Đầu năm, việc vận chuyển động vật, các sản phẩm động vật gia tăng mạnh để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán nên tiềm ẩn nguy cơ xảy ra dịch bệnh. Bên cạnh đó, diễn biến thời tiết bất lợi cũng là điều kiện khiến mầm bệnh có thể phát triển, lây lan.
Chăn nuôi lợn đen bản địa, thời gian vừa qua, gia đình bà Bùi Thị Phiền, xóm Rên, xã Gia Mô (Tân Lạc) tâm trạng luôn thấp thỏm. Bởi thời điểm giáp Tết Nguyên đán việc tiêu thụ lợn thường thuận lợi và được giá nhất trong năm. Thế nhưng dịch tả lợn châu Phi vẫn âm ỉ khiến bà Phiền lo lắng, khi trên địa bàn đã xuất hiện tình trạng lợn chết. Gia đình bà tăng cường phun tiêu độc khử trùng, rắc vôi bột xung quanh chuồng trại. Ngoài ra, dùng bạt che chắn quanh chuồng nuôi và rải thêm rơm, quần áo cũ để giữ ấm cho lợn khi nhiệt độ xuống thấp. "Thời điểm này thời tiết khá lạnh, nhất là vào ban đêm và sáng sớm. Gia đình tôi đã che chắn chuồng để giữ ấm cho lợn và cũng là phòng các loại bệnh nguy hiểm”, bà Phiền chia sẻ.
Tại huyện Mai Châu, cơ quan chuyên môn và các cấp chính quyền đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo người chăn nuôi tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Xóm Nà Piềng, xã Nà Phòn cũng như nhiều xóm khác chăn nuôi vẫn là nghề đem lại thu nhập chính cho bà con. Ông Khà Văn Dân, Bí thư Chi bộ xóm Nà Piềng cho biết: Bên cạnh một số hộ dân nuôi nhốt vẫn còn nhiều hộ chăn thả, bán chăn thả trâu, bò. Xóm đã tuyên truyền bà con nuôi nhốt trâu, bò khi nhiệt độ xuống dưới 120C. Đồng thời thực hiện tốt việc tiêm phòng cho đàn vật nuôi. Ngoài ra, tăng cường diệt ruồi, muỗi, ve, mòng để phòng ngừa dịch bệnh viêm da nổi cục.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, năm 2024, tình hình dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp. Trong đó, dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 42 xã, phường, thị trấn của 8 huyện, thành phố, tổng số tiêu hủy 4.078 con lợn; bệnh lở mồm long móng xảy ra 12 ổ dịch tại 4 huyện, tổng số gia súc mắc bệnh 219 con, chết 14 con; bệnh viêm da nổi cục xuất hiện tại 8 xã, thị trấn của huyện Mai Châu, tổng số trâu, bò mắc bệnh 47 con. Đặc biệt, trong năm 2024 ghi nhận 3 trường hợp người tử vong do bệnh dại, 6.285 trường hợp người bị chó, mèo cắn phải đi tiêm phòng phơi nhiễm với bệnh dại.
Đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Diễn biến thời tiết thay đổi bất lợi, tạo điều kiện cho các loại mầm bệnh phát triển, lây lan và gây bệnh. Bên cạnh đó, việc vận chuyển, giết mổ động vật, các sản phẩm động vật gia tăng mạnh để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán và các lễ hội đầu năm 2025. Điều này tiềm ẩn nguy cơ có thể xảy ra dịch bệnh trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Công văn số 56/SNN-CNTY về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ.
Theo đó, các địa phương cần tăng cường thông tin, tuyên truyền về tính chất nguy hiểm, tác hại của dịch bệnh động vật và các biện pháp phòng, chống. Rà soát, tổ chức thực hiện tốt công tác tiêm phòng, tiêm phòng bổ sung cho đàn vật nuôi, nhất là tại các khu vực có ổ dịch cũ, địa bàn có nguy cơ cao, cơ sở có tỷ lệ tiêm phòng thấp. Bên cạnh đó, chủ động triển khai giám sát dịch bệnh trên đàn vật nuôi để phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới phát sinh. Ngoài ra, tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển, kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật.
Viết Đào