Cán bộ Phòng Trẻ em- Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH) trao đổi với người dân xã Tân Pheo về mô hình "Địa chỉ tin cậy- nhà tạm lánh”.
Người dân xã Tân Pheo vẫn chưa quên những vụ bạo lực gia đình xảy ra trên địa bàn trong thời gian qua. Vào khoảng tháng 1/2018, chị Hà Thị Đ, xóm Thùng Lùng do mâu thuẫn gia đình đã xảy ra to tiếng, xô xát. Nguyên nhân do chị Đ. là người ở tỉnh Phú Thọ lên xã Tân Minh làm dâu; gia đình ở quê có việc gấp chị về luôn không xin phép nhà chồng. Lấy lý do là chị có thái độ coi thường, chồng chị đã to tiếng mắng chửi. Hai vợ chồng cãi vã, trong lúc nóng giận, chồng chị đã đánh chị. Chị Đ. đã đến báo cáo với trưởng xóm. Nắm được thông tin trên địa bàn xã có "Địa chỉ tin cậy- nhà tạm lánh”, trưởng xóm đã đưa chị lên để ở tạm. Sau khi chồng chị Đ. bình tĩnh lại, nghe lời khuyên của anh em, gia đình, bà con hàng xóm đã nhận ra những sai lầm của mình và đến xin lỗi, đón chị Đ. về nhà và hứa sẽ không lặp lại chuyện đó nữa. Giờ đây, cuộc sống gia đình anh chị đã yên ấm trở lại. Hay trường hợp chị Hà Thị H. sinh năm 1978 ở xóm Náy do chồng uống rượu say, nghi chị ngoại tình đã ghen tuông xảy ra xô xát. Hàng xóm đã báo lên chính quyền địa phương và đưa chị H. lên nhà tạm lánh lúc nửa đêm. Đến sáng hôm sau, chồng chị tỉnh rượu đã chủ động lên đón chị H. về và cam kết với Công an xã từ nay không bạo lực vợ nữa…
Anh Hà Văn Đai, trưởng xóm Náy, xã Tân Pheo chia sẻ: Đó là 2 trong 3 vụ bạo lực gia đình xảy ra trên địa bàn xã Tân Minh trong năm 2018 được giải quyết có hiệu quả thông qua hoạt động mô hình "Địa chỉ tin cậy- nhà tạm lánh" do Sở LĐ-TB&XH triển khai. Tuy vậy, những vụ bạo lực gia đình ở nông thôn vẫn thường xuyên diễn ra. Trước đây, các đối tượng bị bạo hành (chủ yếu là chị em phụ nữ) mỗi khi bị chồng đánh đập, chửi bới đến báo cáo với trưởng xóm, tôi chỉ biết khuyên các chị em đến nhà anh em, họ hàng để tạm lánh đợi chồng bình tĩnh lại mới giải quyết. Cũng có lúc, chưa kịp phản ứng gì người chồng còn đến nhà đánh cả trưởng xóm. Có khi đang đêm cũng có chị đến báo cáo chồng say rượu khóa trái cửa không cho vào nhà ngủ. Quả thật lúc đó rất khó đối với chúng tôi. Vì không thể mời nạn nhân bạo lực gia đình vào nhà mình, cũng không thể về nhà lúc đêm khuya khi người hành hung chưa bình tĩnh… Nay có mô hình nhà tạm lánh tại địa phương rất thuận lợi. Sau khi báo cáo với chính quyền địa phương, nạn nhân bị bạo lực sẽ được đưa đến nhà tạm lánh. Được lực lượng Công an xã bảo vệ 24/24h, cách ly với đối tượng bạo lực hoặc có nguy cơ gây bạo lực đảm bảo an toàn, chăm sóc sức khỏe, tư vấn ổn định tâm lý.
Đồng chí Đinh Văn Nhất, Phó Chủ tịch UBND xã, Trưởng ban quản lý mô hình "Địa chỉ tin cậy- nhà tạm lánh” tại xã Tân Pheo cho biết: Từ tháng 9/2017, mô hình "Địa chỉ tin cậy- nhà tạm lánh” được triển khai thí điểm tại Tân Pheo. Xã thành lập và xây dựng quy chế hoạt động của Ban quản trị quản lý mô hình, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Mô hình đáp ứng yêu cầu thực tiễn của địa phương và các quy định của pháp luật. Từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới ở cộng đồng, đáp ứng nhu cầu của người dân. Hiện nay, "Địa chỉ tin cậy- nhà tạm lánh” được bố trí phòng tại trạm y tế xã Tân Pheo. Phòng đã được đầu tư các đồ dùng thiết yếu như điện thoại, giường, đệm, cân kiểm tra sức khỏe, bếp ga, xoong, nồi, gạo… Vừa qua, Sở LĐ-TB&XH tổ chức tập huấn truyền thông về mô hình cho trên 50 học viên là bí thư chi bộ, trưởng xóm và một số hộ dân ở 7 xóm của xã.
Đồng chí Phạm Thị Thanh Hiến, Trưởng phòng Trẻ em- bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: Mô hình "Địa chỉ tin cậy- nhà tạm lánh” được triển khai để tiếp nhận, bố trí nơi tạm lánh, nhằm cách ly và bảo vệ an toàn cho nạn nhân có nguy cơ bị bạo lực (và con của họ) khỏi đối tượng gây ra bạo lực. Khi đến đây, họ được chăm sóc y tế ban đầu, tư vấn về tâm lý, pháp luật cơ bản. Đồng thời hỗ trợ nạn nhân trở về gia đình sau thời gian tạm lánh khi bảo đảm đủ an toàn, tiếp tục theo dõi, hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập, giúp bạo lực không tái diễn. Có thể khẳng định, mô hình được triển khai bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực. Mô hình đã trang bị kiến thức, kỹ năng và bảo vệ chị em phụ nữ khi bị bạo lực gia đình, góp phần tích cực vào chương trình phòng chống bạo lực gia đình, vì sự bình đẳng và tiến bộ phụ nữ trên địa bàn.
H.L