Từ ngày 3-6, một nhóm “phi hành gia” 6 người tình nguyện sẽ tham gia thử nghiệm Mars500 trong 520 ngày, mô phỏng chuyến bay đến sao Hỏa và trở về trái đất.

  • Chuyến bay mô phỏng
 Nhóm “phi hành gia” tham gia thử nghiệm Mars500. Ảnh: REUTERS

Nhóm gồm 3 người Nga, một người Ý gốc Colombia, một người Pháp và một người Trung Quốc sẽ bị cô lập trong một năm rưỡi (đến cuối tháng 11-2011) bên trong mô đun tàu không gian rộng 180m2 ở ngoại ô thủ đô Moscow (Nga) để mô phỏng sứ mệnh lên sao Hỏa. Tại cuộc họp báo ở Moscow hôm 18-5, nhóm nói họ đã sẵn sàng đối mặt với thử thách này. Trưởng nhóm Mikhail Sinelnikov, người Nga, cho biết: “Chúng tôi là những người tiên phong. Điều này rất thú vị nhưng mang một trách nhiệm nhất định. Chúng tôi sẽ làm tất cả để sứ mệnh thành công”.

Người trẻ nhất trong nhóm là Wang Yue, 27 tuổi, người Trung Quốc. Anh là thành viên duy nhất của nhóm đã được đào tạo làm phi hành gia chuyên nghiệp. Wang nói: “Chinh phục không gian là sự nghiệp khó khăn và cần có sự hợp tác quốc tế. Do đó, tôi may mắn được tham gia nhóm này”.

Dự án đầy tham vọng này lần đầu tiên mô phỏng một chuyến bay hoàn chỉnh lên sao Hỏa, nhằm thử nghiệm một trong những ẩn số lớn nhất của sứ mệnh có người lên Hành tinh Đỏ: các tác động tâm lý và thể chất với con người.

Thử nghiệm mô phỏng chính xác quá trình lên sao Hỏa: 250 ngày bay đến sao Hỏa, 30 ngày ở lại trên bề mặt Hành tinh Đỏ và 240 ngày trở về trái đất. Các “phi hành gia” phải trải qua tổng cộng 520 ngày bị cô lập khỏi thế giới trong một mô hình tàu vũ trụ. Thử nghiệm được tính toán chi tiết từng phút. Liên lạc của nhóm Mars500 với trái đất sẽ bị chậm trễ 40 phút, như trong một sứ mệnh lên sao Hỏa thực sự và thường bị gián đoạn để mô phỏng thực tế. Họ phải tự xoay xở nếu có vấn đề, sẽ sống và làm việc như các phi hành gia trên Trạm Không gian quốc tế (ISS), tiến hành các thí nghiệm khoa học và tập thể dục hàng ngày. Sau 250 ngày, nhóm họ sẽ được chia làm 2, với 3 người “đổ bộ bề mặt sao Hỏa”, trong khi 3 người còn lại ở trong tàu vũ trụ bay trên “quỹ đạo” trong một tháng.

  • Chuẩn bị cho chuyến bay sau năm 2030
Bên trong mô đun thử nghiệm Mars500. Ảnh: REUTERS

Thành viên nhóm Romain Charles, 31 tuổi, người Pháp, cho biết để ngăn chặn sự nhàm chán và thay đổi thói quen, nhóm chỉ có thể trông dựa vào nhau: “Sẽ rất khó khăn. Một năm rưỡi là thời gian rất dài, nhưng chúng tôi đang xây dựng đội ngũ để giúp đỡ người nào suy sụp”. Charles nói thêm, “phi hành đoàn” sẽ chỉ được tắm mười ngày một lần. Yue cũng nói anh sẽ hướng dẫn các đồng đội môn võ Thái cực quyền để giúp họ vượt qua những căng thẳng về thể chất và tinh thần do bị cô lập trong thời gian dài. Sứ mệnh Mars500 diễn ra sau một thử nghiệm tương tự tại Viện Các vấn đề y sinh (IBMP) của Nga vào năm ngoái với 6 người tình nguyện gồm 4 người Nga, một người Đức và một người Pháp đã sống 105 ngày trong một mô đun tàu vũ trụ, hoàn tất thành công thử nghiệm mô phỏng chuyến bay đến sao Hỏa.

Dự án là sự hợp tác giữa IBMP với Cơ quan Không gian châu Âu (ESA), nỗ lực “mô phỏng một sứ mệnh hoàn chỉnh đến sao Hỏa và quay về, chính xác như có thể mà không thực sự bay lên đó”.
Tất nhiên, không thể mô phỏng tất cả khía cạnh của một sứ mệnh không gian thực sự, chẳng hạn vi trọng lực, bức xạ ion hóa... như Giám đốc dự án Boris Morukov thừa nhận. Tuy nhiên, “phi hành đoàn” sẽ có những trải nghiệm như tình trạng không trọng lực, vốn có thể gây hiệu ứng suy nhược lâu dài, làm thoái hóa cơ và mô xương – tình trạng thể chất mà các phi hành gia phải đối mặt khi rời khỏi mô đun huấn luyện. Các phi hành gia sẽ được giám sát chặt chẽ, các thông số tâm lý và sinh lý của họ sẽ được ghi lại trong suốt hành trình.

Một chuyến bay thực sự tới sao Hỏa sẽ không có trước năm 2030 - theo Rene Pischel, người đứng đầu sứ mệnh ESA này. Pischel cho biết: “Một sứ mệnh đến sao Hỏa không phải là vấn đề kỹ thuật lớn hiện nay. Thách thức lớn nhất là chi phí. Để chi một số tiền quá lớn cần phải có một lý do thực sự thuyết phục. Đó là lý do dự án này rất quan trọng trong việc thuyết phục mọi người rằng nó có thể thực hiện an toàn”.

 

                                                                                    Theo SGGP

Các tin khác


Sét đánh cháy rừng ở xã Đú Sáng, huyện Kim Bôi

Trận mưa đá tối 20/4 đã gây cháy rừng tại khu đồi Cằn Kẻo, xã Đú Sáng, huyện Kim Bôi.

Hà Nội, Hòa Bình xuất hiện mưa đá

Nhiều quận huyện ở Hà Nội và Hòa Bình xuất hiện mưa giông lớn kèm mưa đá, hạt đá to bằng đầu ngón tay, nhanh chóng tan khi tiếp đất.

Thời tiết ngày 20/4: Nắng nóng nhiều nơi trên cả nước, mưa dông vào chiều tối

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 20/4, Tây Bắc Bắc Bộ, từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt, với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-38 độ C, có nơi trên 39 độ C; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến từ 35-40%.

Xuất hiện mưa đá tại các huyện miền núi cao của Quảng Nam

Chiều 18/4, dông lốc kèm theo mưa đá xuất hiện tại xã Trà Mai - Trung tâm hành chính huyện Nam Trà My. Trận mưa bắt đầu từ khoảng 14 giờ 30 phút.

Thời tiết ngày 19/4: Nắng nóng nhiều nơi trên cả nước

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 19/4, nhiều vùng trên cả nước đều có nắng nóng, riêng miền Trung có nơi đặc biệt gay gắt; chiều tối khả năng có mưa rào và giông vài nơi.

Khẩn trương tìm kiếm hai người mất tích do lật thuyền ở Sìn Hồ, Lai Châu

Ngày 18/4, ông Vũ Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ (Lai Châu) cho biết, chiều tối 17/4, trên địa bàn huyện có mưa lớn kèm gió lốc đã khiến hai người bị mất tích do lật thuyền tại vùng ngập thủy điện Sơn La, thuộc địa phận xã Nậm Mạ. Mưa lốc cũng gây nhiều thiệt hại về nhà ở, tài sản của nhà nước và nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục