Mạng xã hội đang từng ngày, từng giờ tác động đến cuộc sống của mỗi chúng ta. Như "con dao hai lưỡi”, nó có thể làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn nhưng cũng dễ dàng hủy hoại con người nếu sử dụng không đúng cách.
Hẳn chúng ta chưa quên vụ việc 2 nữ khách Tây tố cáo người phụ nữ bán hàng rong "hét giá” 2 quả dứa. Chưa cần biết đúng sai, nhiều "cư dân mạng” đã a dua, lên án, miệt thị người phụ nữ bán hàng rong và bảo vệ 2 du khách. Tuy nhiên, khi công an vào cuộc, sự việc được làm rõ thì chính hành vi của 2 vị khách mới đáng lên án.
Hay vào trung tuần tháng 11/2024, các cổ động viên bóng đá Indonesia đã "tấn công” trang chủ của một câu lạc bộ bóng đá ở Hà Lan vì nghi ngờ đội bóng này viện cớ cầu thủ bị chấn thương để không cho họ tập trung cùng đội tuyển bóng đá xứ Vạn đảo chuẩn bị cho một trận đấu trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2026 - khu vực châu Á. Ở trận đấu này, ngay trên sân nhà, đội tuyển Indonesia chịu thua Nhật Bản với tỉ số 0 - 4, nỗi bức xúc càng tăng và những lời nhiếc móc càng nặng nề.
"Lên mạng” để tấn công cá nhân, tổ chức là hành động không chỉ xuất hiện trong lĩnh vực thể thao, ở trong một quốc gia, mà còn ở nhiều lĩnh vực khác, "xuyên biên giới”, từ chính trị, kinh tế đến ngoại giao, quân sự, văn hóa - nghệ thuật, giải trí... Người hâm mộ khi thấy nghệ sĩ, "sao” giải trí mà mình thần tượng bị so "tài” với một tên tuổi khác, liền mở ra một "võ đài” tranh luận. Có người chỉ vì đọc được bài viết mà mình không cùng quan điểm, sẵn sàng "bút chiến” trên mạng xã hội...
Có những vụ việc, cách thể hiện, ứng xử khiến bộ phận những người văn minh, ôn hòa thấy choáng váng, rồi thôi. Nhưng cũng có nhiều việc gây ra hệ lụy lớn hơn nhiều. Vòng xoáy cảm xúc qua mạng xã hội với những đám đông đủ thành phần, nghề nghiệp, trình độ được đẩy lên nhanh chóng, biến nhiều người tham gia thành con rối chịu sự dẫn dắt có chủ ý vào những cuộc tranh luận vô bổ không có hồi kết.
Thế nào là văn minh trên mạng xã hội? Đó là câu hỏi mà vẫn còn nhiều người loay hoay, chưa tìm được câu trả lời xác đáng. Họ cho rằng đó là điều gì quá xa vời, quá lớn lao, khó thực hiện được. Tuy nhiên, văn minh trên mạng xã hội có rất nhiều biểu hiện. Từ những việc đơn giản như cách bạn thả một like vào bài viết đúng thời điểm, cách bạn đăng một bức ảnh, một suy nghĩ, một tâm tư, cách bạn bình luận để bày tỏ thái độ của mình vào bài viết của người khác một cách tử tế, tôn trọng… đến những hành động có ý nghĩa như đứng ra kêu gọi từ thiện để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, hay lớn hơn là khâu nối các tài khoản mạng xã hội, thành lập ra một nhóm thiện nguyện, lên tiếng một cách mạnh mẽ để bảo vệ người yếu thế, bảo vệ lẽ phải...
Không thể phủ nhận mạng xã hội mở rộng không gian giao tiếp cho con người, cung cấp thông tin nhanh nhạy, song cũng để lại nhiều hệ lụy, đáng nói nhất là sự bao vây của đủ loại tin giả. Thông minh, trách nhiệm và tử tế là cách để mỗi người ứng xử chuẩn mực trên mạng xã hội, cũng là cách để góp phần xây dựng hình ảnh con người Việt Nam văn minh trong thời đại mới.
Minh Vũ
Ngày 1/1/2025, đoàn công tác Bộ CHQS tỉnh do Đại tá Trịnh Đức Thiêm, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh làm trưởng đoàn đã thăm, chúc Tết cổ truyền đồng bào dân tộc Mông 2 xã Hang Kia và Pà Cò, huyện Mai Châu.