Từ đầu năm nay, căn cứ vào nhu cầu thực tế, NHCSXH tỉnh tiếp tục huy động nguồn vốn, phân giao kịp thời vốn vay đến Phòng giao dịch NHCSXH các huyện, thành phố để giải ngân kịp thời cho người dân. Theo đó, doanh số cho vay từ đầu năm đến tháng 2 đạt trên 152 tỷ đồng, riêng tháng 2 đạt gần 99 tỷ đồng cho gần 4.600 khách hàng vay vốn.
Từ đầu năm đến hết tháng 2, tăng trưởng dư nợ chủ yếu tập trung vào các chương trình cho vay như: cho vay hộ SXKD vùng khó khăn (gần 42 tỷ đồng), hộ nghèo (trên 33 tỷ đồng), hộ cận nghèo (trên 37 tỷ đồng), cho vay NS&VSMTNT (gần 23 tỷ đồng), giải quyết việc làm (15 tỷ đồng). Từ tháng 3 đến hết năm 2021, NHCSXH tiếp tục triển khai cho vay các chương trình còn lại. Đáng chú ý, kể từ ngày 30/3, NHCSXH tiếp tục thực hiện giải ngân chương trình tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo, thay vì giải ngân đến hết ngày 31/12/2020 như quy định tại Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
* Dư nợ cho vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn đạt gần 569 tỷ đồng
Đến hết tháng 2/2021, tổng dư nợ chương trình cho vay hộ sản xuất, kinh doanh (SXKD) tại vùng khó khăn theo Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg, ngày 5/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh đạt 568,97 tỷ đồng, với trên 17.700 khách hàng còn dư nợ. Từ đầu năm đến hết tháng 2, đây là chương trình có doanh số cho vay cao nhất, đạt gần 42 tỷ đồng. Riêng tháng 2, doanh số cho vay chương trình này đạt 39,1 tỷ đồng, cho 1.132 lượt khách hàng vay vốn.
Trong năm 2020, việc triển khai chương trình cho vay hộ SXKD vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn sau thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã. Theo đánh giá của Chi nhánh NHCSXH tỉnh, đây là một trong những chương trình được nhiều hộ dân quan tâm, có nhu cầu được vay vốn. Mức vốn cho vay của chương trình này đối với một hộ tối đa là 50 triệu đồng. Trong một số trường hợp cụ thể, mức cho vay của một hộ có thể trên 50 - 100 triệu đồng và phải thực hiện bảo đảm tiền vay bằng tài sản hình thành từ vốn vay.
V.Đ