(HBĐT) - Ngày 23/2/2018, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 241 về việc phê duyệt "Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chính sách an sinh xã hội”. Ngày 31/8/2019, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 7846/VPCP-KTTH về việc "các giao dịch cần đẩy nhanh thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực y tế, giáo dục”. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh là một trong những địa phương tích cực triển khai các nội dung đảm bảo kế hoạch, tiến độ.
Cán bộ Ngân hàng NN&PTNT Hòa Bình hướng dẫn cán bộ thu ngân và người dân sử dụng thiết bị POS tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Hiệu quả việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực giáo dục
Có một thực tế là công tác bảo vệ tại các trường học hiện nay vẫn còn nhiều sơ hở để kẻ gian có thể lợi dụng; nhân viên bảo vệ là hợp đồng ngắn hạn nên đôi khi ý thức, tinh thần trách nhiệm chưa thực sự cao; trường học lại nằm xen trong khu dân cư nên càng khó khăn trong việc đảm bảo ANTT. Năm 2016, tại trường THPT Công Nghiệp (TP Hòa Bình) đã xảy ra vụ việc kẻ gian phá két sắt, tủ đựng tài liệu lấy đi tiền và 1 máy tính xách tay với tổng trị giá trên 700 triệu đồng. Đây là hồi chuông báo động về vấn đề đảm bảo ANTT tại các trường học. Sau sự việc này thì việc sử dụng, chi trả tiền mặt trong các đơn vị trường học trở thành vấn đề "đau đầu” đối với thủ quỹ, nhà quản lý các nhà trường. Vì vậy, ngay sau khi Quyết định số 241 của Thủ tướng Chính phủ ban hành, đã có nhiều trường học trên địa bàn tỉnh tiến hành chi trả lương, các chế độ, chính sách cho cán bộ, giáo viên qua ngân hàng.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Văn Thành, Trường phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở GD&ĐT cho biết: Trung bình mỗi năm, 1 đơn vị trường học dự toán chi phí khoảng 6 - 7 tỷ đồng. Nếu chi trả bằng tiền mặt số tiền lớn như vậy có thể dẫn đến việc một số tình huống phát sinh như mất mát, sử dụng không đúng nội dung, thậm chí có thể dẫn đến tham ô, tham nhũng… Do đó, việc thanh toán không dùng tiền mặt đã và đang được ngành Giáo dục triển khai cho thấy đây là một hình thức thanh toán an toàn, thuận tiện, nhanh chóng. Đặc biệt là tiết kiệm được thời gian, công sức cho thủ quỹ và kế toán của đơn vị; thuận lợi cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong việc nhận lương, các chế độ, chính sách. Và nhất là đảm bảo việc công khai, minh bạch tài chính tại các đơn vị trường học, góp phần phòng, chống tham ô, tham nhũng. Hiện nay, một số địa phương đã thực hiện được việc trả lương qua tài khoản cho 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên, người lao động. Đối với ngành Giáo dục chủ yếu chỉ còn thực hiện việc chi trả tiền mặt cho đối tượng học sinh thuộc các trường dân tộc nội trú, học sinh được hưởng các chế độ, chính sách hỗ trợ khác. Sắp tới, chúng tôi dự định sẽ phối hợp với phụ huynh, lấy thông tin số tài khoản ngân hàng của phụ huynh để chuyển trả chế độ, chính sách hỗ trợ cho các em.
Đẩy mạnh việc triển khai thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt
Cùng với ngành Giáo dục, ngành Y tế là một lĩnh vực quan trọng được xác định cần đẩy mạnh việc triển khai thanh toán chi phí không dùng tiền mặt. Ngày 2/10/2019, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-BYT về việc "đẩy mạnh triển khai thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt”. Ngày 6/12/2019, UBND tỉnh cũng ban hành kế hoạch số 193/KH-UBND về việc "đẩy mạnh triển khai thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Hòa Bình”.
Người dân thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt tại Bệnh viện Y học cổ truyền.
Đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Việc thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt sẽ góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt. Từng bước thay đổi dần thói quen sử dụng tiền mặt trong hoạt động thanh toán đối với người dân khi đi khám, chữa bệnh (KCB) tại các cơ sở KCB công lập trên địa bàn tỉnh; giảm chi phí liên quan đến tiền mặt, giảm tỷ lệ tiền mặt trong lưu thông trên địa bàn. Nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước, minh bạch hóa các hoạt động thanh toán trong nền kinh tế và thu nhập cá nhân, góp phần vào công tác phòng, chống tham nhũng và tội phạm kinh tế trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đảm bảo an ninh, an toàn và hiệu quả hoạt động của các hệ thống thanh quyết toán, các dịch vụ, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Thực hiện hiệu quả cơ chế bảo vệ người tiêu dùng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt khi sử dụng các dịch vụ y tế.
Mục tiêu đề ra là hết năm 2019, 100% bệnh viện, trung tâm y tế (trừ trạm y tế xã) trực thuộc Sở Y tế triển khai thu giá dịch vụ KCB bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt và ưu tiên giải pháp thanh toán trên thiết bị di dộng, thiết bị chấp nhận thẻ. Đến hết năm 2020, 100% các đơn vị tuyến tỉnh còn lại và 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn triển khai thu giá dịch vụ KCB, y tế dự phòng… bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Hết năm 2019, 100% bệnh viện, trung tâm y tế và đến hết năm 2020, 100% đơn vị y tế công lập tuyến tỉnh còn lại sử dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định số 119/2018/NĐ-CP, ngày 12/9/2018 của Chính phủ quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
Để đẩy mạnh việc triển khai thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt, Sở Y tế đã tổ chức phổ biến, tuyên truyền nội dung chỉ đạo của Bộ Y tế đến toàn thể cán bộ, viên chức, người bệnh và sinh viên nhận thức được lợi ích, tầm quan trọng của việc thực hiện thanh toán tiền sử dụng dịch vụ KCB, học phí không dùng tiền mặt. Đồng thời, bố trí địa điểm, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực để triển khai tại đơn vị. Cụ thể, Sở Y tế đã hợp tác với Ngân hàng NN&PTNT Hòa Bình (Agribank Hòa Bình) triển khai các loại hình dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt cho một số đơn vị thuộc Sở Y tế. Các dịch vụ Agribank cung cấp gồm: hệ thống thiết bị có thể thu tiền dịch vụ KCB của người dân và học phí của sinh viên qua thẻ tín dụng (ATM, VISA, Master…) kết nối vào hệ thống thanh toán của cơ sở y tế; dịch vụ chuyển khoản thanh toán qua thiết bị di động khi thu tiền dịch vụ KCB của người dân và học phí của sinh viên; các dịch vụ khác có liên quan như: máy rút tiền tự động và các dịch vụ gia tăng khác.
Tính đến ngày 25/12/2019, đã có 6 đơn vị là: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Y học cổ truyền, Trung tâm Y tế các huyện: Kim Bôi, Tân Lạc, Lạc Thủy, Lạc Sơn triển khai việc thanh toán chi phí điều trị không dùng tiền mặt.
Các đơn vị còn lại đang tiếp tục xúc tiến việc ký kết hợp đồng, chuẩn bị về cơ sở vật chất, đảm bảo việc triển khai sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch. Agribank Hòa Bình phân công các phòng, ban chuyên môn, chi nhánh chuẩn bị phương án phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị, cơ sở y tế làm thủ tục ký kết hợp đồng, mở tài khoản, hướng dẫn thủ tục mở đơn vị chấp nhận thẻ, đơn vị thanh toán QR Code, thanh toán trực tuyến... Đồng thời, phân bổ 20 thiết bị POS model mới nhất cho các chi nhánh trực thuộc, phục vụ công tác hợp tác triển khai thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt đối với các cơ sở y tế.
Dương Liễu
Thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt góp phần tăng sự hài lòng của người bệnh
Việc thanh toán chi phí KCB không dùng tiền mặt sẽ giúp giảm quá tải khu vực xếp hàng chờ thanh toán chi phí KCB; góp phần tăng sự hài lòng của người bệnh. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, phương thức thanh toán điện tử trong ngành Y tế vẫn còn tồn tại một số hạn chế, người dân cũng chưa có thói quen thanh toán điện tử các giao dịch thanh toán. Do đó, các cơ sở y tế cần công bố công khai số tài khoản, hướng dẫn nội dung chuyển tiền để người dân có thể chuyển tiền thanh toán chi phí dịch vụ y tế một cách nhanh chóng. Ưu tiên giải pháp thanh toán trên thiết bị di dộng, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ.
Đặc biệt, các cơ sở y tế phải quán triệt về ý nghĩa, lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; bố trí nguồn lực, điều kiện để triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt phù hợp với điều kiện của đơn vị. Đồng thời, triển khai các phương thức truyền thông, hướng dẫn người dân về ý nghĩa, tiện ích quan trong của thanh toán điện tử, góp phần thuyết phục người dân bỏ thói quen sử dụng tiền mặt trong thanh toán chi phí dịch vụ y tế.
Trần Quang Khánh
Giám đốc Sở Y tế
Cần trang bị hạ tầng đồng bộ đáp ứng nhu cầu sử dụng thẻ ATM
Từ năm 2018, các trường học trên địa bàn huyện Yên Thủy đã tiến hành trả lương cho cán bộ, giáo viên, nhân viên qua ngân hàng. Tính đến thời điểm hiện tại, 100% đơn vị, trường học trên địa bàn huyện đã tiến hành việc trả lương qua Ngân hàng NN&PTNT (Agribank).
Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích như an toàn, nhanh chóng thì việc trả lương qua tài khoản của cán bộ, giáo viên, nhân viên đang phát sinh khó khăn cho người sử dụng. Cụ thể là cả huyện Yên Thủy hiện mới chỉ có 1 cây ATM của Ngân hàng NN&PTNT đặt tại thị trấn Hàng Trạm. Do đó, mỗi khi có lương thì giáo viên toàn huyện đều phải tập trung về cây ATM này mới rút được lương. Trong khi đó, trên địa bàn huyện có những xã xa như Lạc Sỹ, cách trung tâm huyện hơn 20 km nên cũng gây ra không ít khó khăn, vất vả cho giáo viên.
Do đó, chúng tôi mong muốn ngân hàng cần trang bị thêm hệ thống ATM tại những địa điểm phù hợp để thuận lợi cho người dân khi giao dịch, sử dụng.
Bùi Văn Hồng
Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Yên Thủy
Người dân ủng hộ việc thanh toán không dùng tiền mặt đối với lĩnh vực y tế và giáo dục
Mỗi lần đi viện, các gia đình thường phải chuẩn bị và mang theo một số tiền nhất định, ít thì vài trăm nghìn đồng còn không thì cũng phải vài triệu đồng, thậm chí là vài chục triệu đồng với những ca bệnh nặng. Điều kiện bệnh viện ăn ngủ vật vờ, nhiều người ra vào, kẻ gian có thể trà trộn và lợi dụng sơ hở để trộm cắp khiến cho bệnh nhân cũng như người nhà rất bất an. Do đó, khi các bệnh viện triển khai việc thanh toán không dùng tiền mặt sẽ rất thuận tiện, an toàn cho người dân.
Còn trong lĩnh vực giáo dục, tôi thấy việc chuyển lương, chế độ, chính sách qua tài khoản như hiện nay rất hợp lý. Tôi mong trong thời gian tới, các khoản đóng góp của học sinh đầu năm học, đóng góp hàng tháng cũng sẽ thực hiện bằng hình thức thu, chuyển khoản, thanh toán không dùng tiền mặt toàn bộ qua ngân hàng. Có như vậy, sẽ từng bước hạn chế được tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục. Nhất là phụ huynh được công khai và chủ động nắm chắc các khoản đóng góp của con em mình.
Lương Thu Hằng
Tổ 5, phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình)
Ngày 26/12, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã có Công điện số 22/CĐ-TW chỉ đạo khẩn cấp ứng phó bão số 8 và đề nghị Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh thành phố, các bộ ngành khẩn trương chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp ứng phó với bão.
(HBĐT) - Ngày 25/12, Công ty Điện lực Hòa Bình và Tỉnh Đoàn tổ chức lễ ra quân phối hợp giải phóng hành lang lưới điện cao áp thuộc đường dây 471, 473E19.3 Thanh Nông đi qua 2 huyện Kim Bôi, Lạc Thủy, Lương Sơn. Lễ ra quân có có sự tham gia của trên 100 ĐVTN và cán bộ ngành Điện.
(HBĐT) - Công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông (ICT) đóng vai trò quan trọng trong việc trao đổi thông tin của hoạt động các cơ quan Nhà nước cũng như cung cấp các dịch vụ và dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp. Bởi vậy, trong những năm qua, tỉnh đã dành sự quan tâm đúng mức cho lĩnh vực này để thúc đẩy lộ trình cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn.
Bão Phanfone gió giật cấp 12, di chuyển với vận tốc rất nhanh đang hướng vào Biển Đông.
Ngày 25/12, Cục Thống kê tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2019, triển khai kế hoạch công tác năm 2020.