(HBĐT) - Đoàn Thanh niên xã Lỗ Sơn (Tân Lạc) hiện có trên 360 đoàn viên, thanh niên (ĐV-TN). Những năm gần đây, xã đã có một số mô hình thanh niên phát triển kinh tế hiệu quả nhưng cũng còn gặp nhiều khó khăn do chưa tiếp cận được nguồn vốn vay lớn, đầu ra sản phẩm không ổn định, hầu hết đều là những mô hình nhỏ lẻ…



Mô hình phát triển kinh tế của anh Bùi Văn Đồng là một trong những điển hình khởi nghiệp của Đoàn xã Lỗ Sơn (Tân Lạc). 

Thời gian qua, Đoàn xã tăng cường tuyên truyền về việc làm, nghề nghiệp, khởi nghiệp và nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng của ĐV-TN. Nhiều thanh niên khát vọng vươn lên làm giàu ngay chính quê hương, không ngại khó khăn và đã gặt hái được những kết quả tốt trong phát triển kinh tế. Điển hình như mô hình nuôi cá lồng của thanh niên Bùi Tiến Đạt, chi đoàn xóm Đá; nuôi thỏ, lợn và trồng cây có múi của thanh niên Bùi Văn Tiện, chi đoàn xóm Chiềng Đồi; vườn ươm, cung cấp cây giống của thanh niên Bùi Văn Đồng, Bí thư chi đoàn xóm Tân Lập; nuôi trâu vỗ béo của thanh niên Bùi Văn Trọng, chi đoàn xóm Đồi Bẹ…

Anh Bùi Văn Đồng là một trong những thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu của Đoàn xã. Tốt nghiệp trường Đại học Lâm nghiệp với tấm bằng khá, năm 2017, anh đã lựa chọn con đường khởi nghiệp tại quê hương với mô hình vườn ươm, nhân giống, cung cấp cây giống. Với số vốn ít ỏi ban đầu 10 triệu đồng, trên vườn ươm 200 m2, anh đã mua các loại cây giống về tự ghép. Chưa có nhiều kinh nghiệm lại thiếu vốn, anh đã không ít lần thất bại nhưng với sự quyết tâm, cần cù, ham học hỏi, chỉ sau khoảng 1 năm, mô hình đã mang lại hiệu quả. Sau 3 - 5 năm, vườn của gia đình anh đã bắt đầu cho thu hoạch. Hiện nay, anh Đồng đang là thành viên HTX Sản xuất và kinh doanh nông nghiệp 0789; có vườn ươm với diện tích 600 m2, ươm một số loại cây như dổi, trám đen, trám trắng, nho Hạ Đen. Sau khi trừ hết chi phí, mô hình kinh tế cho thu nhập 60 – 80 triệu đồng/năm. Anh Bùi Văn Đồng chia sẻ: Khi mới khởi nghiệp, thiếu kinh nghiệm nên tôi chưa mạnh dạn thử sức với mô hình quy mô lớn. Chưa có đầu ra tiêu thụ sản phẩm ổn định, loay hoay tìm kiếm thị trường, thời tiết thất thường… là những khó khăn ban đầu tôi phải tự khắc phục.

Đầu ra cho sản phẩm không ổn định cũng là sự lo lắng, thách thức của nhiều ĐV-TN xã Lỗ Sơn trên hành trình khởi nghiệp. Thời gian gần đây, ảnh hưởng của dịch Covid-19, cùng chi phí đầu tư sản xuất tăng càng thêm khó khăn. Bên cạnh đó là việc khó tiếp cận được nguồn vốn vay phù hợp để khởi nghiệp, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế của ĐV-TN.

Đồng chí Bùi Văn Anh, quyền Bí thư Đoàn xã Lỗ Sơn cho biết: Khi bắt đầu khởi nghiệp, đa phần ĐV-TN đều gặp khó trong huy động vốn; khó tiếp cận được với các nguồn vốn hoặc chưa đủ điều kiện để vay vốn. Những nguồn vốn vay có thể tiếp cận được thì lãi suất chưa phù hợp, với nguồn vốn có lãi suất ưu đãi lại không đủ điều kiện để vay. Nguồn vốn vay Quỹ Quốc gia về việc làm của Trung ương Đoàn (nguồn vốn 120) được đầu tư cho những dự án kinh tế do thanh niên làm chủ, phát triển các dịch vụ mang tính bền vững tại khu vực nông thôn. Tôi mong nguồn vốn này có thêm nhiều chỉ tiêu để nhiều ĐV-TN có cơ hội được vay phát triển kinh tế, mở rộng quy mô sản xuất, tăng thu nhập.

Theo thống kê sơ bộ của Đoàn xã, thực trạng đáng buồn hiện nay là vì hoàn cảnh kinh tế gia đình mà khoảng trên 50% thanh niên trong độ tuổi đoàn đi làm ăn xa. Từ đó, khó khăn trong công tác tập hợp thanh niên tham gia các hoạt động, phong trào Đoàn. Thời gian qua, mặc dù Đoàn xã tích cực trong công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, hướng nghiệp, khởi nghiệp nhưng thực trạng thanh niên đi làm ăn xa vẫn nhiều nên không chủ động thực hiện được các mô hình phát triển kinh tế tại gia đình. Thời gian tới, khi dịch bệnh được kiểm soát, Đoàn xã sẽ tổ chức cho ĐV-TN đi tìm hiểu, học tập, trao đổi kinh nghiệm từ các mô hình khởi nghiệp thành công ở trong, ngoài tỉnh, góp phần khuyến khích, hỗ trợ thanh niên sáng tạo khởi nghiệp, thúc đẩy phong trào phát triển kinh tế.

Linh Nhật

Các tin khác


Để vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển bền vững

Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) bình quân giảm từ 2,5 - 3%/năm; 14/33 xã đặc biệt khó khăn cán đích nông thôn mới; cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống được đầu tư; nhiều giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, phát huy gắn với phát triển du lịch... đó là những kết quả đáng ghi nhận sau nhiều năm triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS&MN) trên địa bàn tỉnh.

Tiếp nối truyền thống "Ba đảm đang”

Dù ở giai đoạn lịch sử nào, phụ nữ các dân tộc tỉnh Hoà Bình cũng luôn có đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tiếp nối ngọn lửa "Đội quân tóc dài”, truyền thống "Ba đảm đang”, trong giai đoạn mới, các cấp Hội LHPN trong tỉnh chú trọng xây dựng hình ảnh người phụ nữ Hòa Bình thời đại mới, nghĩa tình, năng động, sáng tạo, có trách nhiệm với gia đình và Tổ quốc, trở thành nguồn nhân lực quan trọng trong phát triển KT-XH của tỉnh.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám thiện nguyện cho gần 150 người dân xã Tự Do

Ngày 27/4, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình gồm 24 cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế do TS. BS Nguyễn Hoàng Diệu, Giám đốc Bệnh viện làm trưởng đoàn tổ chức chương trình khám bệnh thiện nguyện "Vì sức khoẻ cộng đồng” cho người dân xã Tự Do, huyện Lạc Sơn. Chương trình có sự phối hợp của Trung tâm Y tế huyện Lạc Sơn, Trạm Y tế xã và các cán bộ địa phương.

Chương trình thiện nguyện “Cùng em đến trường” trao 200 xe đạp cho học sinh huyện Đà Bắc

Sáng 27/4, tại Trường TH&THCS Cao Sơn (Đà Bắc), Tỉnh Đoàn Hoà Bình, Câu lạc bộ Bất động sản Hoà Lạc phối hợp tổ chức chương trình thiện nguyện "Cùng em đến trường” dành cho thiếu nhi trên địa bàn huyện.

Nỗi lo đuối nước ở trẻ em khi vào hè

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trong những ngày vừa qua liên tục tiếp nhận những ca bệnh nhi đuối nước nghiêm trọng, nguy kịch tính mạng. Các bệnh nhi đều vào viện với bệnh cảnh suy đa tạng do hậu quả của quá trình ngừng tuần hoàn…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục