Xóa bỏ tập quán canh tác nương rẫy, áp dụng KHCN tiên tiến và nâng cao hiệu quả kinh tế trồng rừng là một giải pháp để ứng phó với BĐKH. Ảnh chụp tại xã Văn Sơn (Lạc Sơn).
Làm việc với đoàn công tác, lãnh đạo UBND tỉnh đã nhấn mạnh, Hòa Bình là tỉnh miền núi có địa hình đồi núi cao, chia cắt phức tạp với độ dốc lớn. Những năm qua, các biểu hiện của BĐKH ngày càng rõ nét, như: Nhiệt độ trung bình tăng, lượng mưa tăng, các hiện tượng cực đoan gia tăng về tần suất và cường độ, có những thay đổi khó lường trước, không theo quy luật; hiện tượng rét đậm, rét hại có năm nhiệt độ xuống rất thấp gây băng tuyết tại nhiều xã thuộc các huyện trong tỉnh; nắng nóng thất thường có thể xuất hiện ngay trong mùa đông, mùa xuân; mưa lớn kéo dài gây lũ lịch sử, sạt lở đất diễn ra thường xuyên rất nghiêm trọng. Đặc biệt, những năm trở lại đây, Hòa Bình là một trong những tỉnh thường xuyên bị thiệt hại nặng nề do thiên tai gây ra. Điển hình như năm 2017, toàn tỉnh có 42 người chết và mất tích, trên 6,2 nghìn nhà cửa bị hư hỏng với tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trên 2,8 nghìn tỷ đồng. Năm 2018, gần 2 nghìn ngôi nhà bị hư hỏng, 2 người chết, 5 người bị thương do thiên tai với thiệt hại trên 1,4 nghìn tỷ đồng. Những con số đó cho thấy, các tác động của BĐKH gây ảnh hưởng rất lớn tới phát triển KT-XH của tỉnh, đe dọa đến tính mạng, tài sản, tinh thần của người dân, đặc biệt tại các vùng nguy cơ cao chịu tác động của thiên tai, đe dọa sự phát triển bền vững của tỉnh trong tương lai. Đứng trước những thách thức to lớn của BĐKH, việc thích ứng và giảm nhẹ những thiệt hại do BĐKH gây ra đã và đang trở thành những nhiệm vụ chiến lược của tỉnh trong quá trình xây dựng và phát triển KT-XH.
Những năm qua, HĐND, UBND tỉnh đã chủ động, ban hành kịp thời các văn bản thuộc thẩm quyền (gồm: 4 nghị quyết, 1 quyết định của HĐND tỉnh; 27 quyết định của UBND tỉnh, 4 kế hoạch của UBND tỉnh) nhằm triển khai và cụ thể hóa các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương về ứng phó với BĐKH. Việc ban hành các văn bản bảo đảm tính đồng bộ với các văn bản của Trung ương và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Các chương trình, dự án về ứng phó với BĐKH được đưa vào nghị quyết của HĐND tỉnh để bảo đảm cơ sở pháp lý thực thi cao, chủ động về nguồn lực cho triển khai thực hiện. Trên cơ sở nghị quyết của HĐND tỉnh, UBND tỉnh cũng ban hành các quyết định phù hợp, kịp thời nhằm bảo đảm tiến độ thực hiện các chương trình, dự án về ứng phó với BĐKH.
Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định, phát triển xanh - xanh hơn nữa là quan điểm xuyên suốt, bao trùm trên tất cả các lĩnh vực trong những năm tới. Để đạt được mục tiêu đó, trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh luôn chú trọng việc lồng ghép mục tiêu ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (BVMT). Theo đó, tỉnh đã triển khai xây dựng Kế hoạch triển khai Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Trong đó, chú trọng đến các giải pháp nhằm hạn chế, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về BVMT. Đảm bảo phát triển KT-XH gắn với BVMT theo hướng phát triển bền vững; nâng cao năng lực thích nghi và ứng phó với BĐKH; tăng cường năng lực giám sát và thông tin về chất lượng môi trường. Ngăn ngừa, hạn chế và khắc phục cơ bản những vấn đề ô nhiễm môi trường, giảm thiểu suy thoái tài tài nguyên, từng bước cải thiện chất lượng môi trường.
Viết Đào
(HBĐT) - Ban chỉ huy Phòng chống thiên tại và tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT&TKCN) tỉnh ban hành Công điện số 121/CĐ-BCH, ngày 24/8/2022 về việc chủ động ứng phó với diễn biến của bão số 3 và mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất, giảm thiệt hại về người và tài sản.