Hộ dân xã Chí Đạo (Lạc Sơn) sử dụng vốn chính sách đầu tư chăn nuôi bò.
Từ khi chủ trương này đi vào thực tiễn, đời sống kinh tế của hộ nghèo và các đối tượng thụ hưởng đã có sự chuyển biến thiết thực. Ở những địa bàn khó khăn, những ngôi nhà mới, vườn cây ăn quả, ao cá, đàn trâu, bò của người dân đều có dấu ấn đậm nét của vốn chính sách. Chị Bùi Thị Bích, xóm Tre Báng, xã Miền Đồi (Lạc Sơn) chia sẻ: Vai trò của vốn chính sách rất quan trọng đối với hộ nghèo, kinh tế nhiều khó khăn như gia đình tôi. Được tạo điều kiện vay vốn, gia đình làm được ngôi nhà sàn kiên cố hơn, sau này tiếp tục được tạo điều kiện vay thêm vốn đầu tư chăn nuôi trâu. Nhờ đó, kinh tế gia đình đã khá hơn nhiều so với trước đây.
Thủ tục vay vốn đơn giản, lãi suất phù hợp, vốn chính sách thực sự đã trở thành "bà đỡ” cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Trước nhu cầu được vay vốn ngày càng cao của người dân, những năm qua, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã huy động nguồn vốn, đa dạng chương trình cho vay nên hầu hết người dân sinh sống ở vùng khó khăn đều đủ điều kiện tiếp cận vốn vay ưu đãi. Không chỉ có vai trò trong giảm nghèo, nhiều hộ dân đã vươn lên làm giàu với nền tảng được tạo nên nhờ vay vốn chính sách. Như gia đình ông Nguyễn Văn Quảng, xóm Dệ, xã Bắc Phong (Cao Phong). Nhìn vườn cam sai trĩu quả, đem lại thu nhập ổn định trên 200 triệu đồng mỗi năm, ít ai nghĩ rằng, gia đình ông Quảng cũng từng thuộc diện hộ nghèo. "Từ khi đời sống còn khó khăn, rồi khá hơn một chút và được như bây giờ, gia đình tôi đều nhận được sự hỗ trợ thiết thực từ vốn vay ưu đãi của NHCSXH” - ông Quảng chia sẻ. Khi thuộc diện hộ nghèo, gia đình ông Quảng được vay vốn chương trình cho vay hộ nghèo để nuôi trâu; thoát nghèo, gia đình ông tiếp tục được vay vốn hộ cận nghèo và hiện là vốn SXKD vùng khó khăn.
Năm 2020, công tác tín dụng chính sách gặp không ít khó khăn do đại dịch Covid-19, biến động về công tác cán bộ do sắp xếp, kiện toàn xóm, tổ dân dân phố và sáp nhập xã. Đồng chí Ngô Trọng Kiên, Phó Giám đốc phụ trách NHCSXH tỉnh cho biết: Những năm qua, NHCSXH đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác; kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn để nâng cao chất lượng tín dụng. Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư T.Ư Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, năm 2020, nguồn vốn ngân sách địa phương chuyển sang đạt trên 12 tỷ đồng, nâng tổng số dư nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương lên gần 49 tỷ đồng. Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh đã chỉ đạo, triển khai thực hiện hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Theo đó, tổng doanh số cho vay năm 2020 trên 1.122 tỷ đồng, với 34.852 lượt khách hàng vay vốn, bằng 115% so với năm 2019; tổng doanh số thu nợ gần 913 tỷ đồng, bằng 117% so với năm 2019. Đến ngày 31/12/2020, tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt trên 3.334 tỷ đồng, gần 127 nghìn khách hàng còn dư nợ, đạt 100% kế hoạch dư nợ; tỷ lệ tăng trưởng đạt 6,7%, hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng của các chương trình tín dụng được giao tăng trưởng năm.
Từ vốn tín dụng chính sách, đã hỗ trợ vốn đầu tư phát triển SXKD, phục vụ đời sống trên 34.800 lượt hộ nghèo, các đối tượng chính sách; tạo việc làm cho trên 2.000 lao động, xây dựng 480 nhà ở cho hộ nghèo; xây dựng mới, sửa chữa trên 9.800 công trình nước sạch, 9.300 công trình vệ sinh tại vùng nông thôn. Thông qua hoạt động tín dụng chính sách đã góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, hạn chế tình trạng tín dụng đen trên địa bàn tỉnh.
Viết Đào