(HBĐT) - Năm học 2021 - 2022, các đơn vị, trường học trên địa bàn huyện Lương Sơn phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là những áp lực chưa từng có do dịch Covid-19 gây ra. Nhưng với tinh thần khắc phục khó khăn, toàn huyện đã nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp để duy trì, nâng cao chất lượng giáo dục.


Cùng với các trường học trên địa bàn, trường TH&THCS Nhuận Trạch (Lương Sơn) được đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. 

Tại trường THPT Lương Sơn, thành tích nổi bật trong năm học vừa qua là giải ba cấp quốc gia cuộc thi khoa học kỹ thuật (KHKT) dành cho học sinh trung học. Đây là thành tích cao nhất của nhà trường trong nhiều năm nay, cũng là niềm tự hào chung của ngành GD&ĐT toàn tỉnh. Với dự án "Thiết bị kiểm soát nồng độ cồn khi tham gia giao thông”, 2 học sinh lớp 12A1 của trường là Đặng Đức Khải, Nguyễn Hoàng Nguyên (do thầy Nguyễn Hoài Nam hướng dẫn) đã xuất sắc giành giải nhất Cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học tỉnh năm học 2021 - 2022. Sau đó, dự án được Sở GD&ĐT chọn là 1 trong 2 dự án tiêu biểu của tỉnh tham dự cuộc thi cấp quốc gia và giành giải ba - dấu ấn thành tích đáng tự hào của học sinh Hòa Bình khi tham gia các cuộc thi về KHKT cấp quốc gia.

Hiện nay, trên địa bàn huyện có 3 trường THPT, 1 trường PTDTNT THCS&THPT, 1 trung tâm GDNN-GDTX, với tổng số 4.128 học sinh, học viên. Cùng với nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ năm học 2021 - 2022, các đơn vị, nhà trường có cấp THPT đang dồn sức cho công tác ôn thi tốt nghiệp THPT, đặt mục tiêu đạt kết quả tốt để góp phần khẳng định quyết tâm cải thiện, nâng cao chất lượng giáo dục.

Tại khối các trường học trực thuộc Phòng GD&ĐT huyện quản lý, toàn huyện có 43 trường với 776 nhóm, lớp, tổng số 22.433 học sinh. Trong đó, khối mầm non có 21 trường công lập, 1 trường mầm non tư thục, 7 nhóm trẻ tư thục; khối TH&THCS có 22 trường với 16.289 học sinh. Trên lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, UBND huyện đã thực hiện sáp nhập 100% trường tiểu học và THCS; tiếp tục chỉ đạo ngành GD&ĐT huyện thực hiện rà soát, quy hoạch mạng lưới trường, lớp học gắn với các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục. Đặc biệt, xác định đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên chính là nguồn nhân lực then chốt giúp nâng cao chất lượng giáo dục, UBND huyện đã chỉ đạo sát sao công tác cán bộ của ngành GD&ĐT huyện. Hàng năm, UBND huyện chỉ đạo Phòng GD&ĐT huyện quan tâm xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy giỏi, khuyến khích giáo viên tham dự hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp; triệu tập cán bộ quản lý, giáo viên tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng, tập huấn do Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT tổ chức; tạo điều kiện cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên được tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị. Cùng với đó, công tác đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp đối với giáo viên, cán bộ quản lý được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo năng lực của đội ngũ cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện các chương trình đổi mới giáo dục.     

Đồng chí Nguyễn Văn Danh, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Trong nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng GD&ĐT, huyện chú trọng đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Hàng năm, UBND huyện bố trí kinh phí đầu tư xây dựng, cải tạo cơ sở vật chất đáp ứng các tiêu chí kiểm định chất lượng giáo dục và trường học đạt chuẩn quốc gia. Trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế, huyện ưu tiên kinh phí triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới và xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương. Kết quả, tính đến tháng 5/2022, toàn huyện có 38/48 trường học đạt chuẩn quốc gia, đạt 79,2%; trong đó, cấp mầm non có 18/21 trường, cấp TH&THCS có 17/22 trường, cấp THPT có 3 trường. Với quyết tâm cao, huyện phấn đấu trong năm 2022 xây dựng 8 trường học đạt chuẩn quốc gia, nâng số trường học đạt chuẩn quốc gia lên 43 trường, đạt 100%. Cùng với quyết tâm này, huyện tăng cường các giải pháp trọng tâm nhằm duy trì ổn định quy mô trường lớp, tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của các đơn vị, nhà trường, tạo động lực để thực hiện thành công các chương trình đổi mới GD&ĐT.


Thu Trang


Các tin khác


Quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Những năm qua, sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước.

Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn, bổ nhiệm, xếp lương, nâng lương như thế nào?

Những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như Luật Giáo dục, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bảo đảm tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 an toàn, đúng quy chế

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND, ngày 10/4/2024 về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại tỉnh Hòa Bình, nhằm tổ chức kỳ thi bảo đảm an toàn, đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, bảo đảm nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng và hiệu quả.

Phát huy sự chủ động của nhà trường trong lựa chọn sách giáo khoa

Năm học tới, với học sinh các lớp 5, lớp 9 và lớp 12 sẽ là năm học đầu tiên thực hiện việc học sách giáo khoa mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, cùng với đó sẽ giao quyền tự quyết chọn sách giáo khoa cho các nhà trường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục