(HBĐT) - Tai nạn thương tích (TNTT) luôn là nỗi lo lắng của các bậc phụ huynh trong việc bảo vệ an toàn cho con em. TNTT xảy ra, dù ở mức độ nào cũng gây ra những tổn hại về tinh thần, sức khỏe, thể chất cho trẻ em (TE). Do vậy, việc bảo đảm an toàn cho TE, phòng tránh TNTT hết sức quan trọng và cần sự vào cuộc của cả cộng đồng. Trên thực tế, TE có thể gặp TNTT bất cứ lúc nào, bất kỳ nơi đâu. Trẻ dễ bị TNTT khi thiếu sự quan tâm, giám sát của người lớn, các bậc phụ huynh, những người chăm sóc trẻ, nhất là kỳ nghỉ hè, TE được nghỉ ngơi, tự do vui chơi, phụ huynh lại bận rộn với công việc, thiếu thời gian chăm sóc, quản lý trẻ…


Trẻ em tham gia lớp học năng khiếu tại Trung tâm Hoạt động thanh niếu nhi tỉnh

Nguy hiểm rình rập

Theo rà soát của Sở LĐ-TB&XH, đến hết năm 2022, tỉnh ta có 231.593 TE, chiếm 26,7% dân số của tỉnh. Trong năm qua, tình trạng TE bị TNTT vẫn xảy ra ở nhiều địa phương, đặc biệt là trường hợp TE tử vong do đuối nước. Những TNTT thường gặp ở TE gồm: tai nạn giao thông, đuối nước, ngã, bỏng, động vật cắn...

TNTT luôn rình rập, đe dọa sự an toàn của trẻ. TE thường hiếu động, nghịch ngợm, tò mò, thích khám phá nhưng lại chưa đủ kiến thức, kỹ năng để xử lý khi gặp tình huống nguy hiểm, bất ngờ. Bởi vậy, chỉ cần một phút lơ là, chủ quan của người lớn là trẻ có thể gặp TNTT. Bên cạnh đó, việc thiếu sân chơi an toàn cho trẻ, không có biển cảnh báo khu vực nguy hiểm, không có rào chắn... cũng tiềm ẩn không ít nguy cơ gây TNTT cho TE. Song, những mối nguy hiểm này có thể phòng tránh được nếu phụ huynh, những người chăm sóc trẻ tăng cường sự giám sát, tạo môi trường sống an toàn cho trẻ.

Trong năm 2022 xảy ra nhiều vụ TNTT dẫn đến tử vong ở trẻ. Vào tháng 5, tại xã Đú Sáng (Kim Bôi), cháu B.M.T, SN 2017 chơi ở khu vực gần ngầm Sáng Mới không may bị trượt chân rơi xuống suối tử vong. Tháng 8, tại xã Tú Lý (Đà Bắc) xảy ra vụ đuối nước khiến 2 cháu nhỏ là anh em ruột trong một gia đình tử vong (cháu Đ.T.H, SN 2017 và Đ.T.H, SN 2019). Nguyên nhân được xác định trong lúc ông bà đi thả trâu đã chốt cửa cho hai cháu tự chơi trong nhà, nhưng các cháu tự mở cửa, ra gần ao chơi và sự việc thương tâm đã xảy ra. Cũng trong tháng 8, cháu N.M.H, SN 2012, trú tại xã Hợp Thành (TP Hòa Bình) cùng bạn đi chơi. Do mưa lớn khiến ruộng và đường nội đồng ngập sâu, đến vị trí ruộng sâu, không xác định được lối đi nên trượt chân ngã. Tuy đã được người dân trục vớt và hô hấp nhân tạo, tuy nhiên cháu không qua khỏi.

Trong tháng 9, tại xã Xuất Hóa (Lạc Sơn) xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe đầu kéo với xe máy điện. Xe máy điện do cháu T.P.A, học sinh trường TH&THCS Xuất Hóa điều khiển, chở theo sau B.B.N (SN 2009). Hậu quả làm B.B.N tử vong trên đường đi cấp cứu. Cũng trong tháng 9, tại xã Kim Bôi (Kim Bôi) xảy ra vụ đuối nước khiến 1 học sinh tử vong, nạn nhân là em Q.T.H.G (SN 2010); nhóm 5 học sinh rủ nhau lên tắm thác Kim Tiến (xã Kim Bôi), do thác cao, trơn trượt khiến 4 em chìm xuống nước. Nhờ sự trợ giúp của người dân, 3 học sinh được cứu sống, 1 em không qua khỏi.

Theo đồng chí Nguyễn Thị Linh Ngọc, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, TNTT ở TE thường xảy ra bất ngờ và rất khó lường trước. Có nhiều nguyên nhân, trong đó, sự chủ quan, bất cẩn, thiếu trách nhiệm của người lớn; trẻ thiếu kiến thức, kỹ năng bảo vệ an toàn khi gặp tình huống nguy hiểm; môi trường sống chưa thực sự an toàn, tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy cơ gây TNTT là những nguyên nhân sâu xa. Những năm qua, mặc dù luôn được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh quan tâm, thực hiện nhiều giải pháp nhằm phòng, chống nhưng tình trạng TE bị TNTT vẫn xảy ra.

Năm 2022, toàn tỉnh có 25 TE tử vong do TNTT. Trong đó, 20 trẻ tử vong do đuối nước; 5 trẻ tử vong do TNTT khác. Những con số này giảm so với năm 2021. Năm 2021, toàn tỉnh có 303 TE bị TNTT, trong đó có 39 trẻ tử vong (32 trẻ tử vong do đuối nước). Có thể nói, đây là dấu hiệu tích cực trong công tác bảo vệ, chăm sóc TE ở tỉnh ta.

Chủ động phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác phòng, chống TNTT cho TE, năm qua, tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, ngành, đoàn thể thực hiện đồng bộ giải pháp nhằm nâng cao trách nhiệm, đảm bảo an toàn cho TE, như: Công văn số 552/UBND-KHTH, ngày 15/4/2022 của UBND tỉnh về việc chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống TNTT, phòng chống đuối nước TE; Công văn số 740/UBND-KHTH, ngày 13/5/2022 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Công điện số 398/CĐ-TTg, ngày 2/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống đuối nước TE… Theo đó, các sở, ban, ngành, đoàn thể đã phối hợp, tăng cường tuyên truyền kiến thức, trang bị kỹ năng, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cơ quan, tổ chức và toàn xã hội trong việc bảo vệ, chăm sóc TE. Từ đó gia đình, cộng đồng xã hội có ý thức chủ động hơn với việc phòng ngừa xâm hại, phòng chống TNTT TE. Tích cực tham gia hoạt động truyền thông, tập huấn nâng cao hiểu biết, kỹ năng bảo vệ TE dựa vào cộng đồng. Đồng thời, các huyện, thành phố tổ chức nhiều hoạt động truyền thông về phòng chống TNTT, đuối nước, xâm hại trẻ em thông qua một số hoạt động như: tập huấn, tọa đàm, hội thi, phóng sự phát trên truyền thanh, truyền hình… Đặc biệt, tỉnh đã, đang tăng cường các biện pháp phòng ngừa TNTT cho TE, chung tay xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh.

Song song với đó, nhằm hạn chế tối đa tình trạng TNTT ở TE, hàng năm, Sở LĐ-TB&XH xây dựng các văn bản triển khai hướng dẫn thực hiện công tác TE đến 10 huyện, thành phố, trong đó chú trọng việc phòng, chống TNTT. Tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả như: mở lớp tập huấn, duy trì, nhân rộng các mô hình, cách làm hay trong phòng tránh TNTT; phối hợp rà soát, đánh giá, nhận định những khu vực nguy hiểm, dễ xảy ra TNTT để có biện pháp phù hợp với tình hình thực tế; tổ chức dạy bơi miễn phí, kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho TE…

Kỳ nghỉ hè đang đến gần, các trường học sẽ bàn giao học sinh về sinh hoạt tại địa phương. Thời điểm này là lúc lực lượng đoàn viên, thanh niên phát huy vai trò, tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ. Nhằm tạo sân chơi an toàn, lành mạnh, bổ ích cho TE dịp hè, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã đổi mới, đa dạng hoạt động sinh hoạt hè tại địa bàn dân cư, thu hút thanh thiếu nhi tham gia.

Đồng chí Nguyễn Duy Tư, Phó Bí thư phụ trách Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh cho biết: Hàng năm, Tỉnh Đoàn đều xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động sinh hoạt hè ý nghĩa, bổ ích cho TE. Chỉ đạo các cấp bộ Đoàn phối hợp chặt chẽ với trường học, chính quyền địa phương thực hiện tốt việc tiếp nhận, quản lý, tổ chức sinh hoạt hè tại địa bàn dân cư. Chú trọng hoạt động trang bị kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, phòng tránh các TNTT cho TE. Năm 2022, tổ chức Đoàn cơ sở đã có nhiều hoạt động hiệu quả góp phần phòng, chống TNTT cho TE như: xây dựng khu vui chơi an toàn; tuyên truyền kiến thức, kỹ năng phòng chống TNTT, nhận biết, phòng tránh nguy hiểm cho TE; mở lớp dạy bơi miễn phí dịp hè cho trẻ; tập huấn kỹ năng sơ, cấp cứu trường hợp bị TNTT cho người dân; định hướng những hoạt động vui chơi an toàn… Bên cạnh đó, Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh mở các lớp học năng khiếu như: võ thuật, bơi, vẽ, múa, tiếng Anh... trong dịp hè phù hợp với mong muốn, nhu cầu của TE và phụ huynh.

Hiện nay, toàn tỉnh có 81 điểm vui chơi cho TE, 53,67% xã, phường, thị trấn có điểm vui chơi cho TE. Con số này là rất thấp so với nhu cầu thực tế. Đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, thiếu sân chơi an toàn cho trẻ dẫn đến việc TE tự chơi, tự tìm sân chơi trong những ngày hè, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn và sa đà vào những trò chơi vô bổ, thiếu lành mạnh.

Để đảm bảo an toàn, bảo vệ TE trước mọi nguy hiểm trong cuộc sống, tránh xa TNTT, trách nhiệm lớn nhất thuộc về mỗi gia đình. Phụ huynh, những người chăm sóc trẻ cần phải quan tâm, chăm sóc, giám sát, thường xuyên nhắc nhở con em mình về những mối nguy hiểm luôn tiềm ẩn, từ đó phòng tránh TNTT xảy ra. Cùng với đó là sự vào cuộc của các cấp, ngành, đoàn thể, địa phương, nâng cao trách nhiệm trong việc bảo vệ những "mầm xanh” tương lai của đất nước, để mỗi TE được phát triển trong môi trường lành mạnh, an toàn nhất. 

 

Duy trì, nhân rộng lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em

Bùi Văn Lập

Phó Chủ tịch UBND xã Lỗ Sơn (Tân Lạc)

Lỗ Sơn là xã vùng sâu của huyện Tân Lạc, trên địa bàn có dòng suối Cái dài hơn 6km chảy qua, hội tụ nhiều nhánh suối của vùng Mường Bi nên suối sâu và rộng. Đây là điều kiện tự nhiên thuận lợi của địa phương nhưng cũng tiềm ẩn nguy hiểm xảy ra tai nạn đuối nước ở TE. Nhận thức được mối nguy hiểm đó, việc trang bị kiến thức phòng, chống đuối nước, dạy bơi cho TE là hết sức cần thiết.

Nhiều năm gần đây, UBND xã phối hợp tổ chức lớp dạy bơi, phòng chống đuối nước cho TE trên địa bàn. Từ đó không chỉ giúp các em rèn luyện thể chất, nâng cao sức khỏe, hạn chế tối đa việc xảy ra các vụ đuối nước thương tâm mà còn phát hiện, đào tạo được những tài năng bơi lội trẻ triển vọng cho xã.

  

Gia đình - vai trò tiên quyết trong bảo vệ con em

Bùi Trung Lượng

Xóm Rú Mới, xã Hợp Phong (Cao Phong)

Mỗi gia đình, cụ thể là các bậc phụ huynh, những người chăm sóc trẻ có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an toàn của TE. Thực tế có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến TNTT ở TE, cách phòng ngừa hiệu quả nhất là sự quản lý, giám sát của phụ huynh, hạn chế tối đa khả năng để trẻ có thể tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ một cách dễ dàng. Song song với đó bắt buộc phải dạy cho trẻ nhận biết về các yếu tố nguy cơ cũng như biện pháp phòng tránh TNTT, cách xử lý khi gặp nguy hiểm thông qua những hoạt động trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày. Hãy rà soát lại ngôi nhà của mình để loại bỏ những nguy cơ gây mất an toàn cho trẻ. Trang bị cho con kiến thức, kỹ năng cơ bản để con tự bảo vệ bản thân như tham gia khóa học bơi, tìm hiểu về Luật Giao thông đường bộ, thường xuyên cảnh báo về các mối nguy hiểm xung quanh trong cuộc sống…

  

Mong muốn có nhiều sân chơi an toàn cho trẻ em vùng khó khăn

Bùi Thị Phương

Trường PT Dân tộc bán trú TH&THCS xã Lạc Sỹ (Yên Thủy)

Xã Lạc Sỹ - nơi em sinh ra và lớn lên thuộc vùng đặc biệt khó khăn của huyện Yên Thủy. Hiện nay, xã có một số sân chơi cho trẻ nhưng chưa đủ đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của TE. Do thiếu sân chơi tập trung nên những ngày nghỉ hè, ngoài thời gian học tập, phụ giúp gia đình công việc nhà, đa phần các bạn tụ tập vui chơi ở những khu vực nguy hiểm như: gần đường giao thông, đường làng, ngõ xóm, sân chơi tự phát hay gần ao, nguồn nước…, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn nhưng nhiều bạn chưa ý thức được điều này.

Trước thực trạng này, em rất mong muốn xã có thêm nhiều khu vui chơi, tạo điều kiện cho chúng em thoải mái vui chơi, hoạt động trong môi trường an toàn, tránh xa các nguy cơ xảy ra TNTT trong dịp nghỉ hè. Bên cạnh đó, hàng năm, Đoàn Thanh niên xã tổ chức sinh hoạt hè cho thanh thiếu nhi. Tham gia các hoạt động sinh hoạt hè, chúng em được khuyến khích chơi nhiều trò chơi dân gian bổ ích cho sức khỏe, phát triển trí tuệ, tăng cường tình đoàn kết, cùng với đó là trang bị kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân…

 

Linh Nhật

Các tin khác


Người dân đổ về các bãi biễn giải nhiệt dịp lễ 30/4

Kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày cùng với thời tiết nắng nóng tạo cơ hội cho nhiều người chọn các bãi biển để vui chơi, giải nhiệt.

Đổi thay nơi ghi dấu chiến công bắn rơi máy bay Mỹ

Chiến công bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng bộ binh trên trận địa phòng không đồi Mèng, đồi Nâu của những chiến sỹ dân quân xóm Lục, xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn) còn mãi lưu danh. Thế hệ hôm nay và mai sau khắc ghi niềm tự hào, nguyện tiếp bước cha anh đóng góp, xây dựng quê hương Yên Nghiệp ngày càng giàu đẹp.

Để vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển bền vững

Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) bình quân giảm từ 2,5 - 3%/năm; 14/33 xã đặc biệt khó khăn cán đích nông thôn mới; cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống được đầu tư; nhiều giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, phát huy gắn với phát triển du lịch... đó là những kết quả đáng ghi nhận sau nhiều năm triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS&MN) trên địa bàn tỉnh.

Tiếp nối truyền thống "Ba đảm đang”

Dù ở giai đoạn lịch sử nào, phụ nữ các dân tộc tỉnh Hoà Bình cũng luôn có đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tiếp nối ngọn lửa "Đội quân tóc dài”, truyền thống "Ba đảm đang”, trong giai đoạn mới, các cấp Hội LHPN trong tỉnh chú trọng xây dựng hình ảnh người phụ nữ Hòa Bình thời đại mới, nghĩa tình, năng động, sáng tạo, có trách nhiệm với gia đình và Tổ quốc, trở thành nguồn nhân lực quan trọng trong phát triển KT-XH của tỉnh.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám thiện nguyện cho gần 150 người dân xã Tự Do

Ngày 27/4, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình gồm 24 cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế do TS. BS Nguyễn Hoàng Diệu, Giám đốc Bệnh viện làm trưởng đoàn tổ chức chương trình khám bệnh thiện nguyện "Vì sức khoẻ cộng đồng” cho người dân xã Tự Do, huyện Lạc Sơn. Chương trình có sự phối hợp của Trung tâm Y tế huyện Lạc Sơn, Trạm Y tế xã và các cán bộ địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục