Đường huyện ĐH33 (thị trấn Đà Bắc - Tiền Phong) qua địa phận xã Vầy Nưa thường xuyên bị sạt lở, phải huy động phương tiện cơ giới để xử lý ách tắc.
Gian nan - nhiều người cảm nhận rõ điều này khi có việc phải qua lại, tham gia giao thông ở huyện vùng cao này. Tỉnh lộ 433 từ thành phố Hòa Bình đi Đà Bắc vẫn dang dở một số đoạn. Để tránh những chỗ đang thi công và cảnh nắng bụi, mưa lầy, không ít người chọn tuyến đường huyện từ xã Hòa Bình (thành phố Hòa Bình) đi xóm Phủ - xã Toàn Sơn ngược lên trung tâm huyện Đà Bắc. Tuy nhiên, quãng đường xa hơn, mất nhiều thời gian hơn và có cả những nguy cơ tai nạn do sạt lở rình rập. Qua quan sát của chúng tôi khi di chuyển qua tuyến đường khoảng 15 km này mới đây, có ít nhất 5 điểm sạt lở giao thông, trong đó 2 điểm sạt lở nghiêm trọng, 1 điểm sạt lở ở phần taluy âm với khoảng sạt sụt lớn ăn hẳn vào tâm đường, 1 điểm khác sạt lở taluy dương với khối lượng đất, đá chiếm khoảng 2/3 phần mặt đường khiến việc lưu thông khó khăn, chỉ có thể đi lại đối với xe máy và ô tô trọng tải nhỏ.
Một tuyến đường khác là đường huyện ĐH33 từ thị trấn Đà Bắc - Tiền Phong mặc dù nhờ các chương trình, dự án đầu tư đã cơ bản được nhựa hóa nhưng có những đoạn hiện xuống cấp, dốc cao, đường gấp khúc, ngoằn ngoèo. Vì thế khoảng cách chừng 40 km nhưng thời gian đi lại phải mất 2 giờ đồng hồ. Chưa kể những ẩn họa từ thiên tai, chủ yếu là sạt lở. ông Xa Văn Liển ở xóm Săng Trạch, xã Vầy Nưa cho biết, bất kể mùa nào cũng có thể bắt gặp sạt lở trên đường, thế nên việc khắc phục hậu quả sạt lở trên tuyến phải thực hiện gần như thường xuyên. Có những điểm sạt lở nhiều, khối lượng đất, đá, cây cối hai bên đường sạt trượt xuống khá lớn phải huy động máy móc cơ giới để xử lý, đảm bảo việc đi lại cho người và phương tiện tham gia giao thông trên tuyến. Đường vào UBND xã Vầy Nưa cũng có một số đoạn bị sạt phía taluy âm đã được cảnh báo mất an toàn để người đi lại trên tuyến đề phòng.
Nỗi khổ vì đường giao thông càng minh chứng rõ hơn khi mà giờ đây, sau tàn phá của cơn mưa bão số 10 năm 2017, tuyến đường xã SN02 có điểm đầu là tỉnh lộ 433 đi xóm Duốc của xã Suối Nánh vẫn bị chia cắt. Cụ thể, tại tuyến giao thông này có một đoạn dài bị lũ cuốn toàn bộ bề mặt đường. Hiện nay, xe đạp, xe gắn máy, xe ô tô hay bất cứ phương tiện nào cũng không thể đi qua. ông Xa Văn Bằng ở xóm Duốc kể: 9 tháng nay, người dân trong xóm không có đường để đi, xe máy muốn đưa được ra ngoài để về huyện phải huy động người khiêng, muốn đi lại qua tuyến đường chỉ còn cách đi bộ men theo sườn đồi.
Hậu quả của trận mưa lũ lịch sử năm 2017 đã khiến giao thông trên địa bàn huyện bị thiệt hại nặng nề, hàng trăm tỷ đồng đối với đường tỉnh 433 và khoảng 58 tỷ đồng riêng ở các tuyến đường huyện và đường xã, chủ yếu là sạt lở. Mặc dù thời gian sau đó, các đơn vị, doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn đã được huy động thông tuyến, khắc phục để người dân và các phương tiện đi lại nhưng nguy cơ sạt lở vẫn tiếp tục xảy ra.
Địa hình phức tạp, nhiều đồi, núi cũng là nguyên nhân chính gây ra thực trạng này. Theo đồng chí Xa Văn Thành, Phó phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện, trong điều kiện KT-XH của địa phương vẫn chồng chất khó khăn, tổng thu ngân sách toàn huyện năm 2017 chỉ trên, dưới 14 tỷ đồng, việc bố trí nguồn dự phòng đầu tư, sửa chữa cải thiện tình trạng giao thông rất hạn hẹp. Đời sống của nhân dân phụ thuộc vào sản xuất nông, lâm nghiệp lại càng khó huy động công sức, tiền của. Mong rằng với nguồn vốn của tỉnh phân bổ theo dự toán, một số công trình giao thông sẽ liên quan đến khắc phục hậu quả thiên tai đã và đang được triển khai, góp phần giải quyết những vấn đề trước mắt và lâu dài về đời sống dân sinh, phát triển KT-XH ở huyện vùng cao khó khăn này.
Bùi Minh