Mùa hè thời tiết nóng bức, kéo theo nhu cầu tắm mát giải nhiệt tăng cao, nhất là ở trẻ em. Đây cũng là thời điểm nỗi lo thường trực về tai nạn đuối nước - hiểm họa âm thầm cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ em trong cả nước mỗi năm. Bởi vậy các gia đình, phụ huynh, những người chăm sóc trẻ cần chủ động phòng tránh đuối nước cho trẻ em, đảm bảo để trẻ em được phát triển toàn diện trong môi trường an toàn, lành mạnh.



Phường Thịnh Lang (TP Hoà Bình) tổ chức chuyên đề tuyên truyền phòng, chống tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước cho học sinh Trường TH&THCS Thịnh Lang, năm học 2024 - 2025.

Theo thống kê, trung bình mỗi năm cả nước có gần 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Tại tỉnh Hoà Bình, năm 2023 có 23 trẻ, năm 2024 ghi nhận 28 trẻ tử vong do đuối nước. Nhiều vụ đuối nước thương tâm để lại nỗi đau khôn nguôi cho gia đình và cộng đồng. Ngày 28/7/2024, tại xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn), 3 cháu nhỏ cùng xóm rủ nhau đi tắm ở khu vực đập xóm Bưng đã bị đuối nước. Trước đó, ngày 13/6/2024 có 3 trẻ tử vong vìđuối nước tại xã Miền Đồi và Chí Đạo (Lạc Sơn). Một vụ việc khác xảy ra ngày 24/3/2024 tại xã Đoàn Kết (Yên Thuỷ), 2 cháu trong độ tuổi mẫu giáo tử vong khi chơi đùa gần ao phía sau nhà. Những vụ đuối nước liên tiếp xảy ra thêm cảnh báo về mối nguy hiểm hiện hữu ngay trong môi trường sống tưởng chừng quen thuộc và an toàn.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em. Do sự hiếu động, tò mò của trẻ nhỏ; sự lơ là, chủ quan của người lớn; điều kiện môi trường sống tiềm ẩn không ít nguy cơ như sông, suối, ao, hồ không có rào chắn, cảnh báo đầy đủ. Vào dịp nghỉ hè, trẻ có nhiều thời gian vui chơi tự do, thiếu sự giám sát, quản lý sát sao của người lớn, tai nạn đuối nước càng dễ xảy ra. Bên cạnh đó, kiến thức, kỹ năng an toàn trong môi trường nước ở trẻ rất hạn chế. Nhiều em không biết bơi, không có phao bơi vẫn rủ nhau ra tắm sông, tắm suối mà không lường hết được mối nguy hiểm. Trong khi đó, điều kiện dạy, học bơi ở một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị…

Những năm qua, tỉnh Hoà Bình quan tâm thực hiện công tác phòng, chống đuối nước bằng nhiều hoạt động thiết thực. Bể bơi tỉnh đã được cải tạo, hiện mở cửa phục vụ nhu cầu bơi lội của nhân dân, đồng thời tổ chức các lớp dạy bơi cho mọi lứa tuổi trong dịp hè. Lớp dành cho lứa tuổi từ 8 - 15 tuổi, học phí 1 triệu đồng/người/khoá học 20 buổi; lớp cho người từ 16 tuổi trở lên học phí 1,2 triệu đồng/người/khoá học 20 buổi, thời gian học linh hoạt. Anh Nguyễn Hồng Giang, Trường Năng khiếu, huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao tỉnh chia sẻ: "Tại các lớp dạy bơi, ngoài việc hướng dẫn kỹ thuật bơi cơ bản, chúng tôi đặc biệt chú trọng trang bị cho học viên những kỹ năng sinh tồn trong môi trường nước như: cách thoát hiểm khi bị cuốn nước, khi bị chuột rút, xử lý khi gặp dòng chảy xoáy hay ứng phó tình huống có người bị đuối nước… Nắm bắt tâm lý của trẻ, ban đầu giáo viên động viên, tạo không khí học mà chơi để các em làm quen, tự tin khi xuống nước. Sau đó mới hướng dẫn từng bước từ kỹ thuật thở, sử dụng tay, giữ thăng bằng đến các động tác bơi hoàn chỉnh”.

Song song với đó, các hoạt động tuyên truyền, phát động phong trào Toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước được đẩy mạnh. Đồng chí Đào Tiến Cường, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết: "Năm 2025, tỉnh tổ chức Lễ phát động Toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước với mục tiêu tuyên truyền sâu rộng về lợi ích của việc học bơi, cải thiện kỹ năng an toàn trong môi trường nước và phòng tránh tai nạn đuối nước. Ban tổ chức đã huy động trên 500 học sinh, đoàn viên, thanh niên, vận động viên, nhân dân tham gia, qua đó góp phần phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương, gia đình, nhà trường và toàn xã hội trong việc phát triển phong trào dạy, học bơi. Mong rằng mỗi học sinh, mỗi người dân không chỉ tích cực rèn luyện môn bơi, trau dồi kỹ năng phòng, chống đuối nước, mà còn trở thành những tuyên truyền viên tích cực, lan toả kiến thức, ý thức phòng tránh đuối nước trong cộng đồng”.

Mùa hè là khoảng thời gian trẻ em được vui chơi, giải trí, phát triển về thể chất và tinh thần. Để niềm vui ấy không bị gián đoạn bởi những tai nạn thương tâm, mỗi gia đình, cộng đồng cần hành động ngay hôm nay bằng những việc làm thiết thực, đó là dạy bơi, giám sát trẻ, loại bỏ nguy cơ mất an toàn từ chính môi trường sống xung quanh. Mỗi vụ tai nạn đuối nước là một lời cảnh tỉnh sâu sắc về trách nhiệm, tình yêu thương dành cho trẻ. Hãy cùng hành động, chung tay bảo vệ an toàn cho trẻ em - thế hệ tương lai của đất nước.


Linh Nhật

Các tin khác


Xã Sơn Thủy xóa nhà tạm, xây niềm tin

Xóa nhà tạm, nhà dột nát là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm giúp người có khó khăn về nhà ở ổn định cuộc sống. Đây không chỉ là chiến dịch "phá cũ làm mới" mà còn là hành trình xây dựng niềm tin, vun đắp động lực và thắp sáng tương lai cho những người yếu thế. Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân, nhiều căn nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn xã Sơn Thủy, huyện Mai Châu đã được thay thế bằng những mái nhà kiên cố, vững chắc, giúp hộ nghèo dần ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên.

Tôn vinh 50 người hiến máu tình nguyện tiêu biểu 

Ngày 23/5, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện (HMTN) tỉnh tổ chức Hội nghị tôn vinh người HMTN tiêu biểu năm 2025. Đến dự có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Dự án VIE085: Giải ngân 800 triệu đồng cho các câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau

Trong 5 ngày (19 - 23/5), Hội Người cao tuổi (NCT) tỉnh phối hợp với Tổ chức HelpAge International tại Việt Nam (HAI) và dự án "Hỗ trợ NCT thiệt thòi thông qua nhân rộng mô hình Câu lạc bộ (CLB) Liên thế hệ tự giúp nhau (LTHTGN) tại Việt Nam” (VIE085) thực hiện giải ngân theo kế hoạch năm 2025.

Sạt lở đất - không thể chủ quan

Mặc dù mới bắt đầu vào mùa mưa bão năm 2025, nhưng với diễn biến phức tạp của thời tiết, tại nhiều địa phương trên cả nước, thiên tai đã để lại những hậu quả nặng nề. Mới đây nhất là hiện tượng sạt lở đất, lũ ống, lũ quét gây chết người và thiệt hại nhiều tài sản của người dân tại một số tỉnh miền núi phía Bắc. Tỉnh Hòa Bình với địa hình đồi núi phức tạp cũng là địa phương có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét trong mùa mưa bão.

Đoàn Thanh niên xã Cao Sơn: Huy động nguồn lực xã hội hóa cho phong trào tình nguyện

Những năm qua, Đoàn Thanh niên xã Cao Sơn, huyện Lương Sơn thực hiện tốt việc huy động các nguồn lực từ xã hội để triển khai các phong trào, hoạt động thiết thực, được tổ chức Đoàn cấp trên và cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá cao.

Hội Người cao tuổi thành phố Hòa Bình: Tuổi cao, chí càng cao

Với tinh thần "Tuổi cao, chí càng cao", các cấp Hội Người cao tuổi (NCT) TP Hòa Bình đã lan tỏa phong trào thi đua "Tuổi cao - gương sáng” trên các lĩnh vực đời sống xã hội, trọng tâm là công tác xây dựng Đảng, chính quyền, thi đua lao động sản xuất, đảm bảo an ninh trật tự. Nhiều NCT tiêu biểu là tấm gương sáng cho con cháu học tập, noi theo. Lực lượng NCT đã đóng góp công sức, trí tuệ, bản lĩnh và kinh nghiệm xây dựng văn minh đô thị, nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục