(HBĐT) - Tình hình thiên tai năm 2022 có diễn biến dị thường, khó đoán định. Hiện chưa chính thức bước vào mùa mưa bão, song đã xảy ra những đợt mưa lớn diện rộng, kéo dài, gây thiệt hại về người, nhà cửa, sản xuất và các công trình. 

Trong khi đó, tổng hợp báo cáo của các địa phương, đơn vị, trên địa bàn tỉnh có nhiều điểm xung yếu về phòng, chống thiên tai (PCTT). Đặc biệt đối với đê điều, thủy lợi hiện có 7 vị trí đê xung yếu; 65 hồ chứa thủy lợi, 11 hồ chứa thủy điện có nguy cơ mất an toàn hoặc xả lũ ảnh hưởng lớn đến vùng hạ du, nhất là đối với các hồ đang thi công; 14 công trình chống úng, hạn; 11 công trình chống sạt lở, sụt lún đất...



Sở NN&PTNT đề nghị các địa phương, đơn vị xây dựng phương án đảm bảo an toàn đối với các công trình thủy lợi, nhất là những hồ, đập đang thi công. Ảnh chụp tại hồ chứa nước Cánh Tạng (Lạc Sơn).

Qua đợt kiểm tra của Sở NN&PTNT về công tác PCTT trước mùa mưa năm 2022 và báo cáo của các huyện, thành phố, Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Hòa Bình cho thấy, phần lớn các đập, hồ chứa nước trên địa bàn các huyện được đánh giá đảm bảo an toàn trước mùa mưa lũ năm nay. Tuy vậy, vẫn còn một số hồ chứa đang thi công, sửa chữa nhưng chậm tiến độ. Nhiều công trình bị hư hỏng, xuống cấp cần được tiếp tục sửa chữa, nâng cấp để đảm bảo an toàn, nhưng do điều kiện khó khăn về kinh phí nên chưa thực hiện được. Hàng năm, các đơn vị quản lý, khai thác phải gia cố nhằm đảm bảo an toàn cho công trình trong mùa mưa lũ. Điển hình như hồ Trù Bụa, xã Mỹ Hòa (Tân Lạc) sân sau tiêu năng đường tràn bị hư hỏng toàn bộ, nước cuốn trôi; đường công vụ lên hồ kết hợp đường dân sinh tiếp tục bị xói mòn, sạt lở đất không đảm bảo ổn định cho đường công vụ và đi lại của nhân dân, phía sau tràn dòng suối bị thu hẹp. Hồ Tày Măng, xã Tú Lý (Đà Bắc) mái thượng lưu bị bong tróc lớp đá lát khan; mặt đập chưa kiên cố gây xói lở mái hạ lưu, thấm mạnh thân đập, tuyến kênh sau tràn bị sạt lở, sụt sạt. Hồ Ngọc Lương 2, xã Ngọc Lương (Yên Thủy) phần thân đập có đoạn xung yếu dài khoảng 50 m, toàn tuyến đập lát bằng đá khan sụt lún, sô lệch; mùa mưa bão về có nguy cơ vỡ thân đập; phần đường tràn hiện xói lở chân, sụt lún và tuyến đê lái lũ sau tràn hư hỏng nặng, không đảm bảo an toàn...

Theo số liệu của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh đang có 168 hồ, đập, bai và công trình thủy lợi hư hỏng, trong đó có 116 hồ, đập chứa nước. Các hồ, đập bị hư hỏng ở các hạng mục thấm qua thân và nền đập, lún, nứt, sạt trượt mái dốc, xói lở thượng hạ lưu, hư hỏng, xói lở tràn hoặc tràn không đảm bảo khả năng thoát lũ, rò rỉ cống lấy nước… cần có kế hoạch sửa chữa trong thời gian tới với tổng kinh phí dự kiến 578.630 triệu đồng. Ngoài ra, có 52 bai, đập dâng và 49 công trình khác cần phải sửa chữa với tổng kinh phí dự kiến 2.288 triệu đồng. Bên cạnh đó, trong tỉnh đang triển khai 56 công trình khắc phục hư hỏng do thiên tai gây ra năm 2021, gồm: 5 công trình được hỗ trợ từ nguồn ngân sách T.Ư, 14 công trình từ nguồn Quỹ PCTT, 11 công trình từ nguồn hỗ trợ khắc phục thiên tai khác và các nguồn vốn hợp pháp; 26 công trình từ nguồn vốn WB.

Từ thực trạng trên, nhằm nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó thiên tai và đảm bảo an toàn công trình thủy lợi tại các cấp, Sở NN&PTNT đã đề nghị UBND các huyện, các Ban quản lý dự án, Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi, chỉ đạo khẩn trương lập phương án ứng phó thiên tai cho công trình và vùng hạ du đối với công trình đang thi công; lập phương án ứng phó thiên tai, ứng phó với tình huống khẩn cấp đối với các công trình hồ chứa đang hoạt động. Xác định các công trình có sự cố, hư hỏng trọng điểm, xây dựng phương án đảm bảo an toàn; phối hợp chặt chẽ để triển khai phương án, xây dựng quy chế phối hợp trong công tác đảm bảo an toàn công trình giữa địa phương với đơn vị quản lý công trình.

Theo đồng chí Trần Đức Thắng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, đối với các hồ, đập đang thi công, các địa phương, chủ đầu tư cần chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hạng mục chính đảm bảo cao trình chống lũ, đồng thời không tích nước hồ (khi không có phương án đảm bảo an toàn) và cắt xẻ đập. Trường hợp thi công trong mùa mưa, các đơn vị phải có biện pháp phù hợp đảm bảo tiến độ, an toàn và quản lý tốt chất lượng đắp đập. Tuyệt đối không đắp đập vào những ngày mưa và đắp đất ướt vượt quá độ ẩm cho phép; phối hợp với chủ quản lý công trình đảm bảo phục vụ nước tưới cho các diện tích canh tác của người dân.

Đối với các công trình hồ, đập đang thi công cần tập trung nhân lực, vật lực đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm hoàn thành thi công vượt lũ, chống lũ an toàn... Những công trình đã hoàn thành hạng mục đập đất, cống lấy nước, trong quá trình tích nước, đơn vị quản lý, chủ đầu tư phải thường xuyên theo dõi, nếu phát hiện thấy hiện tượng bất thường cần báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, đánh giá mức độ an toàn.

Sở NN&PTNT cũng đề nghị UBND các huyện, thành phố, Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi khẩn trương kiểm tra, rà soát xử lý các hành vi vi phạm, đặc biệt với các công trình hồ chứa nước, đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm quy định về phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Thường xuyên kiểm tra, phát dọn, xử lý tổ mối trên thân đê, đập và duy tu, sửa chữa các hạng mục máy móc thiết bị, van điều tiết, vị trí sạt lở... để thuận lợi cho công tác kiểm tra, đánh giá an toàn đập, hạn chế phát sinh các hư hỏng lớn từ những hư hỏng nhỏ.

Bình Giang

Các tin khác


Huyện Yên Thủy: Ước tổng thiệt hại do mưa lũ 710 triệu đồng

(HBĐT) - Từ ngày 21 - 24/5, trên địa bàn huyện Yên Thuỷ đã có mưa to đến rất to, lượng mưa đo được tại xã Đoàn Kết 107,4mm, xã Yên trị 118mm, xã Lạc Lương 57mm. Do mưa lớn kéo dài nên một số khu vực đã bị ngập như: Xóm Ba Cầu, xã Ngọc Lương; xóm Yên Bình, Nam Bình, xã Đoàn Kết.

Huyện Kim Bôi: Sẵn sàng phương án ứng phó với các loại hình thiên tai

(HBĐT) - Ngày 7/3 vừa qua, tại huyện Kim Bôi xảy ra dông lốc và mưa đá, gây thiệt hại về tài sản, hoa màu của người dân. Theo thống kê, toàn huyện có 142 nhà tốc mái, 1 nhà bị sập; 50 m2 tường bị đổ và một số hộ bị tốc vách nhà sàn, tập trung chủ yếu ở địa bàn 2 xã Đú Sáng, Tú Sơn. Ngoài ra, khoảng trên 50 ha cây lâm nghiệp và hoa màu bị thiệt hại từ 50 - 70%; 16 cột điện bị gãy đổ.

Xử lý nhanh sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt

(HBĐT) - Thời tiết đang diễn biến phức tạp, khó lường, cơ quan khí tượng cảnh báo lũ quét, trượt sạt tại nhiều khu vực như Đà Bắc, Mai Châu, Lương Sơn, Tân Lạc, Cao Phong, TP Hoà Bình… nguy cơ cao xảy ra trượt sạt, ngập úng, ách tắc giao thông.

Mưa to kéo dài gây thiệt hại nặng nề về người, sản xuất và tài sản

(HBĐT) - Do ảnh hưởng rãnh áp thấp, từ ngày 21 - 24/5, các địa phương trong tỉnh có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa lớn nhất đạt 348,4 mm tại xã An Bình (Lạc Thủy). Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh, mưa lớn đã gây thiệt hại trên địa bàn 8/10 huyện, thành phố là Lương Sơn, Mai Châu, Tân Lạc, Kim Bôi, Lạc Thủy, Yên Thủy, Lạc Sơn và TP Hòa Bình.

Hội thảo “Khu công nghiệp Lương Sơn hướng đến phát triển năng lượng điện mặt trời mái nhà, góp phần giảm phát thải, bảo vệ môi trường”

(HBĐT) - Ngày 24/5, tại huyện Lương Sơn, Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh, Công ty TNHH Đầu tư Năng lượng thông minh Đức Anh (Đức Anh Energy) và Công ty CP bất động sản An Thịnh Hoà Bình đồng chủ trì hội thảo "KCN Lương Sơn hướng đến phát triển năng lượng điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN), góp phần giảm thải, bảo vệ môi trường (BVMT). Tham gia tại hội thảo có đại diện các đơn vị Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam, Điện lực huyện Lương Sơn, các đối tác trong và ngoài nước cùng đại diện 17 doanh nghiệp KCN huyện Lương Sơn.

“Siết” nợ thuế doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản

(HBĐT) - Thời gian qua, việc chấp hành quy định pháp luật của các doanh nghiệp (DN) có hoạt động khai thác khoáng sản (KTKS) còn hạn chế, phần lớn các DN lỗ nhiều năm, trong khi đó vẫn hoạt động khá rầm rộ, nợ thuế cao. Cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý thuế trong lĩnh vực KTKS.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục