Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 7/5, các ĐBQH đã thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).
Đại biểu Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình phát biểu thảo luận tại tổ.
Hỗ trợ các điều kiện làm việc tốt nhất cho các cán bộ, công chức
Góp ý vào dự thảo Luật Cán bộ, công chức, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc cho biết: Tại khoản 3, Điều 10 có quy định "Cán bộ, công chức được quyền được bố trí, thuê nhà ở công vụ theo quy định của pháp luật và của cấp có thẩm quyền”. Đây là chính sách nhân văn được dư luận quan tâm. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, đề nghị xem xét, đánh giá kỹ lưỡng các đối tượng ưu tiên, điều kiện được bố trí thuê, mua các nhà công vụ.
"Thực tế việc bố trí nhà ở công vụ và tạo điều kiện cho thuê còn rất khó khăn. Do vậy, việc sắp xếp bố trí, đối tượng ưu tiên và các điều kiện khác nếu đưa vào dự thảo Luật sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong quá trình triển khai” - đại biểu Đặng Bích Ngọc bày tỏ.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc cũng nêu rõ: "Tới đây, chúng ta sẽ thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính, sáp nhập tỉnh thì đội ngũ cán bộ, công chức khi về các địa phương mới sẽ rất khó khăn trong việc bố trí về nhà ở. Mặc dù trong dự thảo Luật đã quy định rất rõ cán bộ, công chức được quyền có nhà ở công vụ và được quyền thuê, tuy nhiên các điều kiện để thực hiện nội dung này còn khó khăn, trong khi cơ sở vật chất của nhiều địa phương vẫn không bảo đảm”. Đại biểu mong muốn, trong dự án Luật sẽ có những quy định tạo thuận lợi, linh hoạt trong quá trình triển khai thực hiện để giúp các địa phương chuẩn bị điều kiện, nguồn lực thực hiện việc hỗ trợ các điều kiện làm việc tốt nhất cho các cán bộ, công chức. Dự án Luật nên có cơ chế, chính sách hỗ trợ theo hình thức các đối tượng được thuê, mua ưu tiên từ trên xuống thuộc diện Ban Thường vụ quản lý, lãnh đạo các sở, ngành, cán bộ công chức được hưởng chế độ chính sách. Như vậy sẽ bảo đảm tính công bằng và tạo điều kiện cho các địa phương tổ chức thực hiện thuận lợi.
Tại khoản 7, Điều 10 của dự thảo quy định: "Được xem xét loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm nếu có sai sót, thiệt hại khi thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo theo quy định của Đảng và pháp luật". Theo đại biểu Đặng Bích Ngọc, đây là quy định rất mới được nhiều cử tri quan tâm, đánh giá cao, phù hợp đáp ứng được thực tiễn hiện nay và phù hợp với Nghị quyết số 193 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và dự án Luật khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Theo đại biểu, đây là nội dung thể hiện tư duy đổi mới, góp phần tạo môi trường an toàn và tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ đột phá, dám nghĩ dám làm, chủ động đề xuất cải tiến trong quy trình, quy mô giải pháp. Khi tổ chức hội nghị lấy ý kiến đã được cán bộ, công chức, người dân rất phấn khởi. Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn về định lượng tiêu chí "đổi mới, sáng tạo”. Bởi việc hướng dẫn cụ thể thế nào là đề xuất đổi mới, tiêu chuẩn nào để xác định "thiệt hại trong phạm vi chấp nhận được” dẫn đến dễ tranh cãi hoặc lợi dụng, khó có thể thực hiện đồng nhất trong thực tế. Đại biểu đề nghị dự án Luật cần xem xét quy định rõ ràng cụ thể để việc thực hiện thuận lợi và dễ dàng trong quá trình tổ chức sau này.
Về Điều 24 tuyển dụng công chức của dự án Luật, đại biểu cho rằng, việc tuyển dụng bằng hình thức tiếp nhận là quy định mới. Quy định này sẽ tạo cơ chế linh hoạt trong tuyển dụng, cho phép tuyển người có tài năng, kinh nghiệm thực tiễn ngay mà không phải trải qua kỳ thi công chức truyền thống. Việc tiếp nhận cũng sẽ giúp rút ngắn thời gian, thủ tục tuyển dụng trong những trường hợp thực sự cần thiết, nhất là ở vị trí cấp bách hoặc chuyên môn cao. Mặt khác cũng khuyến khích việc dịch chuyển trong hệ thống chính trị, khuyến khích hệ thống chính trị thu hút nhân lực chất lượng cao.
Tuy nhiên, đề nghị cần phải cụ thể hóa tiêu chí "tài năng”, "có kinh nghiệm”; cân nhắc bỏ hoặc làm rõ cụm "các trường hợp khác trong hệ thống chính trị” để tránh tạo kẽ hở cho lợi ích nhóm trong quá trình tuyển dụng. Ngoài ra, xem xét bổ sung quy định người tiếp nhận phải trải qua phỏng vấn chuyên môn hoặc đánh giá độc lập bởi hội đồng thẩm định trước khi ra quyết định tuyển dụng. Cân nhắc để có những quy định phù hợp, khuyến khích việc thu hút, trọng dụng người tài trong giai đoạn phát triển kinh tế hiện nay.
Bám sát nguyên tắc phân định thẩm quyền giữa các cấp chính quyền địa phương
Góp ý vào dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), đại biểu Đặng Bích Ngọc cho biết, tại khoản 15, Điều 16 quy định: "Căn cứ tình hình thực tiễn và quy định của pháp luật, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền các nhiệm vụ, quyền hạn của mình cho Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nhằm nâng cao năng lực, tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của chính quyền cấp xã, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, quản lý và phát triển các đô thị, đặc khu”.
Theo đại biểu, quy định này còn mang tính chất chung chung. Do vậy, Ban soạn thảo cần bám sát nguyên tắc trong phân định thẩm quyền giữa các cấp chính quyền địa phương. Đó là cấp tỉnh tập trung quản lý các vấn đề có tính toàn diện, liên vùng, điều phối, phân bổ nguồn lực, hướng dẫn cấp xã; cấp xã tập trung trực tiếp các hoạt động phục vụ người dân. Từ đó rà soát, xác định các nội dung liên quan đến việc phân cấp cho cấp xã sau ngày 1/7 sẽ tạo điều kiện cho việc phân cấp, phân quyền rõ ràng, thống nhất trong quá trình thực hiện.
Về cơ cấu tổ chức của UBND cấp xã tại Điều 39, đại biểu đề nghị có các tiêu chí thành lập các phòng, số lượng lãnh đạo phòng, các tiêu chí cần quy định rõ ràng tạo điều kiện cho việc thực hiện nhưng vẫn bảo đảm việc tinh gọn bộ máy.
Góp ý vào việc sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Điều 114, dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, đại biểu Đặng Bích Ngọc cho biết, trong Điều 114 quy định: "UBND do HĐND cùng cấp bầu là cơ quan chấp hành của HĐND, cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương và chịu trách nhiệm trước HĐND và cơ quan hành chính Nhà nước cấp trên”. Ngoài ra, tại Khoản 2 có đều khoản chuyển tiếp là trong giai đoạn hiện nay một số chức danh sẽ thực hiện phương pháp chỉ định.
Đại biểu cho rằng, sắp tới khi thực hiện xong việc chỉ định giai đoạn hoặc sau đại hội sang năm, ban soạn thảo xem xét, cân nhắc nên chăng đưa vào cụm từ "hoặc cơ quan có thẩm quyền chỉ định” để tạo điều kiện cho quá trình tổ chức thực hiện khi có nhiều nội dung cần thiết phải xử lý như giai đoạn hiện nay sẽ không phải sửa đổi Hiến pháp nữa sẽ phù hợp, đáp ứng, linh hoạt trong quá trình thực hiện.
Bùi Hiển
Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Hòa Bình