(HBĐT) - Nhìn lại diễn biến tình hình thời tiết, thiên tai của năm 2021 cho thấy, trên khu vực tỉnh đã xảy ra 94 ngày mưa dông, cảnh báo lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Tổng lượng mưa tháng trong năm là 1.673 - 2,423 mm; phổ biến nhiều hơn trung bình nhiều năm từ 157 - 469 mm. Toàn tỉnh xảy ra 10 đợt mưa vừa, mưa to diện rộng và 8 ngày mưa vừa, mưa to.



Do ảnh hưởng của những đợt mưa to năm 2021, đường tỉnh 435 đoạn qua phường Thái Bình (TP Hòa Bình) bị sạt lở nghiêm trọng, hiện vẫn đang được ngành chức năng khắc phục.

Do ảnh hưởng của mưa lớn kèm dông lốc, sét, mưa đá, lũ, lũ quét, sạt lở đất đã làm hư hỏng nhà ở, hoa màu và một số công trình công cộng trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, đã có 2 người chết, 5 người bị thương do sạt lở đất, sét đánh. Các địa phương có 294 nhà ở hư hỏng, thiệt hại; phải di dời khẩn cấp 159 nhà. Thiên tai cũng gây thiệt hại khá lớn về giao thông và các thiệt hại về thủy lợi, điện, giáo dục, y tế... Đối với sản xuất nông, lâm nghiệp, tổng diện tích bị thiệt hại gần 500 ha; trong đó, diện tích gieo cấy lúa gần 260 ha, diện tích gieo cấy mạ 46,4 ha; diện tích hoa màu, rau các loại gần 220 ha... Mưa lũ cũng làm chết trên 200 con gia súc, gia cầm và một số diện tích nuôi trồng thủy sản... Theo tính toán, ước giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra khoảng 39.485 triệu đồng. Trong đó, thiệt hại do dông, lốc, mưa đá, sét 3.668 triệu đồng; do bão, mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất 35.818 triệu đồng.

 Đồng chí Trần Quốc Toản, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh cho biết: Năm qua, thiên tai trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp, song dưới sự chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên của UBND tỉnh, sự chủ động phối hợp của các sở, ngành, địa phương trong công tác phòng ngừa, ứng phó với thiên tai đã giúp Văn phòng nắm bắt được sát tình hình, kịp thời tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh ban hành các công điện, văn bản chỉ đạo về phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả của thiên tai để các địa phương thực hiện. Nhờ đó đã hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.

Mặc dù đạt được kết quả nhất định, song theo đánh giá của UBND tỉnh, trong tỉnh vẫn có trường hợp tử vong do thiên tai. Nguyên nhân chủ yếu do ý thức chủ quan của người dân, chưa ý thức được mức độ nghiêm trọng khi có thiên tai xảy ra. Chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng còn chủ quan trong việc đưa ra cảnh báo về thiên tai cho người dân biết, phòng tránh; khi thiên tai xảy ra chưa chủ động, kiên quyết di dời đối với các hộ nằm trong vùng ảnh hưởng và có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

 Kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai của các địa phương đã được xây dựng nhưng chưa thực sự sát với thực tế. Các kịch bản đặt ra còn mang nhiều tính lý thuyết, chưa dự báo được sự cố thiên tai xảy ra, dẫn đến việc ứng phó với sự cố còn nhiều lúng túng, bất cập. Công tác dự báo, cảnh báo sớm vẫn còn hạn chế, chưa thực hiện được dự báo về lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, chủ yếu mới chỉ dự báo được mưa và lũ trên các triền sông chính...

 Kết quả phân vùng nguy cơ trượt lở đất, đá trong phạm vi của tỉnh cho thấy, huyện Mai Châu được xác định có nguy cơ trượt lở đất, đá rất cao; các huyện Cao Phong, Đà Bắc, Tân Lạc, Kim Bôi và TP Hòa Bình được xác định có nguy cơ trượt lở đất, đá cao; 4 huyện được xác định có nguy cơ trung bình gồm: Lạc Sơn, Lạc Thủy, Lương Sơn, Yên Thủy. Toàn tỉnh có 46/151 xã, phường, thị trấn được xác định có nguy cơ trượt lở đất, đá rất cao; 67 xã nguy cơ trượt lở cao... Từ số liệu này cho thấy, trong tỉnh thường chịu ảnh hưởng lớn nhất từ loại hình thiên tai sạt lở đất, đá.

Đài Khí tượng thủy văn Hòa Bình nhận định, năm 2022, trên địa bàn tỉnh dự báo thiên tai tiếp tục diễn biến khó lường, cần đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm có khả năng xảy ra trên phạm vi toàn khu vực, đặc biệt các hiện tượng dông, lốc, sét, mưa lớn cục bộ, mưa đá khi không khí lạnh tràn về và sạt lở đất ở các khu vực có địa hình dốc và thảm phủ thực vật kém.

 Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-UBND về việc tăng cường công tác PCTT&TKCN; bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, phòng chống mưa lũ trên địa bàn tỉnh năm 2022. Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, một trong những nhiệm vụ trọng tâm UBND tỉnh yêu cầu là: Tiến hành rà soát, thống kê cụ thể vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, các tuyến đường đi qua ngầm, tràn để chủ động phương án ứng phó, có kế hoạch thiết lập hệ thống biển cảnh báo nguy hiểm cho Nhân dân được biết để chủ động phòng tránh. Đối với các khu vực đã xảy ra hiện tượng sạt lở hoặc vùng mới di dân tái định cư, thường xuyên kiểm tra, theo dõi các hiện tượng bất thường để chủ động phòng tránh, sẵn sàng phương án di dời người dân đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản; kiểm tra, rà soát, xử lý việc đào xẻ đất đồi, núi để xây dựng nhà và công trình làm gia tăng nguy cơ rủi ro thiên tai...


Hoàng Nga

Các tin khác


Từ 17/1, Bắc Bộ chuyển rét đậm, có khả năng xảy ra băng giá

Từ ngày 17/1, Bắc Bộ trời chuyển rét đậm với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 12-15 độ C, vùng núi 9-12 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 5 độ C và có khả năng xảy ra băng giá.

Thời tiết ngày 15/1: Không khí lạnh tăng cường, Bắc Bộ có mưa to và dông

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của rãnh gió Tây trên cao kết hợp với không khí lạnh tăng cường, nên từ đêm ngày 15/1 đến ngày 17/1, ở khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông, với lượng mưa phổ biến 80-120 mm/đợt, có nơi trên 150 mm/đợt.

Thời tiết ngày 14/1: Bắc Bộ trưa, chiều hửng nắng

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 14/1, Bắc Bộ và Trung Bộ nhiều mây trưa chiều giảm mây trời nắng. Nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ phổ biến 13-16 độ C, vùng núi có nơi dưới 12 độ C; Bắc Trung Bộ phổ biến 17-20 độ C.

Tăng cường công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2022

(HBĐT) - UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-UBND về tăng cường công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN); bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, phòng chống mưa lũ trên địa bàn tỉnh Hòa Bình năm 2022.

Thời tiết ngày 13/1: Không khí lạnh tăng cường gây mưa nhỏ ở Bắc Bộ

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 13/1, Bắc Bộ có mưa và mưa nhỏ rải rác; Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ có mưa, mưa rào và có nơi có dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Bắc Bộ duy trì trời rét, vùng núi có nơi rét đậm

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, các tỉnh, thành phố miền Bắc duy trì rét, vùng núi có nơi rét đậm đến ngày 14/1, sau đó rét về đêm và sáng; từ ngày 17/1, trời lại chuyển rét, vùng núi có nơi rét đậm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục