Hoạt động trải nghiệm đời sống quân ngũ của học sinh Trường THPT Tân Lạc cuối tháng 3 vừa qua là điểm nhấn trong chuỗi hoạt động thể hiện rõ vai trò của tổ chức đoàn trong việc giáo dục lý tưởng sống, kỹ năng thực tiễn và định hướng nghề nghiệp cho thanh niên trong giai đoạn hội nhập.


Chương trình Toạ đàm "Thanh niên tham gia chiến đấu và xây dựng đất nước”.

Gần 200 học sinh, đoàn viên, giáo viên trẻ của Trường THPT Tân Lạc đã được tham gia chương trình trải nghiệm tại đơn vị quân đội K850. Đây không chỉ là một chuyến đi thực tế đơn thuần, mà còn là cơ hội để các em tiếp xúc với đời sống quân nhân, từ kỷ luật, kỷ cương, cuộc sống tập thể, đến tinh thần trách nhiệm cộng đồng.

Nói về ý nghĩa của chương trình, Bí thư Đoàn Trường THPT Tân Lạc Ngô Mạnh Lượng cho biết: "Hoạt động trải nghiệm quân ngũ nhằm tuyên truyền ý nghĩa, hình ảnh đẹp của "Bộ đội Cụ Hồ”, tạo điều kiện để học sinh, đoàn viên trải nghiệm và hiểu rõ hơn về cuộc sống, quá trình rèn luyện của bộ đội. Qua đó, giáo dục ý thức trách nhiệm của đoàn viên, học sinh, giúp các em xác định thái độ đúng đắn, tinh thần tự giác trong học tập, rèn luyện đạo đức, tác phong”.

Học sinh đã được nghe cán bộ, chiến sĩ giới thiệu tổng quan về ngành nghề quân đội, các khối ngành đào tạo sĩ quan, hạ sĩ quan, cũng như vai trò, nhiệm vụ của lực lượng vũ trang trong bảo vệ Tổ quốc thời bình và thời chiến. Nội dung trình bày cô đọng, mang tính định hướng rõ ràng giúp học sinh có cái nhìn toàn diện hơn về ngành quân sự - lĩnh vực vốn được xem là thiêng liêng nhưng còn ít được hiểu sâu trong môi trường phổ thông.

Học sinh cũng đã được tham quan nơi ăn ở, huấn luyện, sinh hoạt của các chiến sĩ tại doanh trại. Không khí nghiêm túc, sự ngăn nắp và gọn gàng trong từng căn phòng, góc học tập, sân huấn luyện là minh chứng cụ thể cho nếp sống kỷ luật của người lính. Sự tiếp xúc gần gũi, chia sẻ chân tình từ các cán bộ, chiến sĩ đã góp phần xóa nhòa khoảng cách, tạo mối quan hệ thân thiện, gắn kết giữa quân và dân, chiến sĩ và thế hệ học sinh hôm nay.

Không dừng lại ở việc tham quan, chương trình còn có loạt hoạt động thực hành quân sự ngay tại sân Trường THPT Tân Lạc. Học sinh được phân nhóm, thi đua ở các nội dung: gấp chăn màn theo tiêu chuẩn quân đội; thực hành điều lệnh, đội ngũ; thi tác chiến, vượt chướng ngại vật; giao lưu kéo co và trò chơi tập thể. Các phần thi không chỉ đòi hỏi sự khéo léo, sức khỏe, mà quan trọng hơn là tinh thần tập thể, khả năng tuân thủ mệnh lệnh, phản xạ nhanh và ý chí vượt khó. Thông qua đó, học sinh dần hình thành nhận thức về "kỷ luật là sức mạnh của quân đội” và bài học thực tế về tinh thần trách nhiệm cá nhân trong tập thể. Không khí thi đua sôi nổi, cổ vũ náo nhiệt từ bạn bè, thầy cô và cán bộ quân đội đã tạo nên sân chơi vừa bổ ích, vừa ý nghĩa.

Theo em Nguyễn Phương Anh, lớp 11A4, Trường THPT Tân Lạc, chương trình trải nghiệm dù chỉ diễn ra trong một ngày nhưng đã để lại nhiều ấn tượng và kỷ niệm đáng nhớ. Thông qua đó, chúng em đã học được nhiều điều hay như: kỷ luật quân đội, lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết và cách luyện rèn sức khỏe, lối sống lành mạnh...

Bên cạnh các hoạt động trải nghiệm đời sống quân ngũ, thời điểm lắng đọng khi chương trình chuyển sang hình thức sinh hoạt tập thể. Chương trình văn nghệ chủ đề "Thanh niên làm theo lời Bác” không chỉ là nơi thể hiện tài năng của học sinh qua các tiết mục múa hát, tiểu phẩm, mà còn là sân chơi nghệ thuật mang tính giáo dục. Các em được thể hiện tài năng của mình, hiểu thêm về tinh thần anh dũng, từ đó càng thêm yêu màu áo lính.

Trong khuôn khổ chương trình, buổi tọa đàm "Thanh niên tham gia chiến đấu và xây dựng đất nước” đã diễn ra với sự tham gia của các cán bộ quân đội, đại diện giáo viên, bí thư chi đoàn và đoàn viên tiêu biểu. Những câu chuyện thực tế, từ chiến trường đến hậu phương, từ góc nhìn thời chiến đến bối cảnh thời bình đã thổi bùng ngọn lửa lý tưởng sống trong mỗi học sinh.

Đêm lửa trại kết thúc chương trình với không khí sôi động, giàu cảm xúc. Những vòng tay theo bài hát "Nối vòng tay lớn”, những ánh lửa bập bùng như khắc sâu hình ảnh tập thể gắn bó, sẻ chia - một trong những mục tiêu lớn nhất mà Đoàn trường hướng tới: rèn luyện tâm hồn và tinh thần tuổi trẻ bằng trải nghiệm thực tế.

"Hoạt động trải nghiệm quân ngũ không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục lý tưởng sống, kỹ năng thực tiễn và định hướng nghề nghiệp, mà còn tạo nền tảng để học sinh THPT Tân Lạc hiểu rõ hơn về trách nhiệm công dân, từ đó hình thành bản lĩnh vững vàng cho hành trình phía trước. Đây là sự đổi mới trong tư duy tổ chức hoạt động đoàn từ hình thức đến nội dung, nhằm khơi dậy nội lực, ý chí và khát vọng cống hiến của thế hệ trẻ” - Hiệu trưởng Trường THPT Tân Lạc Nguyễn Thu Hiền cho hay.


Đặng Trần Ngọc Huyền
Lớp Báo in K41, Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Các tin khác


Trường chất lượng cao, tư thục đổi mới trong tuyển sinh lớp 6

Một số trường chất lượng cao, tư thục ở Hà Nội chuyển hình thức làm bài kiểm tra trên giấy sang làm trên máy tính; trường cộng điểm cho học sinh có chứng chỉ tiếng Anh; có trường không xét học bạ…

Trường THPT Tân Lạc tăng tốc ôn thi tốt nghiệp cho học sinh khối 12

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đang đến gần, cùng với dạy và học theo khung chương trình năm học, thầy, trò Trường THPT Tân Lạc, huyện Tân Lạc tăng tốc ôn tập và cho học sinh làm quen với cách làm bài của kỳ thi năm nay - kỳ thi tốt nghiệp đầu tiên theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều điểm mới.

Triển khai công tác tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025

Ngày 12/4, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình tổ chức hội nghị lần thứ nhất triển khai công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Tham dự có đại diện lãnh đạo quản lý các Trường THPT, Dân tộc nội trú THCS&THPT, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố và Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh.

Lịch nghỉ lễ 30/4-1/5 của học sinh cả nước

Trong dịp lễ 30/4-1/5 tới đây, học sinh được nghỉ 5 ngày liên tục (30/4-4/5/2025)

Quan tâm hỗ trợ đầu tư cho ngành Giáo dục và Đào tạo, đặc biệt là các trường vùng khó khăn

Cử tri kiến nghị: Hỗ trợ đầu tư bằng các nguồn vốn ngân sách Trung ương cho ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), đặc biệt là các trường vùng khó khăn để đầu tư xây dựng bổ sung cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học; công tác đào tạo, bồi dưỡng cho tỉnh miền núi, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số (đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tham gia giảng dạy các môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, giảng dạy các môn tổ hợp; đào tạo giáo viên trên chuẩn, đạt chuẩn theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019); cung cấp sách giáo khoa cho các trường vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Sẽ bắt buộc các trường THCS, THPT dạy 2 buổi/ngày

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường THCS, THPT sẽ phải dạy 2 buổi mỗi ngày, thay vì chỉ áp dụng với cấp tiểu học như hiện tại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục