Gia đình chị Bùi Thị Ứn, xóm Dệ, xã Bắc Phong (Cao Phong) sử dụng vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH để nuôi trâu, nâng cao thu nhập.
Cuối tháng 2 vừa qua, chúng tôi có dịp về thăm gia đình chị Bùi Thị Ứn, một trong những hộ có hoàn cảnh khó khăn nhất của xóm Dệ, xã Bắc Phong. Trước khi được tiếp cận với vốn chính sách, gia đình chị Ứn không chỉ thiếu vốn để phát triển kinh tế, mà căn nhà tranh, vách nứa tạm bợ cũng không đủ che mưa, che nắng. "Ngày trước, gia đình tôi sống trong ngôi nhà tranh, vách nứa. Khi mưa to, gió lớn trong nhà ướt hết, nhưng hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn nên không biết khi nào mới có thể xây nhà. Được sự quan tâm của Nhà nước, năm 2017, gia đình vay vốn làm nhà ở của NHCSXH nên đã xây dựng ngôi nhà mới. Nếu không được vay vốn không biết đến bao giờ gia đình mới có ngôi nhà này” - chị Ứn chia sẻ.
Ngôi nhà xây cấp 4 rộng khoảng 40m2, được xây dựng chắc chắn, nền nhà lát gạch men sạch sẽ. 5 năm qua, gia đình chị Ứn không còn nỗi lo về chỗ trú mưa, trú nắng nữa mà tập trung trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Sau khi được vay vốn làm nhà ở, gia đình chị Ứn tiếp tục được NHCSXH cho vay 25 triệu đồng mua trâu giống và trồng mía. Đến nay, gia đình chị Ứn đã có 2 con trâu. "Nhờ vốn vay của NHCSXH, gia đình tôi đã vơi bớt khó khăn. Gia đình sẽ cố gắng, chăm chỉ trồng trọt, chăn nuôi để nâng cao thu nhập và từng bước thoát nghèo” - chị Ứn chia sẻ thêm.
Ngoài gia đình chị Ứn, ở xóm Dệ cũng có nhiều hộ tìm được hướng chuyển đổi cơ cấu kinh tế phù hợp nhờ động lực từ vốn chính sách. Như gia đình ông Bùi Văn Thu trước đây được vay vốn làm nhà ở nên đã xóa nhà tạm. Sau này, tiếp tục được vay 30 triệu đồng vốn ưu đãi để cải tạo diện tích vườn tạp sang trồng cam. Đến thăm gia đình đúng lúc vợ chồng ông Thu đang bón phân cho vườn cam sang tuổi thứ tư, ông cho biết: "Năm ngoái, vườn cam mới bắt đầu bói quả. Năm nay đã ra hoa nhiều nên gia đình cũng phấn khởi. Ngoài trồng cam, tôi còn nuôi 2 con trâu. Nhờ có sự quan tâm, tạo điều kiện của NHCSXH mà chúng tôi có điều kiện để phát triển kinh tế, đời sống bớt khó khăn hơn so với trước kia”.
Gia đình chị Ứn, ông Thu là hai trong số hàng nghìn hộ nghèo, đối tượng chính sách trên địa bàn huyện Cao Phong đã, đang tiến từng bước vững chắc trên hành trình thoát nghèo nhờ điểm tựa từ vốn chính sách. Đồng chí Vũ Hoài Nam, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện cho biết: Năm 2020, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến hoạt động của NHCSXH và khách hàng. Tuy nhiên, Phòng giao dịch NHCSXH huyện đã nỗ lực huy động các nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân, hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kế hoạch, nhiệm vụ đề ra. Chất lượng tín dụng được nâng lên, với tỷ lệ nợ quá hạn chiếm 0,03%/tổng dư nợ, tỷ lệ thu hồi nợ đến hạn đạt 99%, lãi tồn đọng giảm so với năm 2019.
Trong năm 2020, có trên 3.800 hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn được vay vốn chính sách đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập và ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống; làm mới, sửa chữa, nâng cấp 2.560 công trình nước sạch, vệ sinh; xây dựng 72 căn nhà cho hộ nghèo, 431 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận nguồn tín dụng lãi suất thấp. Nhờ đó đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển KT-XH, ổn định ANTT trên địa bàn huyện.
Viết Đào