Hộ
chăn nuôi lợn xóm Trường Sơn, xã Ngọc Lương (Yên Thủy) chủ động rắc vôi bột,
phun thuốc khử trùng, tiêu độc để ngăn ngừa DTLCP
Trong khoảng chục ngày nay, trên trục đường dẫn vào khu dân cư xóm Mới, xã Ân Nghĩa (Lạc Sơn) xuất hiện một chốt chặn "barie phòng dịch" do người dân tự đứng ra. Barie khá sơ sài, chỉ chốt ngang bởi thân tre nhưng hiệu ứng lại không hề nhỏ. Các hộ tự đôn đốc, cắt cử người trực chốt 24/24h trong ngày, phun tiêu độc khử trùng cho tất cả các phương tiện ra, vào. Ý tưởng của các hộ trong xóm là bằng cách này có thể phòng, chống, ngăn cản sự lây lan DTLCP cho đàn lợn của xóm mình. Được biết, đây là khu dân cư có bà con chủ yếu từ các tỉnh Hà Nam lên đây an cư, lạc nghiệp, hầu hết số hộ chăn nuôi lợn để phát triển kinh tế.
Chỉ cách vùng dịch xã Hợp Thanh, Thanh Lương (Lương Sơn) vài ba km, có đường Hồ Chí Minh chạy qua, những hộ chăn nuôi ở xóm Vôi, xã Thanh Nông (Lạc Thủy) không khỏi đêm ngày canh cánh nỗi lo DTLCP xâm nhiễm vào địa bàn. Chưa bao giờ tinh thần chủ động phòng dịch lại cao như thời điểm này. Các hộ chăn nuôi không ai bảo ai tìm mua vôi bột, tìm đến cán bộ Thú y xã xin thuốc khử trùng, tiêu độc để tự rắc, tự phun cho chuồng trại, khu vực chăn nuôi của gia đình mình. Hộ chăn nuôi Bạch Bá Tằng cho biết: Không lo sao được khi DTLCP đã xuất hiện rất gần. Bệnh nếu xảy ra trên đàn lợn là vô phương cứu chữa, thiệt hại sẽ rất lớn. Vì vậy, hộ chăn nuôi chúng tôi phải nỗ lực nhất có thể để bảo vệ đàn vật nuôi - nguồn thu nhập chính của gia đình mình.
Trên những đoạn đường vào thôn, xóm, bản, các khu, trại chăn nuôi nơi chúng tôi đi qua địa bàn các xã Ngọc Lương, Yên Trị, Bảo Hiệu, Đoàn Kết, Yên Lạc, Phú Lai (Yên Thủy) được rắc kín vôi bột. Đồng chí Bùi Thị Kim Cúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thủy cho biết: Huyện đã trực tiếp xuống các xã kiểm tra, giám sát tại các hộ chăn nuôi về thực hiện các giải pháp, yêu cầu các hộ ký cam kết chủ động rắc vôi bột, phun khử trùng, tiêu độc định kỳ để phòng, chống DTLCP. Thực tế, các hộ chăn nuôi có ý thức cao và nắm bắt thông tin, tình hình DTLCP rất sát bởi lo ngại dịch ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế nông hộ. Riêng với các trang trại chăn nuôi tập trung,trước diễn biến DTLCP đều đã thực hiện cấm trại, đảm bảo quy trình phòng dịch nghiêm ngặt.
Bệnh DTLCP hiện không có vắc xin, tỷ lệ chết là 100% đối với lợn mắc bệnh. Con đường lây nhiễm bệnh DTLCP trên đàn lợn lại có rất nhiều như qua thịt lợn và các sản phẩm từ thịt, qua xe thu mua, xe chủ trại, xe chở vật dụng, các loại vật chủ trung gian như ruồi, muỗi, chim, chuột... và cả gió. Người chăn nuôi với ý thức cộng đồng trách nhiệm đã tích cực, chủ động thực hiện các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ đàn lợn của mình và các hộ chăn nuôi khác, góp phần vào thành quả chung trong ngăn ngừa DTLCP xâm nhiễm vào địa bàn. Đặc biệt, họ cũng có nhận thức cao trong thực hiện "5 không", thông tin kịp thời tình hình lợn ốm, lợn bệnh, không "bán chui, bán chạy" lợn bệnh, bởi hiện nay, Chính phủ đã cho phép hỗ trợ 80% giá thị trường đối với lợn con, lợn thịt và tăng gấp 1,5- 1,8 lần đối với lợn nái.
Theo đồng chí Nguyễn Thị Phương Thủy, Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y, sự chủ động phòng DTLCP của người dân được đẩy lên cao và duy trì suốt cao điểm chống dịch. Việc giữ chuồng trại sạch sẽ, sử dụng vôi bột và phun khử trùng, tiêu độc thường xuyên là giải pháp hữu hiệu hạn chế DTLCP và dịch bệnh khác. Bên cạnh đó, người chăn nuôi cần lưu ý hạn chế người ra, vào khu vực chăn nuôi, khi mua con giống phải có nguồn gốc rõ ràng, thực hiện nuôi cách ly ít nhất từ 7 - 15 ngày mới cho nhập đàn.
(HBĐT) - UBND huyện Lương Sơn vừa tổ chức hội nghị triển khai các biện pháp cấp bách khống chế dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tới 20 xã, thị trấn trên địa bàn.