(HBĐT) - Trên địa bàn tỉnh ta, Bảo tàng Di sản văn hóa Mường, Bảo tàng Không gian văn hóa Mường, Điểm thăm quan, trưng bày hiện vật, cổ vật văn hóa Thái Mai Châu... là nơi trưng bày hàng nghìn hiện vật có giá trị văn hóa, lịch sử của các dân tộc.

 


Học sinh trường THPT Công Nghiệp (TP Hòa Bình) thăm quan, tìm hiểu những hiện vật được trưng bày tại nhà Lang Mường, Bảo tàng Di sản văn hóa Mường (TP Hòa Bình).

Bảo tàng Không gian văn hóa Mường tại phường Thái Bình (TP Hòa Bình) là bảo tàng tư nhân đầu tiên về văn hóa dân tộc Mường do họa sỹ Vũ Đức Hiếu thành lập, hoạt động từ năm 2007. Bảo tàng được chia thành 2 khu vực: khu tái hiện và khu trưng bày. Khu tái hiện gồm 4 khu nhà sàn đại diện cho 4 tầng lớp trong xã hội Mường. Nhà Lang - tầng lớp có quyền lực cao nhất, nắm quyền thống trị toàn Mường. Ngôi nhà có niên đại hơn 100 năm là của bà Hà Thị Lợi, con gái một vị Lang đạo xưa ở vùng Mường Chậm, nay là xã Nam Sơn (Tân Lạc). Nhà Ậu - nhà của những người giúp việc cho nhà Lang. Ngôi nhà được mua lại của gia đình ông Bùi Văn Vinh, xã Do Nhân (Tân Lạc). Nhà Noóc - tầng lớp bình dân trong xã hội Mường, ngôi nhà được mua lại của gia đình ông Bùi Văn Núi, xã Do Nhân (Tân Lạc). Nhà Noóc Trọi - tầng lớp bần cùng nhất trong xã hội Mường. Khu nhà sàn được nhóm thợ trong Mường phục dựng lại năm 2007 từ chính các ngôi nhà cổ với những nguyên liệu gần gũi như gỗ, tre, nứa, lá cọ. Trải qua 12 năm hoạt động, khu trưng bày hiện đang lưu giữ trên 3.000 hiện vật có giá trị, được sắp xếp khoa học theo các chủ đề: đồ đan lát, đồ đồng, hiện vật đánh bắt cá, nghề dệt, săn bắn và hiện vật sinh hoạt khác. Bên cạnh đó, không gian nghệ thuật Muong Studio là nơi để các nghệ sỹ giao lưu, trao đổi, sáng tác và triển lãm tác phẩm của các nghệ sĩ trong nước, quốc tế. Thư viện Bảo tàng là nơi lưu giữ hơn 5.000 đầu sách với các thể loại phong phú như: Văn học, Lịch sử, Khoa học kỹ thuật, Văn hóa dân tộc và Văn hóa Mường... đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu, tuyên truyền và giáo dục giá trị văn hóa truyền thống. 

Năm 2014, Bảo tàng Di sản văn hóa Mường, cũng ở phường Thái Bình (TP Hòa Bình) được thành lập. Trên 6.000 đơn vị hiện vật đang được lưu giữ tại bảo tàng gồm di sản văn hóa Mường thời tiền sử, thời đại đồ đồng, đồ gốm sứ, nhạc cụ, dụng cụ bằng đồng, các vật dụng tín ngưỡng dân gian Mường, mây, tre đan... là tâm huyết của ông Bùi Thanh Bình - người đã dành hơn 30 năm đi sưu tầm hiện vật từ khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó, không thể không nhắc đến chiếc chiêng phân ngôi dát vàng độc nhất vô nhị của dòng họ Bạch, tẩu hút thuốc viên Công sứ Pháp tặng quan lang Mường Động, đồ trang sức tinh xảo bằng vàng, bạc, đá quý của Bà Nàng và Nàng Ả... Với tổng diện tích trên 4.000 m2, khuôn viên bảo tàng có 6 ngôi nhà sàn chính, mỗi nhà có một công năng khác nhau, gồm nhà trưng bày cổ vật, nhà Mường, nhà Lang Mường, nhà chiêng Mường, khu ẩm thực và thư viện...

Bảo tàng dân tộc Thái Mai Châu tại xã Chiềng Châu (Mai Châu) là một trong số ít những nơi lưu giữ nét văn hóa truyền thống của người dân tộc Thái. Anh Kiều Văn Kiên - người thành lập bảo tàng là người dân tộc Kinh, lên vùng đất Mai Châu thơ mộng lấy vợ và lập nghiệp tại đây. Hiện nay, bảo tàng có trên 1.000 hiện vật được anh Kiên sưu tầm khắp các vùng miền trên Tổ quốc. Trong đó, quý hiếm nhất phải kể đến hơn 10 cuốn sách chữ Thái, đặc biệt là 3 cuốn gia phả của dòng tộc người Thái cách đây trên 200 năm. Bên cạnh đó còn có bộ sưu tập đồ sành, sứ với hàng trăm chiếc bát, đĩa, ấm chén, dụng cụ sinh hoạt hàng ngày, bộ dụng cụ săn bắt, hái lượm, bộ đồ cúng của thầy mo, bộ sưu tập nhạc cụ dùng trong ma chay, cưới hỏi, bộ trang sức... Mỗi hiện vật đều được anh sắp xếp, trưng bày khoa học giúp mọi người dễ dàng tìm hiểu, nghiên cứu. Song song với phần giới thiệu hiện vật bằng tiếng Việt là tiếng Anh dành cho khách thăm quan nước ngoài.

Bảo tàng văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh Hòa Bình không chỉ là những địa điểm thăm quan thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục kiến thức lịch sử, những giá trị văn hóa, khơi dậy niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ.

                                                                      Linh Nhật

Các tin khác


Bài 4: Một số di tích khảo cổ tiêu biểu của Văn hóa Hòa Bình

(HBĐT) - 1 - Di tích hang xóm Trại, xã Tân Lập (Lạc Sơn): Từ khi phát hiện cho tới nay đã có tới 8 cuộc điều tra, thám sát, khai quật tại di tích. Những giá trị tiêu biểu: Đã phát hiện số lượng di vật đá xương phong phú nhất lên tới trên 5.000 tiêu bản.

Túi khót thầy mo Mường

(HBĐT) - Túi khót của thầy mo Mường là túi vải đựng những vật thể được cho là linh thiêng, đồ tế khí được dùng làm vật hộ thân, là công cụ trấn trị ma quỷ trong hành nghề của mình.

A1 - huyền thoại một ngọn đồi

(HBĐT) - Trong 39 ngày đêm chiến đấu kiên cường, máu, mồ hôi, nước mắt của bộ đội ta thấm đẫm đồi A1. Có những chiến sỹ cả ngày chịu đói vẫn chốt chặt vị trí chiến đấu. Nhiều người vừa đánh địch vừa bảo vệ thương binh. Có chiến sỹ bị thương vẫn gan dạ yểm trợ cho đồng đội tấn công.

Thị xã bên sông Đà anh dũng trong chống Mỹ

(HBĐT) - Sông Đà – dòng sông của thác ghềnh, dữ dội ngày nào giờ hiền hòa, lung linh trong ánh điện của công trình thế kỷ. Với người dân thị xã Hoà Bình xưa, dòng sông như nhân chứng, biểu tượng cho những con người anh dũng, quả cảm của biết bao thế hệ đã lên đường chiến đấu, hy sinh, góp phần cùng cả nước dành độc lập tự do ngày hôm nay.

Những địa điểm không thể bỏ qua khi đi du lịch ở Hòa Bình

Du lịch Hòa Bình hấp dẫn du khách bởi những nét văn hóa vô cùng đặc sắc của các dân tộc miền nùi đang sinh sống tại đây

Miền đất cổ Mường Bi - Tân Lạc tạo được bước chuyển mới trong phát triển KT-XH

(HBDT) - Trước đây, Tân Lạc thuộc huyện Lạc Thổ, phủ Thiên Quan, đạo Thanh Bình. Cho đến khi thực dân Pháp lập tỉnh Mường Hòa Bình, vùng Tân Lạc nằm trong 2 tổng Lạc Thiện và Lạc Nghiệp, phủ Lạc Sơn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục