Tổng điều tra dân số và nhà ở 2019 đang đi đúng tiến độ (Ảnh: HNV)
Năm 2019 là lần thứ 5 nước ta tiến hành tổng điều tra dân số và nhà ở. Đây là cuộc điều tra có quy mô lớn, được thực hiện theo quy trình 10 năm 1 lần trên phạm vi toàn quốc. Những thông tin về dân số và nhà ở thu thập được từ tổng điều tra có ý nghĩa rất quan trọng, vừa phục vụ việc đánh giá kết quả thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2011-2020, vừa là cơ sở để xây dựng chiến lược và các kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2020-2030.
Đây cũng là cuộc điều tra có quy mô lớn nhất từ trước đến nay nhằm đánh giá trung thực, khách quan tình hình biến động dân số và nhà của Việt Nam trong 10 năm qua.
Theo Vụ trưởng Vũ Thị Thu Thủy, hiện tại, tổng điều tra đang thực hiện theo đúng tiến độ, đến 25/4 sẽ kết thúc thu thập thông tin. Theo đúng lộ trình, thời gian công bố sơ bộ vào tháng 7/2019.
Công tác chuẩn bị Tổng điều tra dân số và nhà ở đã được triển khai sớm, trong đó tập trung cao độ trong năm 2018 liên quan đến các hoạt động tại Trung ương đã thực hiện thiết kế chung của Tổng điều tra trong đó ứng dụng công nghệ thông tin và kết nối với các vấn đề nghiệp vụ của Tổng điều tra; tại địa phương đã thực hiện các công việc: lập danh sách thôn, tổ dân phố, phân chia địa bàn điều tra, vẽ sơ đồ nền xã/phường, lập danh sách bản kê các hộ dân cư: Việc thu thập thông tin tại địa bàn là từ ngày 1-25/4/2019.
Theo kế hoạch của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, kết quả sơ bộ của Tổng điều tra sẽ được công bố vào tháng 7/2019, kết quả điều tra mẫu sẽ được công bố vào quý IV năm 2019 và kết quả chính thức được công bố vào quý II năm 2020.
Bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Dân số và Lao động, Tổng cục Thống kê (Ảnh: HNV)
Phạm vi và nội dung của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 có những điểm khác biệt so với cơ sở dữ liệu về dân cư do Bộ Công an thực hiện. Trong đó, xác định nhân khẩu thực tế thường trú là những người đang sinh sống (ăn và ở) tại địa phương từ 6 tháng trở lên, không phân biệt họ có đăng ký hộ khẩu tại nơi đang sinh sống hay không.
"Trong quá trình thực hiện thu thập thông tin tại địa bàn, chúng tôi đã cử cán bộ đi giám sát điều tra tại địa bàn tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để giám sát chất lượng thu thập thông tin, và uốn nắn nghiệp vụ của điều tra viên thống kê đặc biệt trong những ngày đầu thu thập thông tin tại địa bàn" - bà Thủy thông tin.
Chia sẻ về những điểm mới của Tổng điều tra 2019 so với Tổng điều tra 2009 trước đây, Vụ trưởng Vũ Thị Thu Thủy đặc biệt nhấn mạnh tới tiện ích của ứng dụng công nghệ thông tin trong các công đoạn của điều tra, ứng dụng thiết bị di động (điện thoại thông minh và máy tính bảng thu thập dữ liệu ngay tại địa bàn). "Đây là một điểm mới và nổi bật so với các kỳ Tổng điều tra dân số và nhà ở trước đây giúp nâng cao chất lượng thông tin và rút ngắn thời gian tổng hợp và công bố kết quả Tổng điều tra”.
"Tổng điều tra năm 2019 sử dụng máy tính bảng và điện thoại thông minh để thu thập thông tin tại địa bàn do vậy khi điều tra viên thống kê hoàn thành phỏng vấn tại hộ và đồng bộ dữ liệu lên máy chủ là đã có số liệu sẵn sàng để phục vụ công tác kiểm tra và tổng hợp số liệu. Đồng thời, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra các cấp có thể nắm bắt tiến độ trực tuyến trên Trang thông tin hệ thống điều hành của Tổng điều tra đồng thời với quá trình thu thập thông tin tại địa bàn để phục vụ công tác chỉ đạo thực hiện Tổng điều tra. Nếu thực hiện điều tra bằng phiếu giấy thì cần phải giám sát thực tế tại địa bàn mới biết nội dung và chất lượng phiếu điều tra do điều tra viên thống kê thực hiện, nhưng do thực hiện phiếu điện tử nên công tác giám sát được thực hiện trực tiếp tại địa bàn hoặc gián tiếp thông qua dữ liệu trên máy chủ của Tổng điều tra để nắm bắt tiến độ và chất lượng thực hiện công việc. Đây là bước tiến đột phá của Tổng điều tra năm 2019 mà chưa có một cuộc Tổng điều tra nào đã thực hiện được như vậy” – bà Thủy phân tích cụ thể.
Phải nói rằng, đột phá của Tổng điều tra 2019 do tận dụng những lợi thế của công nghệ thông tin. "Trước kia, nếu muốn nắm tiến độ công việc thì phải chờ báo cáo của địa phương hoặc gọi điện thoại để nắm tiến độ. Còn hiện nay, tất cả các thao tác, nội dung công việc đều thể hiện trên web một cách minh bạch và tất cả các cấp đều kiểm tra và biết được thông tin nếu được cấp quyền thao tác trên trang web này. Để nắm bắt tiến độ và chất lượng công việc của Tổng điều tra, Ban chỉ đạo các cấp thường xuyên cập nhật thông tin về tiến độ và chất lượng của Tổng điều tra thông qua Trang web phục vụ chỉ đạo công việc của Tổng điều tra trên địa bàn mình quản lý”. – Vụ trưởng Thủy cho biết thêm.
Trong quá trình điều tra, không tránh khỏi sai số. Đối với thống kê có hai loại sai số: chọn mẫu (mẫu) và phi mẫu. Đối với số liệu toàn bộ của Tổng điều tra, không có sai số mẫu vì đây là điều tra toàn bộ nên cần tập trung hạn chế sai số phi mẫu. Tổng điều tra năm 2019 huy động một lực lượng điều tra viên thống kê rất lớn (trên 122 nghìn người), – mỗi điều tra viên có kỹ năng và trình độ nghiệp vụ khác nhau, việc hiểu thông suốt qua tập huấn kỹ năng không đồng đều; với sự tham gia cung cấp thông tin của trên 26 triệu hộ dân trên cả nước, do vậy sẽ có những sai số xảy ra trong quá trình thu thập thông tin. Ban Chỉ đạo các cấp đã quán triệt thực hiện Tổng điều tra theo đúng quy trình và các quy định để giảm thiểu những sai số xảy ra trong quá trình thực hiện.
Có thể thấy, Tổng điều tra có ý nghĩa quan trọng trong hoạch định chính sách phát triển kinh tế, xã hội của quốc gia và mỗi địa phương, trong đó trước mắt phục vụ xây dựng Chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020-2030, phục vụ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững… Đặc biệt, phục vụ thực hiện Nghị quyết 21 của BCH Trung ương Đảng lần thứ 12 về phát triển dân số trong thời kỳ mới. Đó sẽ là căn cứ phục vụ và làm nền cho xây dựng chính sách liên quan tới người dân./.
(HBĐT) - Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, từ ngày 16 – 20/4, dự báo nguy cơ cháy rừng tại 2 huyện Mai Châu, Đà Bắc ở cấp báo động V, cấp cực kỳ nguy hiểm. Do thời tiết nắng nóng, khô, hạn kéo dài, có khả năng cháy lớn và lan tràn nhanh trên các loại rừng. Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm, Sở NN&PTNT, Ban chỉ đạo về Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh, huyện, xã, các chủ rừng tăng cường phòng, chống cháy rừng.