(HBĐT) - Giai đoạn 2016 - 2020, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đạt được những thành tựu đáng kể. Tốc độ tăng trưởng bình quân toàn ngành đạt 4,09%/năm, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản. Sản xuất nông nghiệp từng bước phát triển theo hướng hàng hóa quy mô lớn, gắn với thị trường; quan tâm phát triển nông nghiệp xanh, sạch, an toàn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Mô hình trồng dưa trong nhà kính ứng dụng công nghệ cao tại Công ty CP nông trại hữu cơ Việt Nam, thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thủy) tạo ra sản phẩm sạch, giá trị kinh tế cao.
Nếu có dịp đến thăm mô hình trồng dưa trong nhà kính ứng dụng công nghệ cao của Isarel tại Công ty CP nông trại hữu cơ Việt Nam, thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thủy) sẽ không khỏi bất ngờ với không gian xanh, sạch, thoáng mát. Tại đây, công nhân không tốn thời gian chăm sóc, vì toàn bộ diện tích được thiết kế trồng trong giá thể và tưới thủy canh áp dụng công nghệ 4.0. Hệ thống máy móc tự tính lượng nước mỗi giá thể cần để tưới mỗi ngày. Dưa được trồng hoàn toàn trong nhà kính với nhiệt độ từ 28 - 35°C, giúp chắn mưa, nắng, ngăn côn trùng xâm nhập, chủ động chế độ dinh dưỡng cho cây… Do không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên đảm bảo sản phẩm an toàn, giảm chi phí sản xuất. Mô hình trồng dưa trong nhà kính ứng dụng công nghệ cao của Isarel cho năng suất cây trồng gấp 15 lần so với phương pháp canh tác thông thường. Thời gian thu hoạch ngắn, dưa chuột từ 25 - 30 ngày, giá bán 20.000 đồng/kg; dưa kim hoàng hậu từ 60 - 65 ngày, giá bán 50.000 đồng/kg. Sản phẩm của công ty chủ yếu tiêu thụ trong các siêu thị và hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội.
Cùng với mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính tại huyện Lạc Thủy, trên địa bàn tỉnh còn có nhiều mô hình trồng rau trong nhà kính, trồng cây ăn quả và chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP để bảo vệ môi trường sinh thái, tạo sản phẩm sạch, có sức cạnh tranh cao. Đến hết năm 2020, diện tích cây ăn quả có múi toàn tỉnh đạt trên 11,5 nghìn ha, trong đó, diện tích kinh doanh đạt 8 nghìn ha, sản lượng trên 15 vạn tấn; giá trị thu nhập trên 1 ha đạt 450 triệu đồng. Diện tích được chứng nhận an toàn thực phẩm (ATTP), VietGAP, hữu cơ đạt trên 2 nghìn ha, chiếm khoảng 20% diện tích.
Toàn tỉnh hiện có 7 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, VietGAP, hữu cơ… với tổng diện tích canh tác 66,64 ha; tương đương khoảng 200 ha gieo trồng, chiếm 1,8% diện tích rau toàn tỉnh. Tiêu biểu như mô hình trồng rau an toàn áp dụng công nghệ cao của Công ty An Nhiên Foods (TP Hòa Bình); sản xuất rau hữu cơ tại huyện Lương Sơn… Quy trình thực hiện khép kín từ sản xuất đến sơ chế sản phẩm, chú trọng phòng trừ sâu bệnh hại đã nâng cao năng suất, sản lượng rau. Thị trường tiêu thụ rau sạch chủ yếu tại Hà Nội, sản phẩm bí xanh còn là nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy chế biến nước hoa quả.
Cùng với sự đa dạng sản phẩm sạch trong trồng trọt, lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản phát triển tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng, đảm bảo ATTP. Nhiều cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao với hệ thống chuồng trại hiện đại, khép kín, có hệ thống điều hòa…
Chàng thanh niên Nguyễn Mạnh Linh, Giám đốc HTX nông nghiệp Hòa Bình (Lương Sơn) đã mạnh dạn đầu tư vốn để phát triển mô hình nuôi dê theo tiêu chuẩn VietGAP. Anh Linh chia sẻ: Tháng 7/2019, sản phẩm dê núi của HTX là sản phẩm dê thịt đầu tiên của tỉnh được cấp chứng nhận VietGAP. Thị trường tiêu thụ chủ lực của HTX là các nhà hàng trong tỉnh và các tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình, Quảng Ninh, Bắc Ninh… Đặc biệt, HTX đã ký hợp đồng tiêu thụ tại chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Eco Food, HG Hifood… Trung bình, HTX cung cấp ra thị trường từ 4 - 4,8 tấn/năm. Giá bán bình quân đối với dê hơi là 170.000 đồng/kg; đối với thịt dê đóng gói hút chân không, cấp đông lạnh dao động từ 500 - 600.000 đồng/kg.
Sản phẩm nông nghiệp sạch của tỉnh khẳng định được vị trí trên thị trường, nhất là thị trường Hà Nội, được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã. Một số sản phẩm vươn ra thị trường xuất khẩu, trong năm 2020 đã có 120 tấn nhãn Sơn Thủy của huyện Kim Bôi, 180 tấn chuối của TP Hòa Bình được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đặt mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, hiệu quả, sản xuất hàng hóa lớn gắn với thị trường tiêu thụ, gắn kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến, du lịch, bảo vệ môi trường, sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh trong sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực...
Thu Thủy
(HBĐT)-Thời gian qua, UBND huyện Cao Phong đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn rà soát, thống kê, đánh giá hiện trạng nước sạch nông thôn trên địa bàn huyện, cụ thể: Có 78 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn, trong đó có 1 công trình cấp nước sạch do Công ty CP nước sạch Hòa Bình, 77 công trình cấp nước sinh hoạt (tự chảy).
(HBĐT) - Ngày 27/4, đồng chí BÙI VĂN KHÁNH, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành Công văn số 619/UBND-NNTN về triển khai các biện pháp ứng phó, đảm bảo an toàn trước thiên tai.
(HBĐT) - Xác định phát triển giao thông là khâu đột phá trong phát triển KT-XH, những năm qua, huyện Lạc Thủy tập trung nguồn lực phát triển hệ thống đường giao thông nông thôn. Các tuyến đường liên xã, liên xóm, đường nội đồng được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, đáp ứng yêu cầu đi lại, giao lưu hàng hóa của Nhân dân. Cùng với đó, người dân tự nguyện hiến đất, hiến công thực hiện phong trào làm đường giao thông nông thôn, trồng hoa, cây cảnh hai bên đường, tạo cảnh quan nông thôn sạch, đẹp.
(HBĐT) - Với đặc điểm địa hình núi cao, chia cắt phức tạp, độ dốc lớn và sông, suối nhiều, do vậy, trên địa bàn tỉnh tiềm ẩn nguy cơ thiên tai về sạt lở đất, đá lăn rất lớn. Thực tế trong những năm gần đây, năm nào tỉnh cũng chịu thiệt hại do thiên tai gây ra.
(HBĐT) - Ngày 25/4, Công ty Điện lực Hòa Bình (PC Hòa Bình) tổ chức diễn tập an toàn, xử lý sự cố, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) năm 2021 với quy mô cấp Công ty, trên lưới điện do Điện lực thành phố Hòa Bình, Cao Phong và Lương Sơn quản lý, vận hành.
(HBĐT) - Cây xanh đô thị ngày càng có vai trò quan trọng, không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, sinh thái mà còn tạo cảnh quan đô thị, văn minh đô thị, đem lại chất lượng sống tốt hơn cho cư dân. Chính vì vậy cần có một quy hoạch tổng thể phát triển cây xanh đô thị, mang những nét đặc trưng riêng có, hướng đến xây dựng một môi trường đô thị xanh - sạch - đẹp, phát triển hài hòa, bền vững.