(HBĐT) - Những ngày áp Tết, trong cái hối hả, tất bật của người người lo chuẩn bị sum họp, đón Tết, du xuân, cũng là lúc những cán bộ Hội CTĐ huyện Yên Thủy bận rộn nhất với công việc.

 


Hội Chữ thập đỏ tỉnh tặng gạo và các nhu yếu phẩm cho các hộ bị ảnh hưởng mưa lũ tại huyện Đà Bắc.

 

Đã nhiều năm nay, Tết đến, các thành viên của Hội lại thu xếp những phần quà nồng ấm dành tặng những người neo đơn, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Không chỉ là chiếc bánh chưng, gói mứt hay cân gạo nếp, bằng sự chung tay của cộng đồng, sự kết nối của những trái tim thiện nguyện, nhiều hộ khó khăn đã được hưởng niềm vui mái ấm trong những ngày đầu xuân.

Đối với gia đình chị Trần Thị Thắm, xóm Ba Cầu, xã Ngọc Lương, huyện Yên Thủy, Tết này có lẽ là cái Tết ấm áp, vui vẻ nhất từ 3 năm nay. Cũng như bao phụ nữ khác, chị có một gia đình đầm ấm với người chồng chăm chỉ, chịu khó, một cậu con trai khôi ngô, ngoan ngoãn. Cách đây hơn 3 năm, chị mang thai cô con gái thứ 2. Ngay từ lúc chào đời, con gái chị không được lành lặn, khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác khi bị thiếu hai cánh tay. Sinh con mới được hai tháng tuổi, tai ương lại một lần nữa ập xuống gia đình khi chồng chị không may qua đời vì bạo bệnh. Một mình gồng gánh nuôi hai con nhỏ, chị phải nhờ bà ngoại chăm 2 con để đi làm thuê kiếm tiền. Ngôi nhà nhỏ cấp 4 từng là mái ấm của ba mẹ con không có bàn tay chăm sóc của người chồng, người cha đã xuống cấp trầm trọng nhưng chỉ một mình lo liệu.

Thấu hiểu hoàn cảnh của chị Thắm, Hội CTĐ huyện Yên Thủy đã kêu gọi sự quyên góp ủng hộ của cộng đồng giúp gia đình chị có được ngôi nhà mới khang trang hơn. Chị Thắm cho biết, năm nay dù công việc cuối năm bận rộn, chị cố gắng thu xếp về sớm, lo cho các con có một cái Tết đầy đủ. Đối với ba mẹ con chị, được tự tay dọn dẹp nhà cửa, có cảm giác Tết như đến sớm hơn.

Anh Trần Hữu Hậu, Chủ tịch Hội CTĐ huyện Yên Thủy cho biết: Gia đình chị Trần Thị Thắm là trường hợp vô cùng đặc biệt. Đặc biệt không chỉ bởi hoàn cảnh đáng thương của bé mà còn là một câu chuyện thực sự xúc động về những tấm lòng hảo tâm. Ngay khi chia sẻ câu chuyện về hoàn cảnh của ba mẹ con, chúng tôi đã nhận được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền và đặc biệt là của cả cộng đồng. Có những nhóm phượt của những bạn trẻ ở Hà Nội, Hội những người lái xe rồi nhóm Facebook ở xa đã đến tận nơi hoặc qua kết nối để ủng hộ cho gia đình chị Thắm. Trong 4 tháng, ngôi nhà của ba mẹ con được hoàn thành kèm theo nhiều phần quà ý nghĩa. Qua đó, chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh, động lực để những người kết nối thiện nguyện tiếp tục công việc.

Tinh thần thiện nguyện ấy đã đến với nhiều hoàn cảnh éo le, khốn khó. Cơn lũ dữ kinh hoàng vào những ngày đầu tháng 10/2017 đã cuốn đi bao chắt chiu của người dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là vùng lũ Đà Bắc phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Nhưng trong lúc hoạn nạn ấy, người dân ở đây đã nhận được sự sẻ chia của cả cộng đồng, trong đó có những hội viên CTĐ không chỉ vận động mà còn ngày đêm lặn lội đến với đồng bào vùng lũ.

Anh Nguyễn Thanh Tùng, Hội CTĐ tỉnh cho biết: Ngay sau khi nhận được tin báo về những thiệt hại nặng nề do mưa lũ, Hội đã kết nối với những nhà hảo tâm và tiếp nhận hỗ trợ của các cơ quan, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm. Trong đó chủ yếu là lương thực, thực phẩm và những vật dụng thiết yếu như mỳ tôm, gạo, trứng, quần áo, chăn, màn. Tiếp nhận đến đâu, Hội tổ chức đến tận nơi trao cho đồng bào vùng lũ. Bên cạnh đó, Hội cũng kết nối để các nhà hảo tâm đến trao trực tiếp cho người dân. Trong đợt mưa lũ vừa qua, Hội CTĐ tỉnh đã vận động được hơn 8 tỷ đồng tiền và hiện vật ủng hộ đồng bào vùng bị bão lũ.

Dù cơn lũ đã đi qua cách đây hơn 3 tháng, vùng đất Đà Bắc đang dần hồi sinh sau những tang thương nhưng đối với cán bộ Hội CTĐ huyện Đà Bắc ký ức về những ngày vượt rừng, cõng hàng đến với bà con vùng lũ không thể quên được. "Vất vả, bận rộn nhưng xúc động lắm, mỗi chuyến hàng lên đã thấy bà con chờ sẵn, vừa xúc động vừa thương, cũng vừa xúc động với những tấm lòng, những nhà hảo tâm dù khó khăn, vất vả nhưng vẫn đến tận nơi, trao cho bà con từng cân gạo, từng gói mỳ”, chị Bùi Thị Huyền, Chủ tịch Hội CTĐ huyện Đà Bắc chia sẻ.

Không chỉ cán bộ Hội CTĐ huyện, nhiều tổ chức, CLB thiện nguyện đã tự bỏ kinh phí mang những chuyến hàng đến với đồng bào vùng lũ. CLB Thiện nguyện áo Xanh, thành phố Hòa Bình chủ yếu hoạt động ở thành phố Hòa Bình, tuy nhiên, trong những ngày Đà Bắc tang thương vì lũ bão, anh chị em CLB đã tự thuê thuyền, vận động gạo, quần áo và thực phẩm đến với đồng bào. Mỗi chuyến hàng đến, trao cho bà con, CLB lại nắm tình hình thực tế của người dân để để phát động quyên góp ủng hộ và từ đó có thêm nhiều chuyến hàng ủng hộ bà con vùng lũ. Chị Nguyễn Bạch Tuyết, Chủ nhiệm CLB chia sẻ: Mỗi lần đi từ thiện về lại mong có thể vận động được nhiều hơn nữa để hỗ trợ đồng bào. Có thời gian cả tuần anh chị em rong ruổi trên sông nước mang hàng cứu trợ nhưng thực sự ai cũng phấn khởi vì đã góp được một phần nhỏ của mình để vơi bớt những khó khăn cho đồng bào.

Xuân Mậu Tuất 2018 đã đến, cũng là mùa xuân thứ 10 các cấp Hội CTĐ tỉnh triển khai chương trình "Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”. Tiếp tục hành trình thiện nguyện, những hội viên áo đỏ lại lên đường đến với vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn nhất để mang mùa xuân ấm áp đến với mọi người. Năm nay, Hội xác định sẽ trao 22 nghìn phần quà Tết cho các hộ khó khăn. Với ý nghĩa nhân văn sâu sắc, sức lan tỏa rộng khắp, những hoạt động thiện nguyện của Hội CTĐ đã trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt, đặc biệt là mỗi độ Tết đến, xuân về.


                                                                                     Đinh Hòa


Các tin khác


Dự kiến ngày 22/4 thông đường sắt Bắc - Nam sau sự cố sạt lở hầm Bãi Gió

Bộ Giao thông vận tải đang chỉ đạo huy động lực lượng, phương án khắc phục ngày đêm, đảm bảo an toàn tuyệt đối, với mục tiêu ngày 22/4 hoàn thành xử lý sự cố sạt lở hầm Bãi Gió để thông tàu Bắc - Nam.

Ký kết chương trình phối hợp công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho đoàn viên, thanh niên 

Chiều 16/4, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Tỉnh Đoàn Hoà Bình tổ chức ký kết chương trình phối hợp công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho đoàn viên, thanh niên giai đoạn 2024 - 2027 nhằm đẩy mạnh và phát huy vai trò của các cơ quan liên quan trong quá trình phối hợp triển khai nhiệm vụ. 

Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” tại tỉnh Sơn La

Hội liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Hòa Bình vừa tổ chức chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” năm 2024 tại xã Mường Hung, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La.

Nâng cao quyền năng cho phụ nữ

Dự án "Nâng cao quyền năng cho phụ nữ thông qua tiếp cận Luật An ninh mạng, Luật Hôn nhân và gia đình” tại địa bàn 2 huyện Yên Thủy, Lạc Sơn đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần giải quyết các vấn đề mang tính cấp thiết và có biện pháp ứng phó giảm thiểu các rủi ro cho phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Dự án cũng nhằm nâng cao nhận thức về Luật An ninh mạng, Luật Hôn nhân và gia đình, từ đó nâng cao quyền năng cho phụ nữ, đặc biệt là quyền quyết định trong gia đình và quyền năng kinh tế thông qua việc sử dụng môi trường mạng an toàn, lành mạnh, hiệu quả.

Lương tối thiểu vùng tăng 6% từ 1/7/2024 tác động thế nào tới lương hưu?

Từ 1/7/2024, lương tối thiểu vùng sẽ tăng 6% so với hiện nay. Cùng với đó, các cơ quan liên quan đang xây dựng phương án điều chỉnh lương hưu. Dự thảo tờ trình Nghị định quy định mức lương tối thiểu với người lao động làm việc theo hợp đồng đang được lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan.

Triển khai công tác lao động, người có công và xã hội quý II

Ngày 15/4, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức hội nghị sơ kết công tác quý I, triển khai nhiệm vụ công tác quý II/2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục