(HBĐT) - Tháng 8/2020, nhà máy xử lý rác thải của Công ty CP năng lượng môi trường Bắc Việt (Công ty Bắc Việt) tại xã Thịnh Minh hoạt động xử lý đốt rác không hiệu quả, có hiện tượng chôn lấp, gây ô nhiễm môi trường, dẫn đến việc người dân trong khu vực ngăn cản, chặn xe vận chuyển rác vào nhà máy, không cho hoạt động. Từ đó đến nay, TP Hòa Bình không có nơi đổ rác, khiến công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn gặp nhiều vướng mắc.


Do chưa có nhà máy xử lý rác thải nên một đoạn đường Trương Hán Siêu, phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình) là điểm tập kết rác thải tạm thời.

Để giải quyết vấn đề rác thải, UBND thành phố đã liên hệ với các đơn vị trong bán kính 150 km xung quanh tỉnh đề nghị hỗ trợ tiếp nhận rác thải sinh hoạt. Ban đầu, có một số đơn vị tiếp nhận nhưng chỉ được thời gian ngắn, khối lượng nhỏ. Sau đó, không có đơn vị nào đủ khả năng tiếp nhận rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày của thành phố, nên vấn đề xử lý rác thải gặp rất nhiều khó khăn.

Vừa qua, báo cáo tại cuộc họp của UBND tỉnh, đồng chí Bùi Quang Điệp, Chủ tịch UBND TP Hòa Bình cho biết: Thời gian qua, Thành ủy, UBND thành phố đã có hơn 40 cuộc làm việc lớn nhỏ để tìm giải pháp nhưng vẫn còn vướng mắc. Sau khi xảy ra sự cố, Sở TN&MT đã chủ trì tham mưu UBND tỉnh về công tác này và cử tổ công tác xuống làm việc. Qua các cuộc làm việc đã thống nhất một số vấn đề, yêu cầu chủ đầu tư khắc phục, nhưng đến nay, Công ty Bắc Việt vẫn chưa khắc phục được việc chôn lấp rác thải. Liên quan đến dây chuyền công nghệ, theo yêu cầu của lãnh đạo UBND tỉnh là nhanh chóng hoàn thiện lò số 2, nhưng doanh nghiệp vẫn không làm. Do vậy gây nhiều khó khăn cho thành phố, khi ngày nào cũng có lượng rác thải rất lớn.

Cũng theo chia sẻ của Chủ tịch UBND thành phố, để khắc phục, sau khi thăm quan, học tập kinh nghiệm vấn đề xử lý rác ở tỉnh bạn, thành phố đã yêu cầu Công ty Bắc Việt chuyển đổi dây chuyền công nghệ. Doanh nghiệp đã làm việc với Sở KH&ĐT về điều chỉnh công nghệ, thay đổi phương tiện đốt rác, song để hoàn thiện được cũng phải mất cả năm. Do đó đặt ra bài toán hết sức khó khăn là rác hàng ngày đổ đi đâu? Chính vì vậy, từ tháng 12/2020, thành phố đã đề nghị với tỉnh cho phép được tìm, xây dựng điểm tập kết rác tạm thời. Trên cơ sở đề xuất của Sở Xây dựng, UBND tỉnh đã có văn bản đồng ý cho thành phố tìm điểm tập kết rác tạm thời.

Thực hiện Văn bản số 2331/UBND-NNTN, ngày 30/12/2020 của UBND tỉnh, UBND TP Hòa Bình khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ để bố trí điểm tập kết rác thải tạm thời tại xóm Can, xã Độc Lập, với phần việc: San ủi đất, cải tạo mặt bằng để bố trí các hố tập kết tạm thời có lót bạt đáy; xây dựng hệ thống thoát nước mưa chảy tràn dài khoảng 1.300 m, rộng 1 m, sâu 0,6 m để thoát nước mưa chảy tràn từ trên đồi và xung quanh dẫn về suối khu vực hạ lưu, không chảy vào các hố tập kết rác thải... Ngày 10/3/2021, UBND TP Hòa Bình ban hành Văn bản số 651/UBND-TNMT đồng ý giao Công ty CP môi trường đô thị Hoàng Long thực hiện nhiệm vụ vận hành khu tập kết rác thải tạm thời tại xóm Can.

Từ ngày 1/7/2021, UBND thành phố chỉ đạo thực hiện vận chuyển rác thải sinh hoạt tại các điểm tập kết tạm thời và rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày về khu tập kết tạm thời tại xóm Can. Tính đến ngày 22/7 đã vận chuyển khoảng 5.000 tấn rác về vị trí này, tuy nhiên, có một khối lượng rác chưa được san ủi xuống hố. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 gây mưa to khiến lượng nước mưa lớn chảy qua khu vực rác chưa được san ủi, che đậy, xảy ra hiện tượng nước rỉ rác chảy ra môi trường và chảy vào con suối gần đó; cách vài km là suối Chanh trên địa bàn xã Cao Sơn (Lương Sơn). Từ sự việc này, có thông tin cho rằng đã gây nên hiện tượng cá chết trong ao tại một số hộ ở xã Cao Sơn do sử dụng nguồn nước suối Chanh để nuôi cá và nước ở sông Bùi có dấu hiệu ô nhiễm. Theo đó, ngày 22/7, Công ty CP nước sạch Hòa Bình đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh về việc tạm thời ngừng cấp nước khi tiếp nhận có thông tin cá chết tại xã Cao Sơn.

Trước thực trạng trên, Sở TN&MT đã chủ trì, tổ chức kiểm tra thực tế và làm việc với hộ ông Lê Minh Thắng, trước đó trong ao của nhà ông có hiện tượng cá chết. Tại thời điểm kiểm tra, hộ ông Thắng vẫn nuôi nhiều cá, số lượng này chưa bị ảnh hưởng. Sở TN&MT đã lấy mẫu nước để phân tích (chưa có kết quả). Đối với nước sông Bùi, trên cơ sở kết quả quan trắc thể hiện chất lượng nước đảm bảo theo quy chuẩn cho phép, Công ty CP nước sạch Hòa Bình đã chỉ đạo Xí nghiệp nước sạch Lương Sơn vận hành hệ thống khai thác và xử lý nước từ sông Bùi để cấp nước cho Nhân dân. Thông tin này được ông Nguyễn Duy Hùng, Tổng Giám đốc công ty xác nhận.

Từ việc xử lý rác thải thời gian qua và để giảm thiểu, hạn chế tối đa tác động từ việc tập kết rác thải sinh hoạt tại xóm Can, xã Độc Lập, UBND TP Hòa Bình đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện các biện pháp khắc phục để hạn chế nước mưa cuốn theo nước rỉ rác chảy ra ngoài môi trường. Lu lèn, gia cố phần hạ lưu của khu vực tập kết rác thải tạm thời để chặn dòng, không cho nước rỉ rác chảy trực tiếp ra đầu nguồn suối Chanh gây nguy cơ ô nhiễm môi trường. Thi công cống thoát nước để hoàn trả khe suối cạn (có nước vào mùa mưa), hạn chế tối đa nước ngầm chảy qua khu vực tập kết rác thải. "Hiện nay, thành phố đã nỗ lực khắc phục theo hướng chia nhỏ bãi tập kết tạm thời, không để khối lượng lớn và sẽ làm những hố nhỏ để thực hiện các biện pháp lót đáy, giăng bạt che chắn bề mặt nhằm giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường. Thực tế, đợi có một nhà máy, hay Công ty Bắc Việt khắc phục xong để có nhà máy hoàn thiện cũng phải mất hàng năm nữa. Do vậy, thành phố phải tính toán nơi tập trung rác cho cả năm, nên đề xuất với tỉnh làm sao khắc phục, gia cố lại để bãi tập kết rác tạm thời đảm bảo an toàn, tiếp tục chứa rác trên địa bàn thành phố trong khoảng 1 năm nữa" - Chủ tịch UBND thành phố Bùi Quang Điệp đề đạt.

Trao đổi về vấn đề này tại cuộc họp UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quách Tất Liêm cho biết: Mặc dù đã có nhiều cuộc làm việc và đi kiểm tra thực tế vấn đề xử lý rác thải trên địa bàn TP Hòa Bình, nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được. Nếu nhà đầu tư không thực hiện được các cam kết theo kết luận cần tính toán mời nhà đầu tư khác, xem xét việc thu hồi giấy phép. UBND tỉnh đã giao Sở KH&ĐT xem xét vấn đề này. Thực tế, việc thành phố chở rác về bãi tập kết tạm thời sẽ gây thất thoát tiền nhiều. Vì khi có nhà máy xử lý lượng rác này sẽ phải chở đi chở lại, gây tốn kém và ảnh hưởng đến môi trường. Nếu có đất thì tiến độ xây dựng nhà máy xử lý rác nhanh nhất của nhà đầu tư cũng mất khoảng 9 tháng, không thì phải 12 tháng. Do vậy, đây là vấn đề hết sức cấp bách.

Được biết, trước thực trạng vấn đề rác thải, ngày 19/8/2021, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 256/KH-ĐGS về việc giám sát công tác quản lý việc xử lý rác thải trên địa bàn TP Hòa Bình.


P.V


Các tin khác


Cần giải pháp mạnh xử lý dứt điểm vấn đề rác thải gây ô nhiễm môi trường

(HBĐT) - Vấn đề rác thải và việc xử lý rác thải ở các địa phương trong tỉnh, nhất là tại các đô thị như TP Hoà Bình và trung tâm các huyện đang trở thành vấn đề nóng dư luận và bức xúc trong Nhân dân. Kiến nghị gửi tới Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVII, cử tri các địa phương trong tỉnh, đặc biệt là cử tri TP Hoà Bình bức xúc phản ảnh nhiều khó khăn trong việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, nhiều điểm tập kết, thu gom, xử lý rác thải không đảm bảo quy định gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống, sức khoẻ và sinh hoạt của Nhân dân.

Hướng dẫn bảo đảm an toàn thông tin trong đại dịch

Trong thời gian có dịch Covid-19, các hoạt động sử dụng internet tăng cao, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia xây dựng cẩm nang "Bảo đảm an toàn thông tin trong đại dịch Covid-19".

Quan tâm phục hồi, tái thiết sau thiên tai

(HBĐT) - Hàng năm, trên địa bàn tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề của hoàn lưu bão, áp thấp nhiệt đới gây mưa to đến rất to liên tục trong nhiều ngày, tạo ra các loại hình thiên tai như lũ, ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, sụt lún, sạt lở bờ sông. Đặc biệt, với đặc điểm địa hình bị chia cắt mạnh, kết hợp với hệ thống sông, suối ngắn, dốc và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên trong tỉnh thường xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lớn diện rộng, mưa đá, dông lốc, lũ quét, ảnh hưởng lớn đến đời sống của Nhân dân, tàn phá nhiều nhà ở, diện tích sản xuất, các công trình.

Các sở, ngành trả lời kiến nghị của cử tri: Giải pháp đảm bảo chất lượng điện năng tại huyện Kim Bôi

(HBĐT) - Cử tri hỏi: Hiện nay, trên địa bàn huyện Kim Bôi có 3 HTX dịch vụ điện năng nhưng một thời gian dài, người dân liên tục phản ánh về những bất cập, hạn chế về chất lượng điện như điện yếu, không đủ dùng cho sinh hoạt, thường xuyên mất điện. Vậy, cơ quan chức năng có giải pháp cụ thể gì để giải quyết những tồn tại, vướng mắc trên, đảm bảo về chất lượng điện tại huyện Kim Bôi?

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục