Người quản lý không thể nhận quà của đối tượng bị quản lý, bởi đó là đòi hỏi bắt buộc cả về đạo lý, cũng như pháp lý.

 

Việc doanh nghiệp tặng 2 xe đắt tiền cho tỉnh Cà Mau và doanh nghiệp khác tặng 8 xe cho Đà Nẵng đã làm nóng dư luận trong những ngày qua. Các địa phương đều khẳng định, việc nhận quà của các doanh nghiệp đúng các quy định của pháp luật, song dư luận vẫn nghi ngại việc hối lộ tặng quà với mục đích vụ lợi không trong sáng cho cá nhân vốn đang nhức nhối, chưa giải quyết được thì việc tặng quà cho chính quyền địa phương sẽ dẫn đến hệ lụy lớn.

 

Một trong hai chiếc xe Lexus mà doanh nghiệp tặng cho tỉnh Cà Mau.

Theo tiến sĩ, luật sư Hoàng Ngọc Giao - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển (thuộc Liên hiệp các Hội khoa học, kỹ thuật Việt Nam - Vusta) giao dịch cho – tặng là một hành vi pháp luật không cấm, tức là cá nhân, tổ chức có quyền cho – tặng tài sản.

Tuy nhiên, trong trường hợp cho – tặng tài sản cho cơ quan nhà nước thì có Quyết định số 64 năm 2007 của Chính phủ về quy chế tặng quà, nhận quà của cơ quan nhà nước. Theo quy chế này có một điểm đáng lưu ý là nếu quà tặng không phù hợp thì cơ quan, đơn vị được tặng phải từ chối hoặc xử lý bán theo giá thị trường.

Song, theo luật sư Hoàng Ngọc Giao, trường hợp doanh nghiệp cho – tặng UBND, Tỉnh ủy Cà Mau 2 chiếc xe ô tô khiến dư luận có ý kiến cũng đã cho thấy dường như món quà này rơi vào khái niệm không phù hợp. Việc không phù hợp ở chỗ món quà này có giá trị rất lớn; thứ hai, việc 2 chiếc xe tiền tỷ được trao cho những người có quyền hạn liên quan đến doanh nghiệp khiến dư luận nghi ngờ về động cơ không trong sáng.  

“Theo Quyết định 64, món quà đó không phù hợp. Để đảm bảo quy định của pháp luật, nếu cơ quan đã nhận rồi thì nên thanh lý, số tiền đó được sung công quỹ ngân sách của tỉnh, hoặc gửi tới cơ sở bảo trợ xã hội thì sẽ rất tốt”, ông Hoàng Ngọc Giao nêu ý kiến.

Về vấn đề này, tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng: Luật phòng, chống tham nhũng nghiêm cấm việc tặng quà, nhận quà để hối lộ hoặc thực hiện các hành vi khác vì vụ lợi; cấm công chức nhận quà trong lĩnh vực mình phụ trách. Trong hai trường hợp trên, bất luận trường hợp gì cũng không được nhận quà.

 

Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng.

TS Nguyễn Sĩ Dũng phân tích, Công ty TNHH xây dựng – thương mại – du lịch Công Lý đang phụ thuộc rất nhiều vào tỉnh nên chứng minh việc cho và nhận quà ở đây có nhằm mục đích vụ lợi hay không thì rất khó. Rõ ràng, theo Luật phòng, chống tham nhũng thì cơ quan đang quản lý sẽ không cho phép nhận quà đối tượng mình quản lý. Hơn nữa, về mặt đạo lý, cơ quan quản lý không nên nhận những chiếc xe như vậy vì bao giờ cũng xung đột lợi ích với việc mình đang quản lý, tạo ra sự không công bằng đối với các doanh nghiệp khác trên địa bàn tỉnh mà không tặng gì.

Theo ông Nguyễn Sĩ Dũng, việc tặng quà vụ lợi với mục đích không trong sáng cho cá nhân đang nhức nhối, chưa giải quyết được thì việc tặng quà cho cả chính quyền địa phương sẽ đưa lại hệ lụy rất lớn.

Thứ nhất, việc nhận quà như vậy là một sự công khai vi phạm Luật phòng, chống tham nhũng; thứ hai, nếu cơ quan nhận quà thì “há miệng mắc quai”, việc quản lý ở địa phương sẽ có sự mềm dẻo hơn đối với doanh nghiệp tặng quà, tạo nên sự không công bằng đối với các doanh nghiệp khác.

Việc nhận quà này cũng thúc đẩy các doanh nghiệp đều phải tìm cách tặng quà, như vậy sẽ vi phạm nguyên tắc liêm chính, vi phạm môi trường kinh doanh mà ở đó tất cả được đối xử bình đẳng chứ không phải vì quan hệ thân quen, vì quà cáp mà bị đối xử khác đi.

Nhấn mạnh về việc người quản lý không thể nhận quà của đối tượng bị quản lý, bởi đó là đòi hỏi bắt buộc cả về đạo lý, cũng như pháp lý, ông Nguyễn Sĩ Dũng cũng cho rằng bên cạnh những điều, khoản pháp luật cấm, vẫn còn có những trường hợp được tặng quà như: tặng quà qua chữ thập đỏ, Mặt trận Tổ quốc. Việc làm đó còn thể hiện doanh nghiệp đang thực hiện nghĩa vụ xã hội, đồng thời cũng là cách xây dựng hình ảnh công chúng, đầu tư cho thương hiệu./.

 

                                                                     

                                                                   TheoVOV.VN

Các tin khác


Huyện Cao Phong ứng phó với thiên tai bất thường

Thực hiện phương châm chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục nhanh, có hiệu quả với các tình huống bất thường có thể xảy ra trong mùa mưa bão năm nay, các cấp ủy, chính quyền huyện Cao Phong đã chú trọng chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khảo sát việc thi hành Luật Công đoàn tại huyện Lương Sơn

Sáng 7/5, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh do đồng chí Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn đã khảo sát việc tổ chức, thi hành Luật Công đoàn tại Khu công nghiệp Lương Sơn (Lương Sơn).

Thẩm định mô hình, điển hình tiên tiến tại huyện Đà Bắc và các sở, ngành

Ngày 7/5, đoàn công tác do lãnh đạo Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ) làm trưởng đoàn đã tổ chức thẩm định các mô hình, điển hình tiên tiến năm 2024 trên địa bàn huyện Đà Bắc, Hội LHPN tỉnh, Hội Đông y tỉnh và Sở Y tế.

Thời tiết ngày 7/5: Bắc Bộ tiếp tục mưa rào và dông, Trung và Nam Bộ nắng nóng trở lại

Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết, khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ tiếp tục có mưa rào và giông, cục bộ có mưa to đến rất to. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét, mưa đá cấp 1. Khu vực Trung và Nam Bộ nắng nóng trở lại.

Tọa đàm “Thắp lửa truyền thống” kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chiều 6/5, tại Trường phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh, Tỉnh Đoàn - Hội đồng Đội tỉnh tổ chức tọa đàm "Thắp lửa truyền thống” kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục