(HBĐT)-Những năm gần đây, cơ cấu kinh tế của huyện đã chuyển dịch theo hướng tích cực: Tỉ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 34,01%; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng và tiểu thủ công nghiệp chiếm 34,61%; thương mại, du lịch, dịch vụ chiếm 31,61%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt 24,206 triệu đồng/năm. Sản lượng lương thực cây có hạt đạt trên 30.000 tấn; lương thực bình quân đầu người đạt 562 kg/năm. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 33 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 21,2%.


         Hệ thống mương máng ngày càng đáp ứng tốt việc tưới tiêu cho đồng ruộng Mai Châu

Thủy lợi: Trong những năm qua, với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm”, Nhà nước hỗ trợ kinh phí, nhân dân đóng góp công, thuê tư vấn thiết kế, xã nâng cấp, cải tạo, xây mới hệ thống kênh mương cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh. Từ năm 2011 đến nay, huyện đã lồng ghép các chương trình, dự án và huy động nguồn lực để sửa chữa, nâng cấp 38 công trình thuỷ lợi, kiên cố hoá và nâng cấp, sửa chữa kênh mương với tổng chiều dài 27,2 km với số vốn thực hiện trên 19,1 tỷ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp trên 3,6 tỷ đồng.

Nông nghiệp, thủy sản: Tổng diện tích gieo trồng cây lương thực năm 2015 của huyện đạt 7.414 ha, sản lượng đạt 30.560 tấn, bình quân lương thực đầu người đạt 562 kg/người.

Trong trồng trọt thì cây lúa chiếm chủ yếu về diện tích và sản lượng. Trong những năm gần đây, diện tích cây lúa ổn định ở mức 2.276,6 ha, năng suất bình quân 47,71 tạ/ha, sản lượng lúa hằng năm đạt khoảng 10.850 tấn.

Ngoài cây lúa, cây công nghiệp và cây ăn quả là thế mạnh kinh tế của huyện, nhưng vẫn chưa thực sự được chú trọng phát triển.

Cùng với trồng trọt, huyện khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo quy mô trang trại, gia trại. Trước kia, nhân dân thường nuôi trâu, bò, lợn theo phương thức chăn thả tự nhiên ở các bãi cỏ hoặc dưới tán rừng là chính. Trong những năm gần đây, huyện tổ chức lại ngành chăn nuôi từ tự cung, tự cấp sang sản xuất chăn nuôi theo hướng đầu tư thành vùng sản xuất hàng hóa có quy mô, có kiểm soát tạo sức cạnh tranh trên thị trường. Huyện hình thành các mô hình chăn nuôi như: nuôi gà thả vườn, nuôi cá ao, nuôi bò, nuôi lợn sinh sản… Theo thống kê năm 2015, tổng đàn trâu là 6.470 con, đàn bò 7.700 con, lợn 22.200 con, đàn gia cầm đạt 187.500 con; sản xuất nuôi trồng thủy sản tương đối ổn định, tổng diện tích ao hồ nuôi trồng thủy sản toàn huyện đạt 56 ha, nuôi cá lồng đạt 330 lồng, sản lượng thủy sản khai thác đạt khoảng 200 tấn. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi bình quân tăng trên 8%/năm. Tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt 604,7 tỷ đồng, chiếm 36,15% tổng giá trị sản xuất toàn huyện.



         Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã đem lại hiệu quả cao cho người nông dân nơi đây

Lâm nghiệp: Thời gian vừa qua, ở Mai Châu, việc khai thác rừng chưa thật hợp lý đã dẫn đến nguồn tài nguyên này ngày một cạn kiệt. Mấy năm gần đây, nhờ các chương trình PAM, 327, dự án 661, dự án rừng phòng hộ, dự án trồng mới 5 triệu ha rừng... cung cấp vốn trồng và bảo vệ rừng nên thảm rừng ở Mai Châu đã và đang được phục hồi dần. Công tác chăm sóc và bảo vệ rừng luôn được phát triển, hiện tượng chặt phá rừng làm nương rẫy cơ bản đã được ngăn chặn. Trong những năm gần đây bình quân huyện trồng được 176,6 ha/năm. Hiện nay, tỷ lệ che phủ của rừng đạt 68,8%. Giá trị kinh tế của rừng mang lại tăng dần theo từng năm, riêng năm 2015 đạt 132,148 tỷ đồng.

 Công nghiệp: Cho đến nay, huyện Mai Châu luôn duy trì số cơ sở công nghiệp trên địa bàn. Phát huy hiệu quả của nguồn vốn ưu tiên phát triển sản xuất, các cơ sở công nghiệp không ngừng mở rộng về quy mô sản xuất, tăng sản lượng các mặt hàng. Toàn huyện có 1 cụm công nghiệp Chiềng Châu; 79 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực xây dựng, dịch vụ - thương mại; 633 cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm cho gần 4 ngàn lao động.

Các chương trình, dự án được phê duyệt hàng năm tăng. Nhiều công trình, dự án hoàn thành và đưa vào khai thác sản xuất như: Thủy điện Vạn Mai, So Lo 1, Xưởng chế biến chè San Tuyết Pà Cò, Công ty cổ phần Hapaco Đông Bắc, nhà máy sản xuất bột giấy Đồng Bảng, xưởng mây tre xuất khẩu Phúc Sạn, khách sạn Mai Châu Los. Hàng trăm lao động được giải quyết việc làm tại chỗ, góp phần làm chuyển biến tích cực cơ cấu kinh tế của huyện.

Tiểu thủ công nghiệp: Tiểu thủ công nghiệp tiếp tục được triển khai và phát triển. Đến nay, toàn huyện có hơn 500 cơ sở sản xuất chế biến các mặt hàng gia dụng, dệt thổ cẩm truyền thống của các dân tộc, phục vụ tiêu dùng và trao đổi hàng hóa trong và ngoài nước, tạo việc làm cho nhiều lao động.

 Xây dựng: Trong 5 năm qua (2011 - 2015), tổng nguồn lực cho xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu trên địa bàn huyện đạt trên 784 tỷ đồng, trong đó, vốn trái phiếu Chính phủ hỗ trợ trên 36,5 tỷ đồng; nguồn vốn lồng ghép trên 275 tỷ đồng và nhân dân đóng góp trên 14,5 tỷ đồng. Bộ mặt các xã trên địa bàn huyện Mai Châu từng bước thay đổi. Huyện đẩy mạnh triển khai hiệu quả các chương trình, dự án lồng ghép để cải tạo, nâng cấp các tuyến đường ô tô đến trung tâm xã, 60% đường nội xóm được cứng hóa. Hệ thống đường thủy đi lại giữa các xã vùng lòng hồ sông Đà được hình thành và tiếp tục mở rộng đến từng xóm, bản. Các chương trình cung cấp nước sạch, điện lưới quốc gia tiếp tục được đầu tư. Hiện nay, toàn huyện có 98% dân số được dùng nước hợp vệ sinh, 99,8% số hộ được dùng điện lưới quốc gia.

Triển khai sâu rộng phong trào thi đua "Chung sức xây dựng Nông thôn mới”, từ bình quân 4,7 tiêu chí/xã năm 2011, nay đã đạt 8,54 tiêu chí/xã. Hết năm 2015, toàn huyện có 3 xã đạt 19 tiêu chí, 3 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí và 16 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí.  

 Thương mại: Thương mại, dịch vụ phát triển đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và sản xuất của nhân dân. Hiện nay, toàn huyện có 1.231 cơ sở kinh doanh sản xuất thương mại, dịch vụ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 491,448 triệu đồng. Huyện thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại và các hành vi vi phạm khác trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ.

 Bưu chính - viễn thông: Bưu chính viễn thông phát triển ngày càng mạnh. 100% xã, thị trấn xây dựng được điểm bưu điện văn hóa xã. Huyện có 4 mạng điện thoại di động hoạt động. Bình quân toàn huyện có 58 máy/100 dân, riêng máy cố định có 11 máy/100 dân.


                               Đường nông thôn ở Xăm Khòe

Giao thông - vận tải: Dịch vụ vận tải không ngừng phát triển. Huyện thường xuyên duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng đường trục huyện, trục xã, liên xóm đảm bảo giao thông thông suốt. Hiện nay, huyện có 01 bến xe khách, mỗi ngày có 21 chuyến xe đi lại. Dịch vụ taxi và xe điện đã xuất hiện từ lâu. Tuyến ô tô buýt từ thành phố Hòa Bình đến Mai Châu và ngược lại hoạt động thường xuyên.

Du lịch:  Du lịch được coi là thế mạnh của huyện Mai Châu với một số địa danh du lịch văn hoá nổi tiếng không chỉ ở trong nước mà cả đối với du khách nước ngoài như: Bản Lác (xã Chiềng Châu), bản Văn, bản Pom Coọng (thị trấn Mai Châu), bản Hịch (xã Mai Hịch)... Với 800 ha diện tích mặt nước, hồ sông Đà là một danh lam thắng cảnh đẹp, có thể thu hút nhiều khách du lịch đến với Mai Châu. Phát huy thế mạnh tiềm năng về du lịch làng nghề, huyện đã quan tâm chỉ đạo công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, thường xuyên tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, quảng bá hình ảnh về văn hoá, bản sắc dân tộc, huy động nguồn vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch trên địa bàn. Huyện đã xây dựng Đề án Phát triển du lịch huyện Mai Châu giai đoạn 2015 - 2020, tầm nhìn 2030; triển khai thực hiện công trình hạ tầng du lịch huyện Mai Châu nhằm củng cố, tăng cường khai thác các tiềm năng về du lịch.

Hiện nay, toàn huyện có 117 nhà nghỉ cộng đồng, 07 khách sạn, 22 nhà nghỉ, khu nghỉ dưỡng cao cấp; có 01 điểm du lịch cộng đồng đã được tỉnh công nhận (Bản Lác) và 04 điểm du lịch cộng đồng đang đề nghị tỉnh công nhận. Năm 2017, đón 324.536 lượt khách, trong đó khách quốc tế là 99.314 lượt khách, khách nội địa 225.222 lượt khách, tổng doanh thu đạt trên 89 tỷ đồng.


         Mai Châu đang phát huy thế mạnh trong du lịch cộng đồng, nhằm đem lại sinh khí mới trong hoạt động du lịch. Ảnh: Một ngày mới Bản Lác(xã Chiềng Châu) 

Tài chính - ngân hàng: Công tác thu chi ngân sách được chỉ đạo chặt chẽ, tạo nguồn thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ. Tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện năm 2016 là 52,054 tỷ đồng. Chi ngân sách cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh địa phương.

Các ngân hàng thương mại triển khai đồng bộ các giải pháp huy động vốn nhàn rỗi trong nhân dân. Nguồn vốn huy động trong những năm gần đây tăng nhanh. Tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn năm 2016 đạt 250 tỷ đồng, dư nợ là 645 tỷ đồng.

Ngân hàng Chính sách Xã hội chủ động giải ngân và quản lý, điều hành các nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ giúp người nông dân, đặc biệt là hộ nghèo có điều kiện để đầu tư phát triển kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo

 

                        PV(tổng hợp)

 

Các tin khác


Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục