Trong thời đại công nghệ phát triển, thông tin kết nối toàn cầu, báo chí truyền thông có nhiều cơ hội để phát triển song cũng gặp không ít thách thức. Đạo đức người làm báo và những vấn đề liên quan luôn được dư luận xã hội quan tâm, nhất là trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng, công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ như ngày nay.


Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm gian trưng bày các ấn phẩm của TTXVN tại Hội báo Toàn quốc năm 2018. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Nhân dịp kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (1925-2018), Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) trân trọng giới thiệu chùm tác phẩm gồm 5 bài viết về vai trò, trách nhiệm nhà báo trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. 

Bài 1: Báo chí cách mạng: Gần một thế kỷ vững vàng 

Báo chí Việt Nam luôn được Đảng, Nhà nước tạo điều kiện phát triển và đã không ngừng nỗ lực vươn lên mạnh mẽ, khẳng định vị thế vững vàng, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Qua nhiều giai đoạn phát triển, hầu hết người làm báo cách mạng đều giữ vững bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp và tự hào về nền báo chí nước nhà. 

Vũ khí cách mạng sắc bén 

Gần một thế kỷ trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt viên gạch đầu tiên xây nền móng cho báo chí cách mạng Việt Nam. Trong tiến trình lịch sử cách mạng Việt Nam, báo chí dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã trở thành công cụ sắc bén tuyên truyền bảo vệ lợi ích của quốc gia, dân tộc, nhất là nhân dân lao động, là cầu nối giữa Đảng và nhân dân, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Trong công cuộc xây dựng và phát triển ngày nay, báo chí cách mạng đã phát huy vai trò tích cực, kiên quyết đấu tranh với cái cũ, tàn dư của chế độ phong kiến, thực dân, đế quốc; cổ vũ, biểu dương, phổ biến những cái mới, điển hình tiên tiến trong lao động, học tập, chiến đấu. Báo chí làm tốt nhiệm vụ giáo dục tư tưởng, chính trị; góp phần lan tỏa sự tiến bộ, sáng tạo trong quần chúng nhân dân. 

Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước, báo chí Việt Nam phát triển mạnh mẽ về nội dung, hình thức; từng bước đổi mới để thích ứng với sự phát triển của công nghệ thông tin, truyền thông. Thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy: Đến cuối năm 2017, cả nước có 849 cơ quan báo chí in, 664 tạp chí, 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương, 5 đơn vị hoạt động truyền hình với tổng số 281 kênh phát thanh, truyền hình được cấp phép, 195 cơ quan báo chí điện tử, 178 trang thông tin điện tử tổng hợp đã được cấp phép. 

Với sự lớn mạnh ấy, báo chí đã đóng góp không nhỏ vào thành quả chung của công cuộc đổi mới: Tích cực phát hiện, đấu tranh kiên quyết với hành vi tham nhũng, lãng phí; tham gia giám sát, phản biện xã hội, phát huy vai trò dân chủ của người dân; đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. 

Báo chí cũng đấu tranh phản bác thông tin sai trái, quan điểm thù địch, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; tuyên truyền hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế… 

Nâng cao bản lĩnh, trách nhiệm xã hội của nhà báo 

Thế hệ những người làm báo đầu tiên của Việt Nam, dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều là những nhà báo "tay ngang." Họ không làm báo chuyên nghiệp mà coi báo chí là giải pháp, phương thức đấu tranh, song vẫn luôn nêu cao bản lĩnh chính trị, đạo đức người làm báo.

Đến nay, các thế hệ người làm báo Việt Nam vẫn không thể quên nhà báo Nguyễn An Ninh "chí muốn làm cơn gió thổi” (như lời của ông nói với nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai, trích trong hồi ký của bà Nguyễn Thị Minh - con gái ông); nhà báo Phan Đăng Lưu khẳng định "Báo Dân từ trước đến nay chỉ có một mục đích, một phương châm là bênh vực dân, giúp đỡ dân…” (Báo Dân, 1939)… 

Sau đó, phải kể đến những gương mặt nhà báo: Lê Đình Bì, Thanh Ba, Hữu Thọ, Nguyễn Minh Hiền, Huỳnh Sơn Phước, Phạm Phú Bằng, Đào Tùng, Phan Quang, Hoàng Tùng… Trong mọi hoàn cảnh, họ luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, đạo đức người làm báo, mãi là những tấm gương sáng cho nhà báo thế hệ sau noi theo, góp phần thúc đẩy sự nghiệp báo chí Việt Nam ngày một vững vàng, lớn mạnh. 

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Việt Nam có hơn 500 nhà báo liệt sỹ đã ngã xuống trên khắp các chiến trường, trong lúc đang tác nghiệp vì lý tưởng "không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Nhà báo Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam khẳng định: "Đó là khí phách báo chí cách mạng Việt Nam, là bản lĩnh người làm báo Việt Nam. Đó cũng chính là tinh túy, cốt lõi, là căn cứ giúp ta đi sâu, đánh giá và phân tích toàn diện những thành tựu của báo chí cách mạng Việt Nam từ khi xuất hiện đến nay."


Nhà báo tác nghiệp. (Nguồn: TTXVN)


Gần một thế kỷ đồng hành cùng dân tộc, báo chí cách mạng Việt Nam là công cụ sắc bén về chính trị, văn hóa của Đảng, Nhà nước, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội; là diễn đàn tin cậy của nhân dân. Các cơ quan báo chí, các nhà báo, Hội Nhà báo Việt Nam các cấp đều tin tưởng tuyệt đối, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước; luôn giữ vững tôn chỉ, mục đích của báo chí; cổ vũ mạnh mẽ phong trào hành động cách mạng của nhân dân vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. 

Theo Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến tháng 12/2017, cả nước có gần 18.000 nhà báo được cấp thẻ; phẩm chất chính trị, trình độ văn hóa, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo ngày một nâng cao. Phần lớn các nhà báo có bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, hành nghề trung thực, tuân thủ pháp luật và quy chế về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Tuyệt đại bộ phận người làm báo trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân. 

Những người làm báo hôm nay luôn theo gương Bác Hồ và các thế hệ đi trước, tiên phong có mặt ở những tuyến đầu, "điểm nóng," thực hiện trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân về thông tin, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng, xứng đáng với lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về trách nhiệm, nghĩa vụ của người làm báo.../.

Đón đọc bài 2: Đạo đức người làm báo: Những câu chuyện vui, buồn

 

                        TheoVietnamplus

Các tin khác


Diễn tập phương án phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ tại khu công nghiệp Lương Sơn

Sáng 25/4, Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh phối hợp Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCCC và diễn tập phương án PCCC&CNCH tại KCN Lương Sơn.

Trợ giúp pháp lý nâng cao quyền năng cho phụ nữ

Trong khuôn khổ Dự án "Nâng cao quyền năng cho phụ nữ thông qua tiếp cận Luật An ninh mạng, Luật Hôn nhân và gia đình” do Quỹ JIFF - EU JULE tài trợ, được triển khai tại 4 xã: Lạc Thịnh, Đoàn Kết (Yên Thủy) và Hương Nhượng, Định Cư (Lạc Sơn), nội dung tư vấn, trợ giúp pháp lý nâng cao quyền năng cho phụ nữ là hoạt động điểm nhấn, thu hút sự quan tâm của thành viên tham gia dự án và người dân địa phương.

Cảnh giác khi mua hàng khuyến mại, giảm giá

Trong thời đại công nghệ thì việc mua bán hàng qua mạng là phổ biến. Tuy nhiên đây là kênh dễ lừa khách hàng nhất. Để tạo lòng tin, kẻ xấu giả mạo nhiều fanpage nổi tiếng với ảnh đại diện, ngôn ngữ, có đường dẫn tới web mua hàng rồi đồng loạt chạy quảng cáo, khiến người dùng lầm tưởng hãng thực sự có chiến dịch khuyến mãi.

Thời tiết ngày 25/4: Nắng nóng đến mức đặc biệt gay gắt nhiều nơi trên cả nước

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 25/4, Bắc Bộ bắt đầu tăng nhiệt mạnh. Riêng Trung Bộ nắng nóng đến mức đặc biệt gay gắt, có nơi trên 39 độ C. Tây Nguyên, Nam Bộ trên 37 độ C.

Công đoàn ngành Giáo dục chăm lo lợi ích đoàn viên, người lao động

Xác định việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động (NLĐ) là nhiệm vụ then chốt góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Thời gian qua, các cấp Công đoàn ngành Giáo dục đã thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của tổ chức công đoàn, chú trọng hướng về cơ sở. Đồng thời thực hiện đa dạng giải pháp, kịp thời chia sẻ những khó khăn giúp đoàn viên, NLĐ yên tâm công tác. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH địa phương.

Tham vấn xây dựng chiến lược truyền thông về bình đẳng giới

Ngày 23/4, Hội LHPN tỉnh tổ chức hội nghị tham vấn xây dựng chiến lược truyền thông về bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2023 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Đây là hoạt động trong kế hoạch triển khai thực hiện dự án "Cải thiện chất lượng cuộc sống của các cộng đồng đặc biệt khó khăn tại huyện Đà Bắc và huyện Lạc Sơn”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục