Trong năm 2018, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với tổ chức Tầm nhìn thế giới tổ chức chương trình hưởng ứng sáng kiến chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học "Cần bạn - cần tôi - cần cả thế giới”, thu hút sự quan tâm của các sở, ngành chức năng và trẻ em trên địa bàn.
Đồng chí Phạm Thị Thanh Hiến, Trưởng phòng Trẻ em - Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: Tỉnh và các ngành chức năng đã ban hành, triển khai thực hiện nhiều văn bản về công tác bảo vệ trẻ em, như: Kế hoạch số 113-KH-TU ngày 4/1/2014 thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới; Quyết định số 1971/QĐ-UBND ngày 7/12/2012 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Chương trình hành động vì trẻ em tỉnh giai đoạn 2013- 2020; Quyết định số 212/QĐ-UBND ngày 29/1/2016 về thực hiện Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016- 2020; Kế hoạch số 86/KH-UBND ngày 13/7/2016 về thực hiện chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016- 2020 và nhiều văn bản hướng dẫn khác.
Để triển khai các chính sách bảo vệ trẻ em, tỉnh đã thành lập, kiện toàn BCĐ thực hiện Chương trình bảo vệ trẻ em tỉnh giai đoạn 2016- 2020. Thành lập, kiện toàn 11/11 BCĐ thực hiện Chương trình Bảo vệ trẻ em cấp huyện; 210/210 Ban bảo vệ trẻ em cấp xã. Duy trì trên 90% xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em. Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Trong đó, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với UBND các cấp, các sở, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức Childfund, Wold Vision… tổ chức được 55 chương trình tập huấn, truyền thông cho 4.025 người là cán bộ LĐ-TB&XH các cấp, người chăm sóc trẻ em, phụ huynh và học sinh; tổ chức 1 chương trình chấm dứt bạo lực trẻ em "Cần bạn, cần tôi, cần cả thế giới”; tuyên truyền, truyền thông cho 432.737 lượt người, phát 33.520 tài liệu, tờ rơi, sách mỏng tới cộng đồng nhằm bảo vệ trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặt biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cành đặc biệt nói riêng. Trong 2 năm 2017- 2018, toàn tỉnh tổ chức được 89 diễn đàn trẻ em các cấp với sự tham gia của 15.985 lượt trẻ em về các chủ đề liên quan tới công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Trẻ em trong độ tuổi tiểu học và THCS được tuyên truyền, phổ biến các kiến thức về phòng - chống tai nạn thương tích, Luật Trẻ em và Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111…
Với sự tích cực cập nhật, thực thi chính sách, công tác bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Hiện nay, toàn tỉnh có 87.642 gia đình có trẻ em đạt tiêu chí Ngôi nhà an toàn; 640 trường học an toàn; 98,8% trẻ em trong độ tuổi tiểu học, THCS biết các quy định về an toàn giao thông; 75% trẻ em trong độ tuổi tiểu học, THCS biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước; 74% trẻ em sử dụng phao khi tham gia giao thông đường thủy. 100% cán bộ cấp huyện, xã, cộng tác viên, tình nguyện viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em được tập huấn kỹ năng phòng - chống tai nạn thương tích trẻ em. Giảm tỷ suất tử vong trẻ em sơ sinh dưới 1 tuổi xuống còn 12%o, vượt 0,2%o so với mục tiêu đề ra; giảm tỷ suất tử vong trẻ sơ sinh dưới 5 tuổi xuống còn 13%o, vượt 0,3%o so với mục tiêu đề ra. Duy trì 100% trẻ em thuộc đối tượng chính sách được thực hiện chính sách ưu tiên, hỗ trợ về giáo dục, y tế… Giảm số vụ tai nạn thương tích trẻ em từ 334 trẻ xuống còn 156 trẻ; trẻ em tử vong do tai nạn thương tích từ 43 trẻ xuống còn 31 trẻ; trẻ tử vong do đuối nước từ 39 trẻ xuống 27 trẻ (năm 2017 so với năm 2018). Đối với các trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục đều thực hiện đúng quy trình hỗ trợ, trợ giúp, giúp các em nhanh chóng hòa nhập cộng đồng.
Hương Lan