Bãi rác tự phát hình thành trên đường Hồ Chí Minh thuộc địa bàn xã Lạc Thịnh (Yên Thủy) do nhiều người ở nơi khác xả rác dọc hai bên đường.
Việc xuất hiện những điểm tập kết rác tự phát diễn ra phức tạp hơn cả là địa bàn xóm Thịnh Phú, xã Lạc Thịnh. Ông Quách Xuân Mùi, Trưởng xóm Thịnh Phú cho biết: Từ tháng 2 đến nay, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện và UBND xã, các hộ dân trên địa bàn đã tiến hành thu gom, phân loại, xử lý rác thải tại nhà. Đồng thời, góp kinh phí để lắp đặt biển "Không được đổ rác hai bên đường” dọc theo đường Hồ Chí Minh, nhưng nhiều người ở nơi khác đã lợi dụng đêm tối và khi đường vắng người qua lại để xả các loại rác dọc hai bên đường. Không ít lần chính quyền xóm vận động các hộ dân thu gom rác vãng lai, xử lý bằng cách đốt tại chỗ. Tuy nhiên, chỉ sau dăm bảy ngày, các điểm tập kết rác tự phát lại tiếp tục xuất hiện.
Tự thu gom, phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình trong thời gian chờ đợi xây dựng nhà máy xử lý rác thải tập trung của huyện được người dân khu phố Yên Hòa (thị trấn Hàng Trạm) hưởng ứng, thực hiện khá hiệu quả. Ông Nguyễn Đức Ngự, Trưởng phố Yên Hòa cho biết: Khu phố có 386 hộ, 1.256 nhân khẩu, chia thành 24 tổ liên gia tự quản. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động thông qua 3 cụm loa truyền thanh trong khu và các cuộc họp của các tổ liên gia tự quản, tổ chức đoàn thể, các hộ dân trong khu phố đã thực hiện tốt việc thu gom, phân loại, xử lý rác tại chỗ. Rác hữu cơ như rau, củ, quả thừa cho gia súc, gia cầm ăn hoặc ủ làm phân bón, mỗi hộ đều có 1 lò trong vườn để đốt rác vô cơ. Chị em khi đi chợ đều dùng làn, hộp nhựa, túi giấy để đựng hàng hóa nhằm giảm thiểu việc dùng túi nilon. Bên cạnh đó, chúng tôi đã họp, thống nhất từ trung tuần tháng 7 sử dụng một phần bãi chăn thả chung để làm điểm thu gom rác cho các hộ dân trong khu phố. Tuy nhiên, việc thu gom, phân loại, xử lý rác tại chỗ cũng chỉ là giải pháp tình thế, vì nhà nào cũng đốt rác chắc chắn sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người trong gia đình và những người xung quanh. Về lâu dài, chúng tôi mong muốn huyện đẩy nhanh tiến độ thi công để sớm hoàn thành, đưa nhà máy xử lý rác thải tập trung vào hoạt động. Có như vậy, vấn đề thu gom, xử lý rác thải mới có thể được giải quyết dứt điểm.
Việc đóng cửa điểm thu gom, xử lý rác thải của huyện tại khu phố Tây Bắc trong khi nhà máy xử lý rác mới đang trong quá trình thi công đã ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Chủ tịch UBND thị trấn Hàng Trạm Lã Xuân Trường chia sẻ: Sau khi UBND huyện có văn bản thông báo dừng việc thu gom rác thải tập trung, UBND thị trấn đã sử dụng xe tuyên truyền lưu động và hệ thống loa công cộng để vận động người dân thực hiện thu gom, phân loại, xử lý rác thải tại nhà; giao các ban, ngành chức năng hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện và xử lý nghiêm những trường hợp xả rác bừa bãi. Từ nguồn kinh phí của UBND huyện, 3 công nhân vệ sinh môi trường tiếp tục duy trì hoạt động thu gom rác thải vãng lai trên địa bàn. Bên cạnh đó, ý thức bảo vệ môi trường của người dân được nâng cao hơn khi đa số đã sử dụng làn, túi giấy, hộp nhựa khi đi chợ mua hàng để giảm thiểu rác thải cứng; các loại rác hữu cơ, vô cơ được phân loại, xử lý đúng cách. Tuy nhiên, không phải hộ nào cũng có thể xử lý rác tại nhà, nhất là những hộ ở mặt đường không có vườn, nhà ống diện tích chật. Mặt khác, thị trấn cũng không đủ lực lượng, phương tiện để giám sát, phát hiện triệt để những người xả rác bừa bãi. Vì vậy, dọc quốc lộ 12B vẫn hình thành những điểm rác tự phát gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến mỹ quan đường phố.
Hệ lụy từ việc dừng thu gom rác thải tập trung kéo dài nhiều tháng qua gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, sản xuất, đời sống của dân cư trên địa bàn cũng là nỗi niềm trăn trở của cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng huyện Yên Thủy. Chủ tịch UBND huyện Bùi Văn Hải cho biết: Năm 2017, huyện được phê duyệt xây dựng mô hình điểm về thu gom, xử lý chất thải rắn quy mô liên xã, vốn đầu tư khoảng 35 tỷ đồng từ chương trình xây dựng nông thôn mới, ngân sách huyện và xã hội hóa. Nhưng việc tìm địa điểm xây dựng nhà máy gặp rất nhiều khó khăn. Sau khi khảo sát, tuyên truyền, vận động, được sự đồng thuận của Nhân dân, đầu quý II/2021, UBND huyện đã triển khai đề án xây dựng địa điểm mới bằng lò đốt công nghệ cao trên diện tích khoảng 5.000 m2 tại xã Đa Phúc, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng vào cuối năm nay. Chúng tôi kỳ vọng với quy trình khép kín từ thu gom, vận chuyển, cấp, sấy, đốt rác, lọc bụi, hấp thụ khí độc... tạo nên một dây chuyền liên hoàn, cùng sự ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng dân cư sẽ giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn.
Bùi Đức (TTV)