(HBĐT) - Những năm trở lại đây, xã Bình Sơn (Kim Bôi) không để xảy ra các vụ tai nạn đáng tiếc trong mùa mưa bão. Tuy nhiên, không lơ là, chủ quan trước diễn biến thời tiết phức tạp, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) xã chủ động, quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng, giảm thiểu thiệt hại tài sản của Nhà nước, nhân dân.




Ngầm tràn trên tuyến đường vào xóm Hang Lờm, xã Bình Sơn (Kim Bôi) có dấu hiệu xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn  trong mùa mưa bão.

Từ trung tâm xã, chúng tôi phải vượt qua 7 ngầm tràn mới đến được xóm Hang Lờm. Đây là tuyến đường độc đạo dẫn vào xóm. Các ngầm tràn được thiết kế, thi công đảm bảo thoát nước tốt. Song, vào thời điểm mưa to kéo dài, nước lũ từ thượng nguồn đổ về tràn qua bề mặt ngầm, dòng nước chảy xiết tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đối với người và phương tiện qua lại. Ông Triệu Văn Xuân, Trưởng xóm Hang Lờm trăn trở: Xóm có 68 hộ, trong đó gần 10 hộ sinh sống ở những khu vực đường giao thông không thuận tiện, cứ mưa to là bị cô lập. Khi nước lũ đổ về, xóm phải phân công người túc trực ở những điểm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, tuyệt đối không cho người và phương tiện lưu thông. Thời điểm nước lũ dâng cao, chảy xiết, nông sản không thể vận chuyển đến thị trường tiêu thụ, học sinh buộc phải nghỉ học”.

Cùng với nguy cơ mất an toàn trên tuyến đường dẫn vào xóm Hang Lờm, ngầm tràn bắc qua suối Khăm được đánh giá đặc biệt nguy hiểm vào mùa mưa bão khi nằm trên tuyến đường Trường Sơn A, hàng ngày có đông lưu lượng phương tiện giao thông, người dân trên địa bàn và các vùng lân cận di chuyển qua ngầm. Những năm trước khi ngầm chưa được nâng cấp, tu sửa thì thường xuyên xảy ra tình trạng nước lũ tràn qua mặt ngầm gây mất an toàn.

Toàn xã Bình Sơn có 675 hộ, 3.000 nhân khẩu sinh sống tại 4 xóm. Địa hình phức tạp, có 5 con suối lớn, nhỏ chia cắt địa bàn dân cư. Từ nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước đã xây dựng hệ thống đường giao thông thuận tiện, 13 cầu, ngầm tràn bắc qua suối đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa ,thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương. Tuy vậy, vào mùa mưa bão, nếu mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày sẽ gây ngập úng cục bộ, nước lũ tràn qua mặt ngầm khiến người và phương tiện không thể lưu thông.

Xác định những khó khăn, thách thức đặt ra trong công tác PCTT&TKCN, từ đầu tháng 4/2023, cấp ủy, chính quyền xã đã kiện toàn Ban chỉ huy PCTT&TKCN đảm bảo đầy đủ các lực lượng với 20 thành viên. Tổ chức họp bàn, xây dựng, ban hành kế hoạch cụ thể, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên. Thành lập các tổ kiểm tra, rà soát khu vực xung yếu tiềm ẩn nguy cơ cao để có phương án xử lý kịp thời. Chủ động làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong phòng, chống thiên tai. Khi xảy ra mưa lớn kéo dài, Ban chỉ huy PCTT&TKCN xã chỉ đạo các thành viên bám địa bàn, túc trực tại điểm ngầm có nguy cơ ngập úng. Lập hàng rào chắn, tuyệt đối không cho người và phương tiện lưu thông khi nước lũ đổ về. Duy trì trực 24/24 giờ để kịp thời xử lý sự cố bất ngờ. Sau các đợt thiên tai, xã nhanh chóng đánh giá, ghi nhận tình hình thực tế tại cơ sở, đồng thời huy động nhân lực, vật lực tại chỗ để khắc phục hậu quả.

Đồng chí Bùi Đình Luận, Chủ tịch UBND xã Bình Sơn cho biết: Các đợt mưa từ đầu mùa mưa đến nay chưa gây thiệt hại lớn, không ảnh hưởng đến việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của Nhân dân. Với tinh thần không lơ là, chủ quan trước tình hình thiên tai phức tạp, Ban chỉ huy PCTT&TKCN xã tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm chủ động ứng phó với các đợt mưa lớn kéo dài. Mong muốn cấp trên quan tâm, hỗ trợ kinh phí sửa chữa, gia cố các công trình giao thông, thủy lợi trên địa bàn. Qua đó đảm bảo an toàn tuyệt đối, giảm thiểu tối đa thiệt hại về tài sản, nhanh chóng ổn định và khắc phục hậu quả sau thiên tai.

Đức Anh

Các tin khác


Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng

Sở NN&PTNT vừa có Công văn số 1036/SNN-KL về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) gửi UBND các huyện, thành phố.

Thời tiết ngày 30/4: Cả nước nắng nóng, có nơi trên 42 độ C

Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, ngày 30/4 (ngày thứ 4 của kỳ nghỉ lễ), nắng nóng gay gắt vẫn là thời tiết chủ đạo ở cả 3 miền, nhiệt độ cao nhất có nơi trên 42 độ C.

Khơi dậy sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao

Tính đến nay, toàn tỉnh có 28 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao, riêng năm 2023 có 2 xã được công nhận NTM nâng cao. Để đạt được kết quả này là nhờ sự nỗ lực, đoàn kết, chung sức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Ngày 30/4, dự báo tỉnh Hòa Bình tiếp tục nắng nóng gay gắt

Theo Đài Khí tượng thủy văn Hòa Bình, hôm nay (29/4), tỉnh Hòa Bình tiếp tục nắng nóng và nắng nóng gay gắt diện rộng. Nhiệt độ cao nhất tuyệt đối ngày từ 37,3 - 41 độ C. Độ ẩm tương đối thấp nhất ngày phổ biến từ 44 - 61%.

Khuyến cáo sử dụng điện an toàn, tiết kiệm mùa nắng nóng

Trong dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5, tình hình thời tiết trên cả nước nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng nắng nóng đặc biệt gay gắt, nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 39 - 40 độ C, có nơi trên 42 độ C. Độ ẩm tương đối thấp, phổ biến từ 20 - 35%, thời gian nắng nóng từ 9 -18h. Nắng nóng kéo dài khiến tiêu thụ điện trong sinh hoạt tăng rất cao. Điều này cũng dẫn đến nguy cơ cao xảy ra sự cố lưới điện cục bộ do phải vận hành đầy tải, quá tải ở nhiều thời điểm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục