Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng chiều nay (25/3) thông tin về việc tàu cá BV 4419 TS với khoảng 20 ngư dân và BL 93333 TS với 12 ngư dân bị lực lượng Indonesia bắt giữ hôm 18/3 trong khi đánh cá ở khu vực phân định thềm lục địa Việt Nam và Indonesia.
Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam đã tuyên truyền, đề nghị phía Indonesia trao trả ngư dân và tàu cá.
Về phía Bộ Ngoại giao, ngay sau khi nhận được thông tin đã chỉ đạo cho Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia liên hệ với các cơ quan chức năng để xác minh thông tin, làm rõ vụ việc và sẵn sàng tiến hành bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết.
Ở trong nước, Bộ Ngoại giao đã liên hệ trao đổi với các cơ quan và địa phương liên quan để thu thập thêm thông tin, có cơ sở tiếp tục trao đổi với phía Indonesia về vụ việc nói trên dựa trên nguyên tắc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam.
Tình trạng "bài Á” tại Mỹ khiến người Việt lo ngại
"Các cơ quan chức năng Việt Nam trong và ngoài nước thường xuyên phối hợp chặt chẽ để bảo hộ công dân, bảo đảm an toàn cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của công dân ở nước ngoài” – bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.
Ảnh: Báo Quốc tế |
Người phát ngôn cũng cho biết, Chính phủ và các bộ ngành thường xuyên đề nghị các nước đảm bảo an toàn, tạo điều kiện cho người Việt ở nước ngoài sinh sống, làm việc và học tập, đóng góp cho quá trình phát triển xã hội và kinh tế sở tại.
Theo đó, người Việt Nam nếu bị xâm hại có thể liên hệ và thông báo qua tổng đài bảo hộ công dân của Bộ Ngoại giao cũng như đường dây nóng của các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài.
Hiện tượng "bài Á” xảy ra tại Mỹ được cho là bắt đầu từ chuyện đại dịch Covid-19. Kể từ khi virus SARS-CoV-2 bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc và lan rộng sau đó, hành vi quấy rối và bạo lực nhằm vào cộng đồng người Mỹ gốc Á đã gia tăng nhanh chóng trên khắp nước Mỹ.
Nhiều vụ hành hung người cao tuổi gốc Á đã được ghi nhận tại Mỹ trong thời gian qua, gây lo ngại về tình trạng phân biệt chủng tộc do Covid-19.
Các hành vi thù ghét người gốc Á cũng gia tăng tại châu Âu trong thời kỳ đại dịch. Một số chính trị gia phương Tây đã liên tục nhấn mạnh mối liên hệ giữa Trung Quốc với Covid-19 và với bối cảnh đó, những người gốc Đông Á và Đông Nam Á tại châu lục này ngày càng trở thành mục tiêu của phân biệt chủng tộc.