chế phạm vi áp dụng hình phạt tử hình là phù hợp với tinh thần các Công ước quốc tế về quyền con người mà nước ta là thành viên, đồng thời phù hợp với xu hướng chung của thế giới.

 

Trong các nghị quyết của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Đảng ta đã chỉ rõ cần phải “coi trọng việc hoàn thiện chính sách hình sự và thủ tục tố tụng tư pháp, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội. Giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ đối với một số loại tội phạm. Hạn chế áp dụng hình phạt tử hình theo hướng chỉ áp dụng đối với một số ít loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.

 

Hiến pháp năm 2013 khẳng định, việc bảo vệ quyền con người như một mục tiêu hàng đầu.  Do đó, việc thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình là đòi hỏi cấp thiết của việc hoàn thiện hệ thống pháp luật hình sự gắn với bảo đảm các quyền con người, nhân đạo hoá các biện pháp trừng trị phù hợp với điều kiện phát triển KT -XH và đạo lý của dân tộc, phù hợp yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm. Chủ trương từng bước hạn chế phạm vi áp dụng hình phạt tử hình được thực hiện ở cả hai khía cạnh là giảm tối đa quy định hình phạt tử hình đối với các tội phạm và hạn chế việc áp dụng hình phạt tử hình.

 

Thứ nhất, về đối tượng và loại tội áp dụng hình phạt tử hình: Điều 39 dự thảo BLHS (sửa đổi) quy định hình phạt tử hình chỉ áp dụng đối với đối tượng là người tổ chức, cầm đầu, chỉ huy hoặc ngoan cố chống đối, lưu manh, côn đồ, tái phạm nguy hiểm của một số loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thuộc nhóm tội: các tội xâm phạm an ninh quốc gia; xâm phạm tính mạng con người; tội phạm về ma túy; tội phạm tham nhũng và các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh.

 

Thứ hai, về đối tượng không áp dụng hình phạt tử hình: bên cạnh quy định hiện hành về việc không áp dụng hình phạt tử hình đối với người chưa thành niên, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Điều 39, dự thảo BLHS (sửa đổi) bổ sung thêm một số đối tượng không thi hành án tử hình đó là người già trên 70 tuổi và người bị kết án tử hình về các tội phạm có mục đích kinh tế nhưng đã khắc phục cơ bản hậu quả do hành vi phạm tội gây ra (trừ tội sản xuất, mua bán trái phép chất ma túy) trường hợp này hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân.

 

Trên cơ sở các điều kiện quy định tại Điều 39, dự thảo BLHS (sửa đổi) này, một số điều luật quy định tại phần các tội phạm cụ thể đã được rà soát loại bỏ hình phạt tử hình đối với 7, 5 tội danh trên tổng số 22 tội danh hiện hành. Cụ thồ: (1) tội cướp tài sản; (2) tội phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; (3) tội chống mệnh lệnh; (4) tội đầu hàng địch; (5) tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; (6) tội chống loài người; (7) tội phạm chiến tranh và bỏ tử hình đối với hành vi tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm.

 

Đồng thời, quy định rõ hình phạt tử hình đối với từng tội danh cụ thể nhằm hạn chế áp dụng hình phạt tử hình. Với các tội phạm về ma túy hiện nay số án tử hình chủ yếu tập trung vào tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma tuý (Điều 194, BLHS hiện hành). Do vậy, dự thảo BLHS đã sửa đổi tách Điều 194 của BLHS hiện hành thành các tội danh độc lập; (Điều 250) tội tàng trữ trái phép chất ma túy, (Điều 251) tội vận chuyển trái phép chất ma túy, (Điều 252) tội mua bán trái phép chất ma túy. Đồng thời, chỉ giữ lại hình phạt tử hình đối với tội mua bán trái phép chất ma túy (Điều 252) còn đối với các tội danh khác, mức hình phạt cao nhất là tù chung thân. Ngoài ra, đối với các tội danh vẫn còn duy trì hình phạt tử hình, dự thảo BLHS đã thiết kế tách riêng khung hình phạt có quy định chung thân hoặc tử hình như BLHS hiện hành thành các khung độc lập trường hợp áp dụng hình phạt tù chung thân, trường hợp áp dụng hình phạt tử hình với các điều kiện chặt chẽ để hạn chế áp dụng hình phạt tử hình.

 

Những bổ sung sửa đổi trên có một số nội dung rất đáng quan tâm làm rõ đó là việc loại bỏ 7, 5 tội /22 loại tội còn áp dụng hình phạt tử hình được quy định trong BLHS hiện hành đã bao quát hết các trường hợp hay chưa, liệu có nương nhẹ hoặc bỏ lọt tội phạm hay không? Kinh tế phát triển, tuổi thọ ngày càng tăng nhiều người trên 70 tuổi nhưng còn rất mạnh khỏe, minh mẫn, trong trường hợp họ phạm tội đặc biệt nghiêm trọng với vai trò chủ mưu, cầm đầu mà không áp dụng hình phạt tử hình có đảm bảo sự nghiêm minh, tính răn đe giáo dục phòng ngừa chung của pháp luật? Điểm c, Khoản 3,  Điều 39 quy định “người bị kết án tử hình về các tội có mục đích kinh tế, sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục cơ bản hậu quả của tội phạm do mình gây ra, hợp tác với các cơ quan chức năng trong phát hiện, điều tra xử lý tội phạm...” thì không thi hành án tử hình mà chuyển thành tù chung thân. Quy định này cũng chưa nhận được sự đồng thuận và đã tạo dư luận cho rằng như vậy người phạm tội có thể dùng tiền để thoát án tử hình (nhất là tội phạm về tham nhũng).

 

Đồng tình với chủ trương của Đảng và Nhà nước ta, song nhiều ý kiến còn băn khoăn về việc bỏ hình phạt tử hình với một số loại tội có đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc, công tác phòng - chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong bối cảnh đất nước đang phát triển như hiện nay. Có ý kiến, kiến nghị hội nhập quốc tế là xu thế tất yếu của nước ta song cần có lộ trình phù hợp với điều kiện và trình độ phát triển của đất nước, hơn nữa, trong các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia là thành viên quy định bỏ hoặc giảm hình phạt tử hình là điều khoản tùy nghi. Đây là những vấn đề cần được nghiên cứu cân nhắc thấu đáo trong quá trình sửa đổi BLHS.

 

 

                                                                 Nguyễn Tiến Sinh

                                                      Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh

 

Các tin khác


Chung tay giúp đỡ người tái hoà nhập cộng đồng

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg, ngày 5/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng (THNCĐ) đối với người chấp hành xong án phạt tù (CHXAPT) trên địa bàn tỉnh đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, trách nhiệm và hành động cụ thể của chính quyền các cấp, các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội và quần chúng nhân dân. Tỷ lệ người CHXAPT tái phạm tội, vi phạm pháp luật thấp. Tình hình an ninh trật tự được giữ vững, ổn định.

Dịp nghỉ lễ, tỉnh Hòa Bình xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông

Theo thông tin từ lực lượng chức năng, trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 (từ ngày 27/4 - 1/5/2024), tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên các tuyến đường giao thông trong tỉnh được bảo đảm an toàn, thông suốt. Lực lượng Cảnh sát giao thông đã phối hợp với các lực lượng khác tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, hướng dẫn, đảm bảo TTATGT. Nhờ vậy không để xảy ra các sự việc đột xuất, bất ngờ ảnh hưởng đến tình hình TTATGT trên tuyến quản lý.

Công an huyện Lương Sơn làm rõ 9 thanh thiếu niên mang hung khí vào Hòa Bình đánh nhau

Công an huyện Lương Sơn cho biết, qua công tác tuần tra, kiểm soát tại quốc lộ 21A đoạn qua UBND xã Thanh Cao, tổ công tác Công an huyện phát hiện nhóm thanh thiếu niên điều khiển 5 xe mô tô, không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, vượt ẩu, cầm theo một số thanh kim loại khoảng 2m (dạng phóng lợn) có dấu hiệu gây rối trật tự công cộng. Nhóm này điều khiển xe từ ngã tư Chợ Bến đi chợ Đồi Sim.

Ký ức những người lính cựu trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Đã gần 50 năm trôi qua kể từ khi cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc thắng lợi, mặc dù tuổi đã cao, song ký ức hào hùng về những ngày tháng mưa bom, bão đạn vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí những người lính giải phóng năm xưa…

Huyện Tân Lạc: Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật giao thông cho học sinh

Thời gian qua, Công an huyện Tân Lạc đã triển khai thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) cho học sinh, nhất là học sinh tại các xã vùng cao, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật giao thông cho lứa tuổi học đường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục