Nhiều lao động nữ xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn) được thu hút vào các xưởng may gia công trên địa bàn, góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững
Như nhiều chị em ở xóm Gò Cha, chị Bùi Thị Hiền từng làm công nhân may tại một số khu công nghiệp của tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang. Từ khi lập gia đình, chị phải nghỉ việc vì chăm con nhỏ. Giờ thì khác, một số doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc, giày da đi vào hoạt động ngay gần xã; một vài xưởng may gia công của tư nhân cũng được mở đã tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người trong độ tuổi lao động. Chị Hiền chia sẻ: Từ chỗ phụ thuộc về kinh tế, tôi được nhận vào làm may tại xưởng với công việc phù hợp, vừa đảm bảo tự chủ về thu nhập với mức lương bình quân 4 - 5 triệu đồng/tháng mà vẫn quán xuyến được việc nhà, chăm sóc con.
Cùng với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nông dân các xóm Yên Kim, Gò Cha, Mai Sơn, Lục… tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thực hiện hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp. Với tổng diện tích gieo trồng gần 920 ha, bên cạnh tăng sản lượng lúa, ngô, nhân dân các xóm thực hiện đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ngoài 125 ha mía tím, mía nguyên liệu, bà con mở rộng diện tích trồng các loại rau, củ, quả, trong đó, diện tích rau trên 110 ha, đậu trên 5 ha, lạc 12,5 ha, bí xanh gần 30 ha, bí đỏ trên 10 ha, dưa chuột 4,7 ha, gai xanh trên 4 ha, mắc ca gần 3 ha…
Thời gian qua, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân dồn điền, đổi thửa, cải tạo vườn tạp. Bà con phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm giúp ổn định thu nhập. Đến nay, xã có tổng đàn trâu, bò gần 1.250 con, đàn lợn trên 2.000 con, đàn gia cầm khoảng 30.000 con. Nhiều hộ đầu tư nuôi dê, ong lấy mật. Một số hộ khai thác lợi thế gần quốc lộ, tỉnh lộ để đầu tư ngành nghề dịch vụ, kinh doanh hàng hoá thương mại. Trên địa bàn còn thành lập được Hợp tác xã dệt thổ cẩm Lục Nghiệp Thành ở xóm Lục thu hút chị em tham gia làm nghề, góp phần tăng nguồn thu nhập, gìn giữ bản sắc văn hoá làng nghề thủ công truyền thống.
Đồng chí Bùi Công Thành, Bí thư Đảng uỷ xã Yên Nghiệp cho rằng: Công tác lao động, việc làm có ý nghĩa quan trọng, thúc đẩy giảm nghèo bền vững ở địa phương. Năm 2024, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể xã và các thôn xóm đã vận động hội viên, đoàn viên và nhân dân tham gia các phiên giao dịch việc làm do huyện phối hợp tổ chức. Đồng thời kịp thời cập nhật, thông báo đến người dân khi có các công ty, nhà máy tuyển dụng công nhân để lao động tham gia ứng tuyển tại các công ty, nhà máy trên địa bàn huyện và các tỉnh lân cận. Phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nghề cho người dân theo kế hoạch đề ra.
Hiện toàn xã còn 73 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5,3%; 78 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 5,66%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, trong đó nông, lâm nghiệp, chăn nuôi 40%, tiểu thủ công nghiệp 25%, thương mại - dịch vụ 35%. Xã đạt bình quân thu nhập đầu người 59 triệu đồng/năm. Để nâng cao chất lượng công tác giảm nghèo, tạo việc làm cho người lao động, xã tập trung thực hiện tốt các chương trình, dự án, chính sách nhà nước ban hành để hỗ trợ sản xuất, ổn định đời sống, đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân, đặc biệt là đối với hộ nghèo, hộ gia đình chính sách. Cùng với đó, huy động các nguồn lực phát triển sản xuất, gắn với lợi thế về phát triển nguồn nguyên liệu nông sản, các mặt hàng truyền thống. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật thương mại theo hướng văn minh, hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh và phục vụ khách hàng...
B.M