Theo báo cáo tình hình triển khai CĐS quý I/2022, tính đến hết tháng 3, cả 22/22 bộ, ngành và 63/63 địa phương đã thành lập BCĐ CĐS; 17/22 bộ, ngành và 57/63 địa phương đã ban hành chương trình/kế hoạch/đề án CĐS giai đoạn 5 năm.
Tốc độ truy cập mạng băng rộng ở Việt Nam quý I/2022 được cải thiện so với cùng kỳ năm 2021, đặc biệt là chỉ số tải xuống ở mạng di động băng rộng tăng khoảng 26%, ở mạng cố định băng rộng tăng khoảng 44%. Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh là 70,91%; tỷ lệ hộ gia đình có điện thoại thông minh là 85,08%; tỷ lệ hộ gia đình có cáp quang băng rộng là 68,8%.
Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tích hợp với 3.552 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp truy cập thuận tiện (một cửa) đến dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước các cấp. Hệ thống hóa đơn điện tử được triển khai toàn quốc, trong quý I, cơ quan thuế đã tiếp nhận xử lý 77.732.636 hóa đơn điện tử.
Ước tính tổng doanh thu kinh tế số quý I khoảng 53 tỷ USD, đóng góp khoảng 10,2% GDP, trong đó kinh tế số nền tảng có tốc độ tăng trưởng 28%, đạt doanh thu 8 tỷ USD, còn lại là kinh tế số ICT và kinh tế số ngành, với tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình khoảng 15%…
Tại phiên họp, có 10 ý kiến thảo luận về những nhiệm vụ đã đạt được của các bộ, ngành, đồng thời đề xuất các kiến nghị, giải pháp thúc đẩy quá trình CĐS trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định CĐS quốc gia là một nhiệm vụ quan trọng, gắn với 3 trụ cột chính, đó là Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt ngày 10/10 hằng năm là Ngày CĐS quốc gia.
Khẳng định CĐS gắn với sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước, gắn với phục hồi kinh tế nhanh và phát triển bền vững trong giai đoạn hiện nay, Thủ tướng đề nghị trong thời gian tới, Ủy ban Quốc gia về CĐS cần tập trung vào các nội dung: Rà soát thể chế, tháo gỡ vướng mắc cũng như hoàn thiện thể chế phục vụ CĐS; đầu tư công nghệ, hạ tầng để phát triển CĐS, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin; huy động nguồn lực, trong đó thúc đẩy hợp tác công - tư, huy động sự đóng góp của người dân; có cơ chế, chính sách phù hợp với cơ chế chung nhưng cũng có những ưu tiên để tạo ra động lực phát triển nhanh CĐS; đổi mới quản trị theo hướng hiện đại để đáp ứng yêu cầu của quá trình CĐS; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm liên quan đến quá trình CĐS. Thủ tướng cũng yêu cầu đầu tư cho phát triển CĐS không dàn trải, tập trung đầu tư cho những vấn đề trọng tâm, trọng điểm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt hơn, phải thiết thực, hiệu quả, có tính lan tỏa, không chạy theo thành tích. Kịp thời động viên, khen thưởng và nhân rộng những mô hình tốt. Sau phiên họp, các bộ, ngành quyết liệt triển khai các nhiệm vụ theo kế hoạch năm 2022 trong quý II và các quý tiếp theo.
Đinh Thắng