Nhiều người câu cá ở khu vực cầu Hoà Bình 3 (TP Hoà Bình).
Nếu ở mùa nước nổi, thủy điện bắt đầu tích nước, nước từ thượng nguồn đổ xuống màu hoa mơ, nước lên sóng nước bềnh bồng, nhiều cá hết sức hấp dẫn. Còn vào mùa cạn, thủy điện chưa tích nước, sông Đà cạn xuống cỡ chục mét, phía hạ lưu dòng sông co hẹp, chảy bớt xiết hơn, nước trong xanh nhìn thấy từng đàn cá lội cũng rất thi vị. Ai dư dả về thời gian, có thể đi thuyền ngược thượng nguồn, tìm các khe lạch, chỗ đá núi dựng đứng thả cần, thả hồn theo sông nước mênh mang hồ sông Đà. Nếu muốn câu được nhiều cá có thể đến các lồng bè của người dân, thả cần cạnh đó, cá tự nhiên vào ăn cũng rất nhiều, nhất là các loài cá trắm, ngạnh, quất, chày, chép, chiên. Còn những ai không nhiều thời gian, có thể tranh thủ xuống hạ lưu buông cần ngồi ngắm sông, ngắm những trảng cát trắng ngần mùa cạn, tìm cảm giác cá đớp, cá ăn… Vào mùa cạn, cá từ phía hạ lưu sông Đà, sông Hồng vượt nước, tới cửa đập thủy điện Hòa Bình bị chắn lại, cá tự nhiều vô kể. Khu vực dưới hạ lưu có hàng trăm người câu cá, có người tóc bạc, có thanh niên, có cả trẻ em và đủ mọi thành phần, nghề nghiệp từ công an, bộ đội, cán bộ, công chức, giáo viên, học sinh, sinh viên…
Ông Nguyễn Văn Tùng ở phường Hữu Nghị (TP Hòa Bình) từ tò mò, đến đam mê, rồi nghiện câu cá sông Đà từ rất lâu. Cứ rảnh là ông nhào mồi, trộn mồi, mang cần ra bờ sông phía hạ lưu câu cá. Ông Tùng kể: Phía hạ lưu có nhiều điểm câu hấp dẫn như: Khu vực suối Đúng chảy ra; dọc 2 bên bờ sông Đà, tới làng chài (khu vực cầu Hoà Bình 3) đến các điểm câu gần nhà máy xi măng sông Đà cũ, xuôi suống tận Yên Mông, Hợp Thành, Hợp Thịnh… Ngày nào không ra sông, hồ ném mồi câu chẳng thể yên lòng. Ông nhiều lần vớ được cá to, cá khủng, cũng có nhiều lần về không chẳng có mùi tanh của cá. Sướng nhất là bắt được đàn chép sông béo múp, cỡ trên chục con, mang về khoe và cho cả hàng xóm, có dạo bắt được cả chục ký cá vền, cá mương, chày về để đầy tủ lạnh, ăn không hết phải xay ra làm chả ăn dần. Sướng nhất là lúc hút thuốc thả mồi nghĩ vu vơ, bỗng đâu cần bị cá lôi gập xuống chạy đến giằng co mãi kéo lên được con cá chày tận 2 ký. Cá chày sông Đà sạch, ngon, trắng thơm, hấp lên thịt trắng như thịt gà, ăn ngọt đậm không thể quên. Có dạo câu lăng xê đợi mãi chẳng thấy cá ăn, kéo cần đi về, thấy cước căng tưởng như mắc rọ tôm, mắc lưới của dân vạn chài, kéo mãi lên mặt nước thấy con trắm mắc câu dài cỡ sải tay, đen chũi, nhìn cá vẫy mà sướng phát điên. Nhưng chỉ được vài phút, cá to, cần yếu rồi đánh "bụp” cá giật mất cả lưỡi lăng xê lặn xuống sông mất tăm, đến giờ sau nhiều năm vẫn tiếc. Nhiều người "nghiện” câu cá có thể câu cả ngày, có người câu xuyên cả đêm để được tận hưởng cảm giác chinh phục những đàn cá rô, trắm, chép trên sông Đà. Đối với dân câu, đợi cả buổi, nhưng chỉ cần được ra sông Đà thả cần, buông câu, tìm kiếm cảm giác cá đớp, cá đưa phao, giật cần, giằng co, kéo cá thì là niềm vui hứng khởi không thể tả được. Dân câu họ kệ thiên hạ, vợ con gọi họ là "lũ trời đầy”, cá rẻ, hơi đâu đợi cả ngày, đầy cả buổi mưa nắng để lấy vài con mương, ngạnh, có khi về không. Nhưng với họ được buông cần, thả câu trên sông nước là niềm đam mê khó lý giải.
Hòa Bình được thiên nhiên ưu đãi, có dòng sông Đà kỳ vĩ, rất đỗi thơ mộng, đẹp như cổ tích lại có nguồn thủy sản dồi dào, phong phú, từng được ví là kho tàng quý báu về thủy sinh vật và nguồn lợi thủy sản của vùng Tây Bắc. Nguồn nước sông Đà hầu như chưa bị ô nhiễm, tất cả các loại cá sinh sống khu vực sông Đà đều là cá sạch, thịt cá sông Đà trắng, thơm và sạch. Các món cá sông Đà đều ngon, dễ ăn, dễ nhớ. Có thể chế biến rất nhiều món ăn, nhất là được chế biến ngay tại bờ sông và thưởng thức ở trên các thuyền câu ở bên hồ thì mang lại cảm giác thật tuyệt vời, khiến nhiều người ao ước.
Linh Trang