Rạng sáng nay, 4-7, bão số 2 đã đổ bộ vào đất liền khu vực từ Hải Phòng tới Nam Định, trọng tâm bão đổ bộ vào thành phố Hải Phòng, hiện bão vẫn đang tiếp tục di chuyển vào đất liền, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và tan dần.
Họp Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai họp triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 2, sáng 4-7.
Sáng 4-7, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai họp triển khai các biện pháp ứng phó với bão.
Tại cuộc họp, ông Vũ Đức Long, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, hồi 04 giờ 30 phút sáng nay, 4-7, bão số 2 đã đổ bộ vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định. Trọng tâm bão nằm trên đất liền của tỉnh Hải Phòng, gió cấp 5-6, giật cấp 7-8, ven biển gió cấp 8-9, giật cấp 11.
Trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15 km, đi sâu vào đất liền các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó áp thấp nhiệt đới tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực trung du và vùng núi Bắc Bộ.
Tại cuộc họp, đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết, do ảnh hưởng của bão số 2 nên trong ngày hôm nay tỷ lệ hoãn hủy các chuyến bay ra cảng hàng không Vân Đồn (Quảng Ninh) và Cát Bi (Hải Phòng) vẫn nhiều.
Thông tin từ Bộ đội Biên phòng cũng cho biết, do yếu tố mưa cục bộ nên tại huyện Tĩnh Gia đã xảy ra sự cố sập đầu cầu, sạt lở đường khiến hai người tử vong và ba người bị thương phải đưa đi cấp cứu. Ngoài ra, tại khu vực này cũng xảy ra sự cố hồ thủy điện Đồng Chùa bị vượt mực nước thiết kế 50-70 cm gây nhiều nguy cơ mất an toàn hồ đập. Đến rạng sáng nay, mực nước đã trở lại bình thường.
Trước tình hình trên, Thứ trưởng NN-PTNT, Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá, đến thời điểm này bão số 2 gây thiệt hại không nhiều nhưng trong một, hai ngày tới có khả năng sẽ xảy ra tình trạng mưa cục bộ. Mưa sẽ tiếp tục lan rộng ra đồng bằng sông Hồng và miền núi phía bắc, trọng tâm mưa là khu vực Hòa Bình và Sơn La.
Do đó, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tiếp tục theo dõi sát tình hình; Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia chú ý theo dõi, dự báo sớm những vùng mưa cục bộ có thể xảy ra ở diện hẹp. Tiếp tục theo dõi các hồ sửa chữa có nguy cơ cao, có phương án theo dõi và ứng phó cao hơn các hồ khác vì tình trạng mưa cục bộ xảy ra sẽ gây ra hậu quả khó lường.
Tổng cục Thủy lợi vận hành thử nghiệm ở những hệ thống tiêu úng lớn. Bộ Giao thông bảo đảm thông suốt giao thông đường bộ, đường sắt, đặc biệt ở những khu vực có nguy cơ ngập úng cao.
* Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, hồi 7 giờ ngày 4-7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 20,7 độ vĩ bắc; 106,0 độ kinh đông, ngay trên đất liền các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 7. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 7 khoảng 30 km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.
Trong 6 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực phía Tây Bắc Bộ.
Ở khu vực Vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cát Hải, Vân Đồn) trong sáng nay còn có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8. Biển động mạnh.
Trên đất liền các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ có gió mạnh cấp 5, vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới đi qua mạnh cấp 6, giật cấp 7. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão: cấp 3.
Dự báo, trong ngày hôm nay, 4-7, ở Thanh Hóa và khu vực Tây Bắc Nghệ An có mưa rất to (lượng mưa phổ biến 40-80mm/12 giờ, có nơi hơn 100mm/12 giờ); từ đêm nay mưa giảm.
Trong ngày và đêm nay, ở các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Đông Bắc có mưa to đến rất to (lượng mưa phổ biến 50-150mm/24 giờ, có nơi hơn 150mm/24 giờ); vùng núi Bắc Bộ có mưa to (lượng mưa phổ biến 50-100mm/24 giờ, có nơi hơn 150mm/24 giờ).
Khu vực Hà Nội hôm nay có mưa vừa đến mưa to và dông. Trong mưa dông có gió giật mạnh.
Cảnh báo: Trên các sông suối khu vực Bắc Bộ sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 2-3m, trên thượng nguồn sông Mã (Thanh Hóa), sông Cả (Nghệ An) biên độ lũ lên từ 2-5m. Mực nước đỉnh lũ trên các sông còn dưới BĐ1.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng ở các tỉnh vùng núi phía bắc, Thanh Hóa, Nghệ An, đặc biệt là các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, lũ quét, sạt lở đất: cấp 1.
Theo báo Nhân Dân