Theo số liệu thống kê, giai đoạn 5 năm, từ năm 2021 đến ngày 31/5/2025, công tác giúp đỡ các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) trên địa bàn tỉnh ước đạt 47,5 tỷ đồng. Có 14/59 xã ĐBKK được giúp đỡ đã về đích nông thôn mới và thoát khỏi diện ĐBKK. Việc triển khai giúp đỡ được thực hiện có tổ chức, quy mô bài bản, đa dạng trên nhiều lĩnh vực, tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, bám sát các nội dung được phân công đảm bảo hiệu quả hoạt động, phát huy vai trò của ngành trong công tác giúp đỡ xã, thôn.
Sở Y tế phối hợp với các đơn vị, nhà tài trợ hỗ trợ công trình Trạm Y tế cho xã Ngọc Sơn, huyện Lạc Sơn.
Giai đoạn từ năm 2021 đến tháng 6/2025, tỉnh Hòa Bình có 145/151 xã, phường, thị trấn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển, bao gồm: 59 xã khu vực III, 12 xã khu vực II, 74 xã khu vực I. Để kịp thời, thiết thực giúp đỡ các xã ĐBKK, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2453/QĐ-UBND về việc "phân công, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị được giao giúp đỡ xã ĐBKK trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2021-2025”. Trong đó giao cho 50 cơ quan, đơn vị thực hiện giúp đỡ các xã.
Các xã, thôn, bản ĐBKK hầu hết ở xa trung tâm, cơ sở hạ tầng còn thiếu, trình độ dân trí hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo cao, điều kiện sản xuất nhiều khó khăn, thiếu vốn, thiếu kiến thức và kinh nghiệm. Thông qua việc giúp đỡ xã, các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh có điều kiện hiểu, quan tâm sâu sát cơ sở hơn, tùy theo chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị để xác định nội dung, phương pháp giúp đỡ phù hợp với điều kiện của từng xã, thôn, bản.
Việc giúp đỡ các xã ĐBKK được tập trung vào nắm bắt tình hình, thực trạng về KT - XH, những vấn đề quan trọng của địa bàn. Cụ thể, các cơ quan, đơn vị đã tổ chức các buổi làm việc với cấp ủy, chính quyền và Nhân dân; tham gia hội nghị do Đảng ủy, HĐND, UBND xã tổ chức; khảo sát, nắm bắt tình hình địa bàn, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cấp ủy, chính quyền, Nhân dân trên địa bàn xã được phân công giúp đỡ. Một số cơ quan, đơn vị phân công phòng, ban chuyên môn, cử cán bộ, chuyên viên phụ trách theo dõi trực tiếp địa bàn, làm đầu mối liên lạc trao đổi thông tin. Dựa trên kết quả khảo sát, trao đổi thông tin, hàng năm, các cơ quan, đơn vị đã hỗ trợ hướng dẫn UBND các xã xây dựng và điều chỉnh kế hoạch phát triển KT - XH phù hợp với quy hoạch và tình hình thực tế của địa phương.
Đặc biệt, các cơ quan, đơn vị đã quan tâm hỗ trợ phát triển sản xuất, đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững ở địa phương. Tập trung tổ chức các hoạt động hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật, chăn nuôi, trồng trọt, dạy nghề như các mô hình: Chuỗi sản xuất và tiêu thụ rau ôn đới trái vụ của Thanh tra tỉnh và Trung tâm Khuyến nông tỉnh; chăn nuôi lợn bản địa của Kho bạc Nhà nước khu vực IX; "Hỗ trợ phát triển rừng nâng cao thu nhập cho hộ nghèo” của Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy; chăn nuôi trâu sinh sản của Hội Nông dân tỉnh; chuỗi sản xuất liên kết trong Hợp tác xã nông nghiệp của Liên minh Hợp tác xã tỉnh; nhóm nuôi gà an toàn, nhóm trồng rau, lớp dạy nghề mây giang đan của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh…
Ngoài ra, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, các đơn vị bám sát nội dung chương trình, đề án, dự án đầu tư trên địa bàn, phối hợp với UBND các huyện rà soát, kiểm tra, thúc đẩy việc đẩy nhanh tiến độ các chương trình, dự án liên quan đến đầu tư hạ tầng nhằm hoàn thành các chỉ tiêu về KT - XH, phục vụ dân sinh cho người dân. Tích cực kêu gọi các tổ chức đoàn thể, phối hợp cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hỗ trợ cơ sở vật chất xây dựng hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ trang thiết bị cho cơ sở y tế, trường học… Tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, động viên gia đình chính sách, người có công, người có uy tín, học sinh nghèo vượt khó, trẻ em khuyết tật, gia đình và các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn vào các dịp lễ, tết.
Hầu hết cơ quan, đơn vị giúp đỡ xã, thôn ĐBKK đều có hoạt động cụ thể với tiền và vật chất quy đổi thành tiền vài trăm triệu đồng/xã trở lên. Điển hình một số đơn vị huy động lồng ghép và xã hội hóa các nguồn lực, hỗ trợ trên dưới 10 tỷ đồng như: Công an tỉnh (10,8 tỷ đồng), Sở Y tế (9,2 tỷ đồng); từ 1-5 tỷ đồng có: Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam chi nhánh tỉnh Hòa Bình (BIDV), Thanh tra tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Sở Dân tộc và Tôn giáo, Sở Giáo dục và Đào tạo, Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Môi trường. Việc các cơ quan, đơn vị giúp đỡ xã ĐBKK đã giúp KT - XH của địa phương ngày một phát triển. Đặc biệt là phát huy giá trị tinh thần đồng bào và tình đoàn kết giữa các cơ quan, đơn vị được phân công giúp xã, thôn với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị, tổ chức tham gia hỗ trợ.
Dương Liễu
Tại xóm Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc) - nơi có 100% người Dao Tiền sinh sống với 76 hộ dân, nghề làm giấy dó đang hồi sinh mạnh mẽ. Dưới sự dẫn dắt của chị Lý Sao Mai, nghề cổ truyền này không chỉ góp phần bảo tồn văn hóa mà còn mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập và ổn định đầu ra cho cây dó bản địa - một loại cây quý thiên nhiên đã ban tặng nơi đây.
Trước đây, ở những xã vùng khó như Ngọc Sơn, Quyết Thắng hay Miền Đồi… của huyện Lạc Sơn, không phải ai cũng quen với khái niệm "phổ biến giáo dục pháp luật” (PBGDPL). Nhưng có một lực lượng vẫn ngày ngày bền bỉ đi từng ngõ, gõ từng nhà, nói cả tiếng Mường và tiếng Kinh để người dân trong vùng hiểu rằng: chặt phá rừng là sai, cưới hỏi không lành mạnh là tệ, và sống tốt là sống thuận theo pháp luật. Họ chính là những người có uy tín (NCUT) trong cộng đồng.
Ngày 27/6, nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2025), lãnh đạo UBND thành phố Hòa Bình, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã đến thăm hỏi, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Anh ở tổ 13, phường Thịnh Lang.
Xác định thực hiện tốt công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KN,TC) là một trong những giải pháp quan trọng nhằm giữ vững ổn định ngay từ cơ sở, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh Hòa Bình đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, đồng bộ công tác này. Nhờ đó, chất lượng, hiệu quả giải quyết KN,TC từng bước được nâng lên, góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH).
Những ngày hè nắng rực rỡ, hàng nghìn đoàn viên, thanh niên Hòa Bình khoác lên mình màu áo xanh tình nguyện, tích cực góp sức trẻ cho cộng đồng. Qua từng mùa hè, phong trào thanh niên tình nguyện (TNTN) không chỉ lan tỏa tinh thần cống hiến, sẻ chia, mà còn trở thành môi trường rèn luyện, trưởng thành của bao thế hệ thanh niên.
Ngày 26/6, Chủ tịch UBND xã Phước Thắng, Nguyễn Văn Công cho biết, trên địa bàn xã vừa xảy ra vụ đuối nước thương tâm khiến 3 thiếu nhi tử vong.