Hộ chăn nuôi ở xã Yên Mông (TP Hòa Bình) xây dựng, gia cố chuồng trại đảm bảo chăn nuôi an toàn.
Thực tế cho thấy, do tác động của biến đổi khí hậu nên thiên tai ngày càng diễn biến nguy hiểm, phức tạp, khó lường và không theo quy luật. Nếu như trước đây, mưa lớn, dông lốc, mưa đá thường chỉ diễn ra từ tháng 4 - 10 hàng năm thì vài năm gần đây, các hiện tượng thời tiết cực đoan này xảy ra bất thường. Điển hình là đợt mưa rất to kèm theo mưa đá ngay trong đêm giao thừa và sáng mồng 1 Tết năm 2020 đã gây thiệt hại khá lớn về sản xuất nông nghiệp và các công trình tại một số địa phương. Có những xã trên địa bàn huyện Cao Phong, Tân Lạc mất điện kéo dài vì gẫy đổ cột điện, đứt đường dây do dông lốc mạnh.
Để không bị động trước các hiện tượng thời tiết cực đoan, nguy hiểm như đã từng xảy ra trong dịp Tết cách đây 2 năm, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT&TKCN) tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng, các địa phương khẩn trương triển khai các phương án để chủ động phòng chống, ứng phó thiên tai trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần và trong bối cảnh dịch Covid-19 nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Những ngày này, gia đình chị Bùi Thị Hà ở phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) khẩn trương chuẩn bị vật dụng che chắn cho vườn rau đề phòng mưa lớn, gây thiệt hại. Chị Hà chia sẻ: Còn nhớ đợt mưa to, mưa đá dịp Tết Canh Tý, do bất ngờ và tâm lý chủ quan nên gia đình bị gãy dập, hư hỏng nhiều rau màu. Tết năm nay dự báo có thể xảy ra mưa to kèm theo mưa đá, dông lốc nên gia đình đã chủ động chuẩn bị bạt, rơm, rạ che chắn cho rau, nhất là những luống mới nảy mầm để tránh bị ngập úng, dập nát. Gia đình cũng phải che phủ nilon tránh rét cho diện tích mạ, đợi ra Tết nắng ấm sẽ cấy đảm bảo kịp thời vụ.
Cũng như gia đình chị Hà, gia đình chị Nguyễn Thị Yến xã Yên Mông cũng gấp rút che chắn chuồng trại bảo vệ đàn lợn và gia cầm trong đợt rét đậm, rét hại sắp tới. Theo chia sẻ của chị Yến, nghe thông tin từ đài, báo, dịp Tết này sẽ có mưa, rét và khả năng xảy ra rét đậm, rét hại nên gia đình đã chủ động che chắn chuồng trại đảm bảo kín gió và chuẩn bị nguồn thức ăn tinh, thức ăn thô cho vật nuôi. "Trong chăn nuôi, ngoài đảm bảo tiêm phòng các loại dịch bệnh và vệ sinh sạch sẽ thì việc giữ chuồng trại ấm áp vào mùa rét và thông thoáng, mát mẻ khi trời nóng, cộng với thức ăn đảm bảo đủ chất là hết sức cần thiết để bảo vệ vật nuôi, tránh gây ra rủi ro”- chị Yến cho biết.
Trước diễn biến khó lường của thiên tai, để tránh thiệt hại cho sản xuất, BCH PCTT&TKCN tỉnh đã yêu cầu UBND các huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi vệ sinh, củng cố chuồng trại, che chắn giữ ấm, chủ động dự trữ thức ăn đảm bảo phòng chống đói, rét; sẵn sàng phương án di chuyển gia súc chăn thả tự do về chuồng nuôi nhốt; hướng dẫn áp dụng các biện pháp kỹ thuật phòng, chống rét cho vật nuôi, cây trồng kết hợp với kinh nghiệm của người dân địa phương…
Bên cạnh đó, BCH PCTT&TKCN tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chức năng và các địa phương tăng cường chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, rà soát các phương án ứng phó phù hợp, nhất là chuẩn bị phương tiện, vật tư như vải bạt, tấm lợp các loại và lực lượng xung kích tại cơ sở sẵn sàng huy động giúp dân khắc phục hậu quả nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả và đón Tết an toàn. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân kỹ năng ứng phó với rét đậm, rét hại, mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh như: Gia cố mái nhà dùng vật liệu dễ bị tốc, vỡ (proximăng, ngói); che chắn bảo vệ vật dụng trong nhà phù hợp với điều kiện cụ thể để giảm thiểu thiệt hại…
Bình Giang