(HBĐT) - Theo Luật Hòa giải ở cơ sở, một cuộc hòa giải thông thường trải qua 2 giai đoạn (chuẩn bị hòa giải, tiến hành hòa giải) với những bước cơ bản sau:

I. Giai đoạn 1: Chuẩn bị hòa giải.

- Hòa giải viên (HGV) phải tìm hiểu nội dung vụ việc, nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp, lợi ích mà mỗi bên hướng tới, HGV cần gặp gỡ, trao đổi với từng bên tranh chấp, đề nghị được cung cấp tài liệu, bằng chứng liên quan đến vụ việc và xem xét cụ thể các tài liệu, bằng chứng đó.

- HGV phải tìm hiểu các quy định pháp luật điều chỉnh trực tiếp mối quan hệ giữa các bên mâu thuẫn, tranh chấp, phải trả lời được các câu hỏi: Ai sai, ai đúng, sai đến đâu và đúng ở mức độ nào, pháp luật quy định về vấn đề này như thế nào, vấn đề này sẽ giải quyết như thế nào theo quy định pháp luật. Trong trường hợp cần thiết, HGV có thể đưa vụ việc ra trao đổi, thảo luận trong tổ hòa giải để tìm ra các quy định pháp luật thích hợp áp dụng cho giải quyết vụ việc, hoặc tham khảo ý kiến của những người có trình độ pháp lý (như công chức tư pháp cấp xã, luật gia, luật sư, thẩm phán, hội thẩm nhân dân, kiểm sát viên…).

- HGV cần thống nhất với các bên mâu thuẫn, tranh chấp về thời gian, địa điểm thực hiện hòa giải, thành phần tham dự hòa giải, việc hòa giải tiến hành công khai hay không công khai.

Thời gian thực hiện các công việc trên là 3 ngày kể từ ngày được phân công hòa giải (khoản 2, Điều 20, Luật Hòa giải ở cơ sở).

II. Giai đoạn 2: Tiến hành hòa giải.

1. Địa điểm, thời gian thực hiện hòa giải:

Địa điểm và thời gian thực hiện buổi hòa giải do HGV thống nhất trước đó với các bên mâu thuẫn, tranh chấp. Địa điểm có thể là nhà riêng của một bên, nhà riêng của HGV, nhà văn hóa hay địa điểm khác mà các bên đề xuất cho cảm giác dễ chịu, thoải mái.

2. Thành phần tham dự buổi hòa giải:

Thành phần tham dự buổi hòa giải gồm những người sau: HGV (chủ trì buổi hòa giải); các bên mâu thuẫn, tranh chấp; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

HGV hoặc các bên có thể mời người khác tham gia hòa giải. Việc mời người khác tham gia hòa giải phải được sự đồng ý của các bên mâu thuẫn, tranh chấp. Người được mời có thể là người có uy tín trong dòng họ, ở nơi sinh sống, nơi làm việc; người có trình độ pháp lý, kiến thức xã hội; già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo, người biết rõ vụ việc; đại diện cơ quan, tổ chức hoặc người có uy tín khác.

3. Trình tự buổi hòa giải:

Bước 1. Mở đầu buổi hòa giải:

- HGV chủ trì buổi hòa giải nêu lý do, mục đích, ý nghĩa của buổi hòa giải; thống nhất với các bên về một số quy ước, cách làm tại buổi hòa giải.

- HGV nên tạo ra không khí thân mật, cởi mở và chân thành, không áp đặt ý chí của HGV đối với các bên tranh chấp, không thiên vị hay bênh vực bên nào.

Bước 2. Các bên trình bày nội dung vụ việc:

HGV mời từng bên trình bày sự việc. Sau khi trình bày xong, các bên có quyền bổ sung ý kiến, đưa ra luận cứ, quan điểm của mình. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan phát biểu quan điểm của họ về vấn đề đang tranh chấp, mâu thuẫn.

