Đồng chí Lê Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Là xã vùng đặc biệt khó khăn, cách trung tâm huyện khoảng 40 km. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm của xã được đầu tư, tạo nên diện mạo mới bộ mặt nông thôn miền núi, phục vụ đắc lực phát triển KT-XH trên địa bàn. Tuy nhiên, trong tháng 7 và 8/2018, cơn bão số 3, số 4 và hoàn lưu bão đã gây thiệt hại lớn đến tài sản của người dân. Tổng giá trị thiệt hại cả xã ước tính 9,1 tỷ đồng. Sau bão, được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành, các hộ đã tích cực khôi phục thiệt hại để ổn định sản xuất và đời sống. Người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trên địa bàn xã cũng xuất hiện nhiều mô hình tế đem lại hiệu quả kinh tế cao như gia đình anh Lường Văn Dong, Trưởng xóm Than đưa cây cam lên đồi, kết hợp nuôi lợn bản địa, trên 200 con gà thả đồi. Gia đình anh Hà Văn Phượng, xóm Tràm đầu tư trồng cam và một số hộ trồng bưởi ở xóm Phổn. Các hộ dân dọc đường 433 tận dụng lợi thế đầu tư buôn bán, dịch vụ nhỏ cho thu nhập khá. Hiện tại, cả xã có 53 hộ buôn bán tạp hóa nhỏ, lẻ… Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 20 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 54,13% theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều.
Gia đình anh Lường Văn Dong, Trưởng xóm Than, xã Tân Pheo đầu tư trồng cam trên đồi, kết hợp nuôi lợn bản địa và nuôi thả gà đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Đồng chí Xa Văn Chí, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Đà Bắc cho biết: Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016- 2020, huyện tập trung đầu tư phát triển KT-XH với mục tiêu thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội nhằm xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là đối với các xã, xóm đặc biệt khó khăn, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng. Đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo, gắn giảm nghèo bền vững với Chương trình xây dựng nông thôn mới, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo được tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản.
Là cơ quan thường trực của huyện thực hiện công tác giảm nghèo, Phòng LĐ-TB&XH đã tham mưu UBND huyện ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch số 83/KH-UBND ngày 19/6/2018 về việc thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững năm 2018. Đồng thời, kiện toàn Văn phòng Thường trực Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo huyện; rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo huyện Đà Bắc năm 2018; tập huấn cho các xã, thị trấn và 160 trưởng thôn, bản. Kết quả năm 2018, thực hiện Chương trình 30a, huyện đã được hỗ trợ 14,906 tỷ đồng đầu tư 5 công trình, duy tu, bảo dưỡng 1 công trình cơ sở hạ tầng. Duy tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng vốn năm 2018 trên 751 triệu đồng với 27 công trình. Thực hiện 11 chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế với số vốn 2.346 triệu đồng. Nhân rộng mô hình giảm nghèo với số vốn 3.520 triệu đồng, các xã đang triển khai thực hiện 9 dự án. Bên cạnh đó, thực hiện Chương trình 135, huyện hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế với tổng số vốn năm 2018 là 3.793 triệu đồng, triển khai thực hiện 23 chương trình hỗ trợ. Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng xây dựng 9 công trình chuyển tiếp với tổng kinh phí 7.973 triệu đồng; 33 công trình khởi công, tổng kinh phí 21.547 triệu đồng; duy tu, bảo dưỡng 52 công trình, tổng kinh phí 1.040 triệu đồng và thực hiện 2 mô hình giảm nghèo với số vốn 948 triệu đồng.
Với sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, ngành, sự nỗ lực vượt qua khó khăn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện, năm 2018, chỉ tiêu giảm nghèo của huyện Đà Bắc đã vượt kế hoạch đề ra. Chỉ tiêu Nghị quyết HĐND huyện đề ra giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3 - 4%/năm. Kết quả, năm 2018, huyện còn 5.282 hộ nghèo (giảm 660 hộ so với năm 2017), tỷ lệ hộ nghèo chiếm 37,04%, giảm 5,3% so với năm 2017 (42,34%); 3.142 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 22,03%. Hiện nay, các phòng chức năng tiếp tục tham mưu UBND huyện lựa chọn, xây dựng dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo giai đoạn 2018-2020. Trong đó chú trọng xây dựng và nhân rộng cách làm có hiệu quả của mô hình giảm nghèo cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và mới thoát nghèo. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu gắn với sản xuất và chế biến sản phẩm, từng bước hình thành và phát triển nông sản hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
H.L