(HBĐT) - Thăm mô hình trồng ổi của gia đình chị Lê Thị Huệ ở xóm Mỵ, xã Yên Mông (TP Hòa Bình), vườn ổi sai trĩu quả được bọc túi nilon. Trưa hè, vợ chồng chị Huệ vẫn cần mẫn tỉa cành, chăm cây, hái quả bán cho thương lái đặt từ trước. Chị Huệ là điển hình trong phong trào thi đua lao động sản xuất, kinh doanh giỏi thành công với mô hình trồng cây ăn quả chất lượng cao, phát triển bền vững.
Gia đình chị Lê Thị Huệ, xóm Mỵ, xã Yên Mông (TP Hòa Bình) phát triển kinh tế ổn định với mô hình trồng ổi chất lượng cao.
Chị Lê Thị Huệ quê ở tỉnh Hải Dương, lập nghiệp ở vùng đất Yên Mông từ chục năm trước. Cuộc sống khó khăn, gia đình chị đã trải qua nhiều nghề. Năm 2010, có người thân ở quê giới thiệu giống ổi Đài Loan hợp với thổ nhưỡng vùng đất Yên Mông, gia đình chị quyết định chặt bỏ một phần vườn nhãn kém hiệu quả chuyển sang trồng ổi. Ban đầu trồng 300 gốc ổi trên 1 sào đất vườn, cây phát triển nhanh, ít sâu bệnh, cho thu hoạch tốt, năng suất cao, quả to, đẹp, giá ổn định. Cây ổi nhanh chóng trở thành cây chủ lực giúp gia đình chị vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế.
Chị Huệ cho biết: Tất cả các quy trình chọn giống, chăm sóc cây trồng đều áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản lượng thu hoạch trung bình từ 60 - 70 kg/cây, chăm sóc tốt có thể đem lại hơn 1 tạ quả; sản lượng hàng năm đạt 30 - 35 tấn quả. Vườn ổi ra quả quanh năm, vị ngọt giòn được thị trường ưa chuộng, không phải lo đầu ra, chủ yếu thương lái đến thu mua, giá bán buôn trung bình 10.000 đồng/kg, có thời điểm 15.000 đồng/kg. Ngoài giống ổi Đài Loan, gia đình còn trồng thêm giống ổi Thái Lan cho năng suất cao hơn. Trên diện tích 4 ha, ngoài phần đất trồng ổi còn trồng xen kẽ chanh, nhãn tạo thêm nguồn thu. Hiện, gia đình trồng thêm 200 cây ổi Ruby là giống mới, ruột đỏ, ngọt, quả to, đẹp mắt, giá bán cao hơn, bình quân 20.000 đồng/kg tại vườn. Để có thể chăm sóc hết vườn cây ăn quả, gia đình phải thuê người luân phiên chuyên canh.
Ngày 1/12/2020, gia đình chị Huệ cùng một số hộ dân trên địa bàn xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm ổi Yên Mông, được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận tại Quyết định số 101898/QĐ-SHTT. Từ đây, cây ổi trở thành cây chủ lực bền vững của vùng đất Yên Mông. Từ mô hình trồng ổi đã giúp gia đình chị Huệ có thu nhập ổn định, tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động trong xã với tiền công từ 4 - 4,5 triệu đồng/người/tháng và 4 lao động thời vụ với tiền công 4 triệu đồng/người/tháng. Năm 2021 - 2022, cây ổi mang lại cho gia đình chị thu nhập sau khi trừ chi phí đạt trên 500 triệu đồng/năm.
Chị Huệ không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm trồng ổi, cung cấp giống cho người dân xung quanh. Mô hình trồng cây ăn quả chất lượng cao, phát triển bền vững của gia đình chị đã tạo sự lan tỏa đến nhiều hộ dân trong xã. Nhiều hộ học tập, đưa vào làm mô hình phát triển kinh tế chính của gia đình, tạo thu nhập ổn định, giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần thực hiện tốt phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới. Các thành viên trong gia đình chị thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội quy, hương ước nơi cư trú; tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động; đóng góp các loại quỹ, ủng hộ từ thiện với số tiền trên 10 triệu đồng/năm.
Hương Lan
(HBĐT) - Xuất phát từ tình cảm với học sinh các xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn bậc nhất của huyện Đà Bắc, cô giáo Quách Thị Bích Nụ đã có 17 năm chèo đò trên vùng lòng hồ sông Đà, giúp con đường đến trường của các em đỡ gian nan, gập ghềnh, chắp cách mơ ước cho trẻ thơ đến với con chữ.
(HBĐT) - Phòng An ninh nội địa (ANNĐ), Công an tỉnh có 34 biên chế, 100% cán bộ, chiến sỹ là đảng viên. Trong những năm qua, đơn vị đã đạt nhiều thành tích xuất sắc thực hiện chức năng, nhiệm vụ đảm bảo an ninh dân tộc, an ninh tôn giáo, an ninh nông thôn và phòng, chống phản động, khủng bố, góp phần ổn định ANTT trên địa bàn.
(HBĐT) - Ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, có tác dụng hiệu triệu, lôi cuốn, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng. Ngày 4/3/2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 258/QĐ-TTg về việc lấy ngày 11/6 hằng năm là ngày truyền thống thi đua yêu nước (TĐYN). Năm nay, kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc là dịp để tiếp tục phát huy ý nghĩa, giá trị của Lời kêu gọi thi đua ái quốc và sức mạnh của các phong trào TĐYN, tạo khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
(HBĐT) - Với tinh thần xung kích, tình nguyện và nhiệt huyết của tuổi trẻ, anh Vì Quốc Tịnh (sinh năm 1994), Bí thư Đoàn Thanh niên xã Mai Hịch (Mai Châu) luôn tích cực tham gia các phong trào Đoàn, nhất là tiên phong trong thực hiện chuyển đổi số (CĐS) tại địa phương, góp phần giúp xã Mai Hịch đạt nhiều kết quả tích cực trong CĐS.
(HBĐT) - Trên 10 năm giữ vai trò chi hội trưởng chi hội cựu chiến binh (CCB) khu 2, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), ông Phan Xuân Phương luôn phát huy và giữ vững phẩm chất truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ”. Trong công tác xây dựng tổ chức Hội, ông Phương là "đầu tàu” gương mẫu, nhiệt huyết, trách nhiệm với công việc. Đồng thời tiên phong, sáng tạo trong thi đua phát triển kinh tế, góp phần phát triển KT-XH địa phương.
(HBĐT) - Nói đến những cống hiến cho ngành Nông nghiệp tỉnh, nhiều người nhắc đến bà Nguyễn Thị Tâm ở tổ 17, phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình) với những cái tên trìu mến: bà Tâm chè Shan tuyết, bà Tâm cây giống, bà Tâm lợn ba dòng…