Lưu ý đây là phần dễ dẫn đến xung đột, đổ lỗi cho nhau giữa các bên tranh chấp, vì vậy HGV phải là người điều hành, tránh tình trạng các bên căng thẳng, đối đầu nhau; HGV đề nghị ai nói trước, ai nói sau; có biện pháp ngắt lời người đang lấn át khi cần thiết.

Bước 3. Phân tích vụ việc, dẫn chiếu các quy định pháp luật, trao đổi phương án giải quyết vụ việc:

Sau khi nghe đầy đủ các ý kiến đã trình bày, HGV tổng hợp lại các vấn đề tranh chấp, phân tích vụ việc; dẫn chiếu các quy định pháp luật áp dụng đối với từng bên tranh chấp; phân tích phong tục tập quán, truyền thống đạo đức xã hội. Phân tích lợi ích của việc hòa giải thành, hậu quả pháp lý các bên có thể gặp phải nếu tiếp tục tranh chấp và có những hành vi sai trái.

Người được mời tham gia hòa giải có thể phân tích, bổ sung làm rõ ý kiến của HGV. Trên cơ sở phân tích cho các bên hiểu rõ quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ, HGV đề nghị các bên đưa ra ý kiến, trình bày phương án giải quyết tranh chấp của mình. Cuối cùng HGV chốt thống nhất phương án giải quyết mâu thuẫn với các bên, nếu tất cả các bên đều nhất trí phương án giải quyết thì HGV chuyển sang bước 4. Trong trường hợp các bên không đưa ra phương án giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp thì HGV có thể gợi ý một số phương án để các bên tham khảo, cho ý kiến và thống nhất cách giải quyết.

Bước 4. Kết thúc buổi hòa giải:

Sau khi các bên bàn bạc, trao đổi, thảo luận các phương án giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, tùy thuộc vào tình hình, kết quả phiên hòa giải, HGV xử lý như sau:

- Trường hợp các bên đạt được thỏa thuận HGV lập văn bản hòa giải thành; các bên và HGV cùng ký văn bản hòa giải thành.

- Trường hợp các bên không đạt được thỏa thuận, hòa giải không thành. HGV hướng dẫn các bên có quyền yêu cầu tiếp tục hòa giải hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật. Nếu các bên yêu cầu lập văn bản hòa giải không thành HGV lập văn bản hòa giải không thành.

- Trường hợp các bên chỉ thỏa thuận được một phần những vấn đề có tranh chấp, HGV tiếp tục thuyết phục các bên bàn bạc, thỏa thuận tiếp. Nếu các bên thống nhất được thì thuộc trường hợp hòa giải thành; nếu các bên vẫn không thống nhất được thì thuộc trường hợp hòa giải không thành.

Minh Phượng (TH)

(Sở Tư pháp)


Các tin khác


Từ ngày 1/7/2023, mức lương cơ sở là 1,8 triệu đồng/tháng

(HBĐT) - Chính phủ đã ban hành Nghị định số 24/2023/NĐ-CP, ngày 14/5/2023 quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Theo đó, từ ngày 1/7/2023, áp dụng mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng cho 9 nhóm đối tượng.

Điều kiện được cấp chứng chỉ chương trình bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức

(HBĐT) - Có hiệu lực từ ngày 15/6/2023, Thông tư số 03/2023/TT-BNV của Bộ Nội vụ hướng dẫn một số quy định của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và Nghị định số 89/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/ 2017/NĐ-CP.

Hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất

(HBĐT) - Tỉnh ủy vừa ban hành Chương trình hành động số 19-CTr/TƯ thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của BCH T.Ư Đảng khoá XIII về tiếp tục đổi mới hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Những nội dung cơ bản của Luật Phòng, chống ma túy 

(HBĐT) - Luật Phòng, chống ma túy (PCMT) gồm 8 chương, 55 điều, được Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 30/3/2021, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022. Một số nội dung cơ bản của Luật như sau:

Kịp thời ứng phó với thiên tai và phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ em

(HBĐT) - UBND tỉnh ban hành Văn bản số 734/UBND-KTN về việc thực hiện các nội dung giao tại Thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 3/2023.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục