(HBĐT) - Việc đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT đầy đủ theo quy định của Luật BHYT, nhưng không để vượt nguồn kinh phí được giao là bài toán đặt ra với ngành BHXH nói chung và BHXH tỉnh nói riêng. Từ năm 2018 trở lại đây, Thủ tướng Chính phủ giao dự toán chi khám, chữa bệnh (KCB) BHYT cho các địa phương và phân bổ đến từng cơ sở KCB BHYT, nguồn kinh phí luôn được sử dụng hiệu quả, an toàn, không để vượt dự toán giao.
Bệnh nhân khám, chữa bệnh BHYT tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Kể từ khi thực hiện Luật BHYT sửa đổi, bổ sung năm 2014, tỉnh luôn gặp khó khăn trong công tác quản lý quỹ BHYT. Nguyên nhân chính là mức đóng bình quân thẻ BHYT còn thấp, do chủ yếu là các đối tượng được ngân sách Nhà nước đóng như: Người nghèo, người dân tộc thiểu số…, mức đóng bình quân tại tỉnh khoảng trên 800.000 đồng/ thẻ/năm, trong khi quyền lợi của người tham gia BHYT ngày càng được mở rộng...
Từ năm 2018 - 2020, Thủ tướng Chính phủ giao dự toán chi KCB BHYT về cho các địa phương quản lý, sử dụng. Đối với tỉnh, dự toán được giao các năm đều cao hơn quỹ KCB BHYT của tỉnh. BHXH tỉnh đã phối hợp Sở Y tế, Sở Tài chính xây dựng phương án phân bổ nguồn kinh phí trình UBND tỉnh thông báo chi tiết đến từng cơ sở KCB BHYT trong tỉnh. Qua 3 năm liên tục (2018 - 2020), tỉnh không để vượt nguồn dự toán giao, quyền lợi của người dân tham gia BHYT được đảm bảo theo quy định, người dân yên tâm với chính sách BHYT của Nhà nước.
Để quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí được giao, ngay sau khi UBND tỉnh thông báo nguồn kinh phí KCB BHYT đến các cơ sở KCB, BHXH tỉnh xây dựng kế hoạch kiểm soát quỹ BHYT, tập trung một số nội dung như: Hàng tháng phân tích, đánh giá tình hình sử dụng quỹ BHYT tại tỉnh và tại từng cơ sở KCB BHYT, thông báo kịp thời cho cơ sở KCB BHYT những chỉ số bất thường để kiểm tra, rà soát lại; thực hiện phương pháp giám định điện tử kết hợp giám định thủ công tại cơ sở KCB và giám định theo tỷ lệ; xây dựng các chuyên đề để giám định, kiểm tra, rà soát nội dung đã được cảnh báo trên phần mềm giám định; tăng cường công tác kiểm tra tại các khoa điều trị nội trú trong và ngoài giờ hành chính ít nhất 1 lần/tuần; giám định ngược tại nơi công tác hoặc nơi cư trú của bệnh nhân đối với các trường hợp nghi ngờ để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các trường hợp lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT...
Năm 2021, dự toán chi KCB BHYT thấp hơn so với năm 2020 khoảng 6,5%, BHXH tỉnh đang xây dựng dự kiến số chi KCB BHYT năm 2021 để thông báo cho cơ sở KCB chủ động thực hiện. Với mục tiêu vừa đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT, vừa đảm bảo không vượt dự toán được giao.
BHXH tỉnh sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để kiểm soát, quản lý, hiệu quả nguồn quỹ được giao tại tỉnh: Thực hiện nghiêm túc các nội dung hướng dẫn tại Công văn số 3868/BHXH-CSYT, ngày 7/12/2020 của BHXH Việt Nam về một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác giám định BHYT năm 2021 và Quy trình giám định BHYT kèm theo Quyết định số 1456/QĐ-BHXH, cụ thể: Bố trí, sắp xếp cán bộ giám định để tập trung giám định dữ liệu KCB BHYT trên Hệ thống thông tin giám định BHYT; phân tích, đánh giá, phát hiện các sai sót, vấn đề bất thường về chi phí cần lưu ý tại tất cả các cơ sở KCB BHYT; phân tích, so sánh, đánh giá việc chỉ định vào điều trị nội trú tại các cơ sở KCB, đặc biệt là Bệnh viện Đa khoa tỉnh; nghiêm túc thực hiện các chuyên đề do Trung tâm Giám định BHYT và thanh toán đa tuyến chuyển về; tăng cường kiểm tra sự có mặt của người bệnh tại các cơ sở KCB BHYT và việc thực hiện dịch vụ kỹ thuật tại các khoa; tổ chức giám định tại nhà hoặc tại nơi làm việc của người bệnh đối với trường hợp không nằm viện mà vẫn có hồ sơ bệnh án điều trị nội trú để từ chối thanh toán; kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với trường hợp vi phạm về KCB và thanh toán chi phí KCB BHYT theo quy định tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Đoàn Đức Thắng
(Bảo hiểm xã hội tỉnh)