Học viên lớp điện, trường Cao đẳng nghề Hòa Bình trong giờ thực hành
Nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 39 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 5 trường cao đẳng (CĐ), 3 trường trung cấp, 11 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và một số đơn vị khác tham gia đào tạo. Trung bình hàng năm có trên 14.000 người được đào tạo nghề, tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2020 ước đạt 56% (có bằng cấp, chứng chỉ đạt 22,64%).
Theo đánh giá của UBND tỉnh, tỷ lệ lao động trong ngành nông, lâm, ngư nghiệp hiện cao hơn mức bình quân chung của cả nước, tỷ lệ lao động qua đào tạo, có tay nghề cao ít. Nguyên nhân chủ yếu do công tác đào tạo nhân lực còn nhiều khó khăn, hình thức đào tạo chủ yếu là sơ cấp, trung cấp nghề. Trên địa bàn tỉnh có 5 trung tâm đào tạo nhân lực lớn, tuy nhiên, tính đến thời điểm này, nhiều trường CĐ gặp khó trong công tác tuyển sinh, liên kết đào tạo. Cụ thể, trường CĐ Sư phạm Hòa Bình, 5 năm trở lại đây chỉ tiêu tuyển sinh chỉ đạt dưới 50%. Đối với trường trường CĐ Nghề, CĐ Kinh tế - Kỹ thuật, hình thức đào tạo chủ yếu là liên kết và đào tạo hệ trung cấp nghề.
Theo phân tích của ngành LĐ-TB&XH tỉnh, khó khăn trong công tác đào tạo nghề hiện nay là điều kiện cơ sở vật chất, phòng học, thiết bị dạy nghề còn hạn chế, chương trình đào tạo không thường xuyên đổi mới, cập nhật với sự phát triển của công nghệ, nên chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của thị trường lao động. Các đề án đào tạo nghề như Đề án 1956 lại thiên về dạy nghề ngắn hạn, cấp chứng chỉ và dạy nghề theo nhu cầu, nên mới dừng ở các nghề nhà nông cần để giải quyết nhu cầu trước mắt, chứ chưa đào tạo theo yêu cầu của sản xuất nông nghiệp hiện nay như sản xuất công nghệ cao, vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất thích ứng với tiêu chuẩn VietGAP...
Báo cáo của Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh cho thấy, tính đến thời điểm này, các doanh nghiệp tại 5 KCN trên địa bàn tỉnh đã tạo việc làm cho hơn 19 nghìn lao động. Trong đó, trình độ đại học trở lên có 1.064 lao động, trình độ CĐ 1.083 lao động, trình độ trung cấp 1.218 lao động, dạy nghề thường xuyên hơn 2.000 lao động, còn lại hơn 11 nghìn lao động phổ thông.
Trong khi nguồn nhân lực đào tạo tại chỗ chưa đáp ứng được yêu cầu thì công tác thu hút, đãi ngộ tài năng chưa thực sự hấp dẫn nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhân lực chất lượng cao tại tỉnh đã hiếm lại còn bị "chảy máu", do người lao động không mặn mà cống hiến cho quê hương.
Đâu là giải pháp?
Hiện nay, với nhiều lợi thế như an ninh ổn định, giá nhân công thấp, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư. Vì vậy, người lao động đứng trước nhiều cơ hội việc làm. Ngược lại, để nắm bắt được cơ hội này, đòi hỏi nguồn nhân lực của tỉnh phải đáp ứng được xu thế hội nhập toàn cầu. Đồng chí Quách Thị Kiều, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH khẳng định: Chiến lược phát triển nguồn nhân lực của tỉnh giai đoạn 2016 - 2025 xác định mục tiêu cụ thể là tạo sự chuyển biến căn bản, toàn diện chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh, vùng Thủ đô và hội nhập quốc tế. Trong đó, tập trung dạy nghề chất lượng cao, đột phá vào các ngành kinh tế mũi nhọn, lĩnh vực trọng tâm của tỉnh. Tiếp tục huy động các nhà khoa học, nghệ nhân, cán bộ kỹ thuật, thợ bậc cao tại các doanh nghiệp tham gia hướng dẫn đào tạo nghề. Gắn đào tạo với nhu cầu sản xuất và tạo việc làm cho người lao động. Đồng thời, xây dựng đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ, đặc biệt là đội ngũ chuyên gia đầu ngành có khả năng tư vấn hoạch định, tổ chức triển khai, thực hiện các chiến lược, quy hoạch, chương trình phát triển ở các ngành, lĩnh vực KT-XH trọng yếu.
Mặt khác, theo số liệu báo cáo của ngành GD&ĐT, hàng năm, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT xét nguyện vọng vào các trường CĐ, đại học chỉ chiếm khoảng 30%, còn lại hơn 60% các em chỉ xét nguyện vọng tốt nghiệp THPT. Có thể nói đây là một lực lượng rất cần định hướng nghề. Đại biểu Quốc hội Quách Thế Tản cho rằng: Muốn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cần phải có một chiến lược dài hơi, vừa quan tâm đầu tư nguồn nhân lực trực tiếp, vừa phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Trước tiên, với nguồn nhân lực trực tiếp cần dồn lực đầu tư, xã hội hóa công tác đào tạo nghề. Đẩy mạnh phối hợp giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề, làm sao vừa phát huy hết năng lực của trường nghề, vừa đào tạo lao động phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Về lâu dài, muốn có nguồn nhân lực tốt cần làm tốt khâu hướng nghiệp đối với học sinh. Ngay từ học sinh THCS, THPT cần làm tốt công tác định hướng nghề nghiệp, có đầu tư, đào tạo cho học sinh theo hướng "trồng người", vừa phát triển kiến thức, năng lực, vừa có sức khỏe, nhiệt huyết trong công việc. Giúp lao động tiếp cận được thị trường lao động quốc tế.
Xác định nguồn nhân lực là yếu tố đột phá, mang tính chiến lược, nhằm thu hút đầu tư vào tỉnh, từ năm 2016, UBND tỉnh đã có Quyết định số 154, ngày 3/6/2016 về việc quy định ưu đãi tuyển dụng, sử dụng lao động tại chỗ và hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động làm việc trong các doanh nghiệp. Trong 2 năm 2017 - 2018, đã hỗ trợ 3 công ty đào tạo nghề trên 12 tháng cho 941 lao động, với kinh phí hơn 770 triệu đồng. Ngoài ra, nhiều lao động làm việc tại các công ty có vốn nước ngoài đã được tu nghiệp nâng cao tay nghề tại công ty mẹ. Với những lao động này được xem như là lực lượng lao động tinh túy của doanh nghiệp tại Việt Nam.
Theo đồng chí Lưu Tùng Lâm, Trưởng Phòng Quản lý doanh nghiệp, Ban Quản lý các KCN tỉnh, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa đào tạo nghề. Quan trọng hơn cần định hướng cho các trường mở rộng thêm ngành nghề mới, mở rộng hình thức đào tạo nghề, và trong khi nhiều cơ sở dạy nghề chưa đáp ứng được đào tạo tay nghề cao, nên chăng khuyến khích nhân rộng mô hình doanh nghiệp thành lập trung tâm đào tạo tại chỗ, nhận sinh viên về đào tạo và thực tập. Đồng thời, tổ chức tốt mạng lưới cung ứng dịch vụ lao động, xây dựng ngân hàng dữ liệu và cung cầu lao động.
Theo đánh giá, thiếu hụt nguồn nhân lực có tay nghề là 1 trong 5 rào cản, thách thức ảnh hưởng đến hoạt động thu hút đầu tư. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, công nghệ mới liên tục ra đời, đòi hỏi người lao động phải mở rộng kiến thức nghề nghiệp, ứng dụng KHKT, kỹ năng giao tiếp, kỷ luật lao động. Để giải quyết vấn đề này, hơn bao giờ hết, tỉnh cần có những giải pháp toàn diện trong công tác đào tạo nghề, không chỉ giúp người lao động có việc làm, mà còn tạo ra một lực lượng lao động có tay nghề, kiến thức, đáp ứng hội nhập kinh tế quốc tế.
Phương Linh