(HBĐT) -Tháng 10/2017, do ảnh hưởng của thiên tai, 11/20 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đà Bắc bị thiệt hại nặng nề, hàng nghìn hộ bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở phải di dời. Để đảm bảo ổn định dân cư, huyện Đà Bắc đã tập trung nguồn lực xây dựng 5 khu tái định cư tập trung và các khu tái định cư xen ghép. Hiện nay, các hộ dân đã ổn định chỗ ở. Tuy nhiên, đến thời điểm này, hầu hết các hộ dân ở đây chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) tại nơi ở mới.

 
Theo báo cáo của UBND huyện Đà Bắc, trên địa bàn huyện hiện có 5 khu tái định cư (TĐC) là: khu TĐC Lau Bai, xã Vầy Nưa với 33 hộ dân; khu TĐC xóm Túp, xã Tiền Phong 30 hộ dân; khu TĐC xóm Kế, xã Mường Chiềng 34 hộ dân; khu TĐC xóm Nhạp, xã Đồng Ruộng 25 hộ dân và khu TĐC Bưa Cốc, xã Suối Nánh 60 hộ dân. Ngoài ra còn các khu TĐC xen ghép ở các xã với diện tích khoảng 17 ha cho 478 hộ dân.


Nhiều hộ dân khu tái định cư Lau Bai, xã Vầy Nưa (Đà Bắc) đã chuyển về ở ổn định, nhưng vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Đồng chí Trần Thị Vân Dung, Phó trưởng Phòng TN&MT huyện Đà Bắc cho biết: Tính đến thời điểm hiện nay, cả 5 khu TĐC tập trung và 478 hộ ở các khu TĐC xen ghép đều chưa được trích đo chi tiết từng hộ và cấp GCNQSDĐ theo quy định. 

Không chỉ các khu TĐC mới hình thành, nhiều hộ dân đã sinh sống ổn định tại dự án TĐC trên địa bàn huyện Đà Bắc từ những năm 2012 đến nay vẫn trong tình trạng đất "không sổ đỏ". Theo số liệu thống kê của ngành TN&MT huyện, từ năm 2012 - 2015, huyện mới cấp GCNQSDĐ cho 20 hộ với diện tích 8.106 m2 tại khu TĐC xóm Kẻ, xóm Mít (xã Tu Lý). Cũng tại xã Tu Lý, khu TĐC xóm Cháu đã hoàn thành và đưa 60 hộ dân về ở từ năm 2016, nhưng đến nay, cả 60 hộ  này đều chưa được cấp GCNQSDĐ. Tính cả các khu TĐC cũ và mới năm 2017, hiện nay, toàn huyện còn 532 hộ TĐC chưa được cấp GCNQSDĐ. Anh Lường Văn Thanh, hộ dân khu TĐC Lau Bai, xã Vầy Nưa cho biết: Do mưa lũ sạt lở đất nên gia đình tôi phải chuyển đến khu TĐC. Để dựng nhà, gia đình đã phải bỏ hết vốn liếng và vay mượn khắp nơi. Vì vậy, tôi cũng mong Nhà nước sớm cấp GCNQSDĐ để có thể thế chấp vay vốn phát triển kinh tế. 

Một khó khăn nữa đối với các hộ TĐC huyện Đà Bắc là do địa hình đồi dốc, thiếu đất canh tác nên hầu hết các hộ chuyển đến khu TĐC không được bố trí đất sản xuất. Nhiều hộ dân ở nơi ở mới nhưng vẫn phải canh tác tại nơi ở cũ. Điều này cũng gây cản trở, khó khăn trong việc kiểm đếm quản lý đất đối với những khu vực đã di dời dân. 

Trao đổi về những khó khăn trong công tác cấp GCNQSDĐ tại các khu TĐC, đồng chí Trần Thị Vân Dung, Phó trưởng Phòng TN&MT huyện Đà Bắc cho biết: Việc cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho hộ di dân TĐC còn gặp nhiều hạn chế. Vì hiện nay, huyện Đà Bắc chưa được đo đạc bản đồ địa chính chính quy nên việc quản lý đất đai rất khó khăn. Khi muốn cấp GCNQSDĐ, bà con phải đề nghị Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện trích đo địa chính để làm cơ sở cho việc đăng ký đất đai. 

Việc cấp GCNQSDĐ đối với các hộ dân rất quan trọng. Đây là yếu tố để người dân yên tâm ổn định cuộc sống, đồng thời giúp chính quyền quản lý tốt tài nguyên đất. Theo Nghị định số 45/2014/NĐ-CP của Chính phủ, Nhà nước thực hiện miễn tiền sử dụng đất trong hạn mức giao đất ở khi sử dụng đất để thực hiện chính sách nhà ở, đất ở đối với người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số… Miễn tiền sử dụng đất đối với phần diện tích đất được giao trong hạn mức giao đất ở để bố trí TĐC hoặc giao cho các hộ gia đình, cá nhân trong các cụm, tuyến dân cư vùng ngập lũ. Vướng mắc hiện nay là việc đo đạc lập bản đồ địa chính toàn huyện. Vì vậy, UBND huyện Đà Bắc mong muốn tỉnh cấp kinh phí cho huyện tiến hành đo đạc lập bản đồ địa chính, xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu đất đai, tạo thuận lợi cho việc đăng ký và quản lý đất đai. 

                                                                       Phương Linh


Các tin khác


Thời tiết ngày 25/3: Đông Bắc Bộ mưa vài nơi, Nam Bộ nắng nóng

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 25/3, khu Tây Bắc Bắc Bộ, vùng núi phía Tây khu vực Bắc Bộ, Trung Trung bộ và khu vực Tây Nguyên có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất trong ngày có nơi trên 36 độ C. Khu vực Nam Bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến từ 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C. Độ ẩm tương đối thấp, phổ biến 45-50%.

Ghi nhận những ngày đầu thực hiện cấp đổi giấy phép lái xe ô tô trực tuyến toàn trình

Từ ngày 15/3/2024, tỉnh Hòa Bình chính thức triển khai cấp đổi giấy phép lái xe (GPLX) ô tô theo hình thức trực tuyến toàn trình (TTTT) qua Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG). Với sự phối hợp chặt chẽ của ngành GTVT và Bưu điện tỉnh, việc triển khai dịch vụ cấp đổi GPLX ô tô trực tuyến đã được thực hiện thông suốt, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Thời tiết ngày 21/3: Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vài nơi

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 21/3, Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác; đêm và sáng trời rét.

Thời tiết ngày 20/3: Gió mạnh, sóng lớn trên biển

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 20/3, Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9. Biển động mạnh. Sóng biển cao 2-4 m.

Từ tháng 4 - 9/2024, đề phòng các hình thái thời tiết nguy hiểm

Nhận định về các hình thái thời tiết từ tháng 4-9/2024, Trưởng Phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Nguyễn Văn Hưởng cho biết, từ tháng 4-6/2024, hiện tượng El Nino sẽ suy yếu dần và chuyển sang trạng thái trung tính với xác suất 75-80%. Bão và áp thấp nhiệt đới ít có khả năng xuất hiện trên Biển Đông.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục