(HBĐT) - Việc tổ chức diễn tập xử lý các tình huống giả định là giải pháp thiết thực Công ty Điện lực Hòa Bình (PC Hòa Bình) triển khai hàng năm, nhằm chủ động, nâng cao kỹ năng trong xử lý các sự cố điện, cũng như đảm bảo an toàn lao động, nhất là trong mùa mưa bão.
Điện lực Kim Bôi diễn tập sơ cấp cứu công nhân bị ngã xe máy, gãy chân trong quá trình đi tìm và xử lý sự cố điện.
Theo thống kê của PC Hòa Bình, từ đầu năm đến nay, các đợt mưa lớn kèm dông, sét từ ngày 24 - 26/1, và trong 2 ngày đầu tháng 3 đã gây ra gần 50 vụ sự cố trên lưới điện. Với những diễn biến thời tiết cực đoan như hiện nay, để đảm bảo an toàn, kịp thời xử lý sự cố trong mùa mưa bão, PC Hòa Bình đã và đang tăng cường nhiều giải pháp. Trong đó, nổi bật là việc tổ chức diễn tập an toàn, xử lý sự cố, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) vào cuối tháng 4 vừa qua.
Buổi diễn tập với sự tham gia của 300 cán bộ, nhân viên ngành Điện. Nội dung diễn tập gồm 3 chuyên đề: PCTT&TKCN, xử lý sự cố, an toàn. Với tình huống giả định là đêm 27, rạng sáng 28/4/2020, trên địa bàn tỉnh có mưa to, kèm theo dông và lốc xoáy tại các huyện Kim Bôi, Cao Phong, TP Hòa Bình, đã gây ra một số sự cố điện trên các đường dây 110 kV, 35 kV, 22 kV. Để ứng phó với tình trạng thời tiết cực đoan, PC Hoà Bình và các đơn vị Điện lực trực thuộc đã thực hiện phương án "4 tại chỗ”. Ngay sau khi xảy ra mưa lũ, các đơn vị lập tức báo cáo nhanh thông tin thiệt hại cho Ban chỉ huy PCTT&TKCN PC Hoà Bình, đề nghị huy động lực lượng xung kích, phương tiện, vật tư của các đơn vị trong khu vực, để hỗ trợ khắc phục nhanh sự cố lưới điện vùng bị thiên tai.
Diễn tập trên địa bàn huyện Kim Bôi, PC Hòa Bình đã đưa ra những tình huống giả định sát thực. Đó là tình huống dông bão lớn tác động máy cắt ở vị trí cột điện 157 (thuộc địa phận xã Vĩnh Tiến). Tình huống sơ cứu, cấp cứu công nhân bị đuối nước trong khi thực hiện nhiệm vụ; hay 1 công nhân sơ ý ngã xe, bị gãy chân trong quá trình đi tìm sự cố. Trực tiếp tham gia diễn tập, đồng chí Phạm Thế Phương, Tổ trưởng Tổ giao dịch khách hàng (Điện lực Kim Bôi) chia sẻ: Đối với cán bộ, nhân viên trực tiếp làm việc ở hiện trường, trong quá trình cơ động đi giải quyết sự cố hay gặp những tình huống tương tự như giả định. Do đó, việc tổ chức diễn tập có ý nghĩa rất quan trọng, giúp chúng tôi trau dồi kỹ năng trong xử lý các tình huống, để cấp cứu kịp thời anh em gặp nạn, cũng như xử lý nhanh, hiệu quả các sự cố điện.
Điện lực Kim Bôi hiện đang quản lý, vận hành gần 400 km đường dây trung thế, 700 km đường dây hạ thế, 214 trạm biến áp. Với địa hình đồi núi, hàng năm, vào mùa mưa bão, nhiều vị trí đường dây 0,4 kV bị ảnh hưởng bởi sạt lở đất, cây cố gãy đổ. Từ đầu năm đến nay, cũng đã xảy ra các sự cố điện như ở xã Bắc Sơn, xã Bình Sơn. Trao đổi về công tác diễn tập, đồng chí Ngô Đình Quang, Giám đốc Điện lực Kim Bôi cho biết: "Với địa hình miền núi phức tạp, để đảm bảo an toàn, kịp thời xử lý sự cố điện trong mùa mưa bão, ngoài việc thường xuyên kiểm tra, rà soát, xử lý các điểm xung yếu, thì công tác diễn tập có ý nghĩa rất quan trọng. Điều này giúp cán bộ, nhân viên ngành Điện có thêm kỹ năng, không bị bỡ ngỡ khi gặp các sự cố trong khi thực hiện nhiệm vụ ngoài thực tế”.
Đồng chí Nguyễn Thế Hùng, Phó Giám đốc Kỹ thuật PC Hòa Bình đánh giá, buổi diễn tập diễn ra thành công, đúng kịch bản, tiến độ. Các đơn vị đã tiến hành tái lập nguồn điện cho khu vực như kế hoạch. Thực tế, khi có thiên tai xảy ra sẽ còn rất nhiều khó khăn. Do đó, các đơn vị cần phải phối hợp chặt chẽ với địa phương và các bên liên quan hơn nữa, để phát huy tốt nhất phương châm "4 tại chỗ" khi mùa mưa bão tới.
Viết Đào
(HBĐT) - Sở GTVT ban hành Thông báo số 988/TB-SGTVT ngày 8/5/2020 về việc khôi phục lại hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh. Theo đó, căn cứ các văn bản chỉ đạo của Bộ GTVT, Sở GTVT thông báo nội dung cụ thể như sau:
(HBĐT) - Cử tri kiến nghị: Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan hữu quan phối hợp xác định rõ ranh giới địa chính giữa các xã giáp ranh của tỉnh Hòa Bình với các địa phương khác (giữa huyện Mai Châu với Thanh Hóa; giữa xã Tân Minh, Tân Pheo (Đà Bắc) và Phú Thọ), nhằm giải quyết dứt điểm việc tranh chấp đất đai.
(HBĐT) - Theo thông tin từ Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, do ảnh hưởng của giông, lốc, gió giật mạnh trong ngày 7/5, một số địa phương của huyện Tân Lạc đã bị thiệt hại về nhà ở, tài sản, sản xuất.
(HBĐT) - Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện Đà Bắc, khoảng 19h ngày 8/5, trên địa bàn huyện đã xảy ra giông, lốc kèm theo mưa to cục bộ tại một số xã, gây ra những thiệt hại về nhà ở, tài sản, hoa mầu của Nhân dân.
(HBĐT) - Lạc Thủy là huyện thuộc vùng thấp của tỉnh, địa hình chia cắt bởi nhiều sông, suối, dãy núi đá vôi. Toàn huyện có 12/15 xã, thị trấn thuộc khu vực vùng ven sông Bôi, sông Đập, sông Thanh Hà, thường xuyên chịu ảnh hưởng của gió bão, ngập lụt. Ngay từ đầu năm nay, huyện đã chủ động triển khai nhiều biện pháp, giải pháp ứng phó với mọi tình huống của thời tiết cực đoan, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, ngày 8/5, chỉ số tia UV ở Hà Nội có giá trị từ 6-8, Đà Nẵng có giá trị từ 9-10, Thành phố Hồ Chí Minh có giá trị từ 8-9 ứng với mức ảnh hưởng nguy cơ gây hại cao đến rất cao đối với cơ thể con người khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng.