Hàng năm, tỉnh Hoà Bình thường chịu thiệt hại nặng nề về sản xuất, tài sản, công trình, cơ sở hạ tầng, thậm chí là tính mạng con người do thiên tai gây ra. Theo đánh giá, trong khoảng 10 năm gần đây trên địa bàn tỉnh phải hứng chịu nhiều loại hình thiên tai nguy hiểm, có sức tàn phá lớn như: sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, giông lốc, mưa lớn kéo dài, mưa đá, gió giật mạnh, rét đậm, rét hại, nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt đã ảnh hưởng lớn đến đời sống, phát triển kinh tế.
ính riêng trong năm 2024, thiệt hại do thiên tai đối với toàn tỉnh là trên 1.480 tỷ đồng. Và ngay trong tháng Tư này, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận thiệt hại về nhà cửa, sản xuất nông, lâm nghiệp do giông lốc gây nên.
Qua kiểm tra, rà soát của ngành Nông nghiệp và Môi trường, toàn tỉnh hiện có trên 230 điểm với hơn 5 nghìn hộ nằm trong vùng có nguy cơ thiên tai cao cần có phương án bố trí, sắp xếp ổn định dân cư. Mùa mưa bão sắp đến. Cơ quan chức năng nhận định, năm nay dự báo lượng mưa có thể lớn hơn mức
trung bình nhiều năm và đến sớm. Trên địa bàn tỉnh Hoà Bình sẽ xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan, nguy hiểm. Do vậy, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong phòng, chống thiên tai (PCTT). Điều này càng cần thiết hơn trong bối cảnh tỉnh và các địa phương đang gấp rút thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tiến hành các bước sáp nhập cấp tỉnh, cấp xã và thực hiện chính quyền địa phương hai cấp. Việc ảnh hưởng đến công việc, tư tưởng của một bộ phận cán bộ, nhân dân là không thể tránh khỏi.
Thực tế cho thấy, những năm qua, các cấp uỷ đảng, chính quyền, các ngành trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và đạt được những kết quả quan trọng. Tuy vậy, tỉnh đánh giá vẫn còn một số hạn chế, yếu kém, đó là: Lực lượng PCTT còn mỏng và yếu. Xây dựng, triển khai kế hoạch tại một số địa phương chậm, đôn đốc chưa quyết liệt. Năng lực dự báo, cảnh báo, giám sát thiên tai đã được quan tâm, nhưng nguồn lực của tỉnh hạn hẹp, địa hình có độ dốc phức tạp, do đó hệ thống cảnh báo, giám sát vẫn còn hạn chế. Kinh phí PCTT hạn hẹp, nhiều công trình PCTT thiếu nguồn vốn để thực hiện nên chưa đáp ứng yêu cầu...
Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Kết luận số 1114-KL/TU về sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đẩy mạnh công tác quán triệt, nghiên cứu, học tập, tuyên truyền và phổ biến các nghị quyết, chỉ thị... của Đảng, Nhà nước, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các bộ, ngành Trung ương, của tỉnh về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Trên cơ sở chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn để cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ và giải pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai vào thực tiễn địa phương, cơ quan, đơn vị, tạo sự thống nhất, phù hợp, khả thi, thuận lợi, đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện. Xây dựng quy chế phối hợp giữa các đơn vị, địa phương có liên quan trong công tác PCTT và giữa các địa phương với các đơn vị chủ quản công trình PCTT, công trình ảnh hưởng khi thiên tai xảy ra trên địa bàn. Điều chỉnh, lồng ghép nội dung phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch, phát triển của các ngành, địa phương theo hướng kết hợp đa mục tiêu, hạn chế tối đa việc gia tăng rủi ro thiên tai, thích ứng với đặc điểm của địa phương, khu vực đông dân cư và xu hướng biến đổi khí hậu.
Tiếp tục đầu tư cho việc áp dụng các hệ thống dự báo khí tượng thủy văn, hệ thống theo dõi, giám sát thiên tai chuyên dùng, hệ thống theo dõi, cảnh báo sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại các khu vực có nguy cơ cao. Đẩy mạnh cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu, ban hành các kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, dự báo dài hạn về thiên tai, nguồn nước. Sử dụng hiệu quả các hệ thống cảnh báo, dự báo hiện có; tăng cường công tác cảnh báo, dự báo thiên tai sát với thực tế.
Bố trí nguồn chi ngân sách địa phương thích hợp để khắc phục nhanh hậu quả thiên tai; sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của Trung ương và các tổ chức nước ngoài để thực hiện quy hoạch, kế hoạch, chương trình tổng thể, dự án phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Tăng cường nguồn lực đầu tư cho hạ tầng PCTT, đặc biệt cho các công trình khắc phục cấp bách. Duy trì, nâng cao hoạt động của cơ quan PCTT các cấp theo hướng chuyên trách, trên cơ sở sắp xếp lại tổ chức bộ máy hiện có, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, có năng lực, trình độ, kỹ năng nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, khắc phục tình trạng lực lượng làm công tác PCTT thiếu và yếu…
Xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đội xung kích PCTT cấp xã, thường xuyên tập huấn nâng cao nghiệp vụ, năng lực ứng phó, khắc phục thiên tai cho đội viên đội xung kích PCTT. Tổ chức các cuộc diễn tập PCTT phù hợp với điều kiện địa phương, sát với thực tế nhằm nâng cao khả năng phối hợp và khả năng sẵn sàng của các lực lượng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, đặc biệt là việc quản lý, sử dụng nguồn lực, trang thiết bị PCTT, lấn chiếm, xâm phạm hành lang bảo vệ đê điều, công trình hồ đập để đảm bảo an toàn, giảm thiểu rủi ro thiên tai…
Bình Giang