(HBĐT) - Cầm trên tay chiếc máy ảnh Canon EOS 60D theo tôi trong suốt hành trình 10 ngày lênh đênh với sóng biển Tây Nam của Tổ quốc. Xoay nhẹ nút chuyển ảnh, mỗi bức ảnh lại gợi nhớ về kỷ niệm khó quên ở mảnh đất ấy. Nơi có những người lính đảo kiên trung, gan góc, lạc quan đang từng ngày, từng giờ bám biển để bảo vệ lãnh thổ và canh giữ giấc ngủ bình yên cho Nhân dân.


 

Cán bộ, chiến sỹ Hải đội 511,Lữ đoàn 127, Vùng 5 Hải quân vững vàng trước sóng gió để bám biển, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Những chàng trai "thép” của biển

"Kiên cường, trung dũng là những phẩm chất cao đẹp có trong mỗi người lính đảo Tây Nam của Tổ quốc” - đó là lời khẳng định của Chuẩn đô đốc Nguyễn Đăng Tiến, Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân khi nhắc đến cán bộ, chiến sỹ (CB, CS) hải quân. Những CB, CS đóng quân trên các đảo thuộc vùng 5 Hải quân, biển Tây Nam của Tổ quốc đa phần tuổi đời mới mười tám, đôi mươi. Ở cái tuổi còn có nhiều ước mơ, dự định trong tương lai thì họ, những người lính trẻ thầm lặng ngày đêm canh giữ biển khơi. Những người đi trước đã quen với môi trường quân ngũ, với nhiều tân binh không tránh khỏi cảm giác nhớ gia đình, quê hương. Nhưng qua một thời gian rèn luyện, bỏ qua những vất vả, nỗi nhớ nhà, họ đã coi đồng đội, đơn vị là người thân và ngôi nhà thứ hai của mình, lấy đó làm động lực phấn đấu, rèn luyện, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Hậu phương luôn là điểm tựa vững chắc để họ yên tâm công tác.

Chuyến hành trình đi "ngược" lên đỉnh trời Hòn Khoai đưa tôi đến với Trạm rada 595, Tiểu đoàn 551 là một trong những chuyến leo bộ khiến tôi nhớ mãi. Đảo Hòn Khoai không có dân cư sinh sống nên không có điểm mua bán thực phẩm, hàng hóa, chiến sỹ phải tự cung, tự cấp 100%, từ rau xanh, thịt, cá. Do đó, các chiến sỹ tận dụng mọi chỗ đất trống để trồng rau, nuôi thêm gia súc, gia cầm cải thiện bữa ăn. Nguồn nước ngọt để sinh hoạt, phục vụ tăng gia sản xuất đều sử dụng từ nước mưa dự trữ. Thông qua hệ thống máy lọc, nguồn nước đảm bảo an toàn. Việc tăng gia sản xuất không chỉ đảm bảo nguồn thực phẩm tại chỗ, mà còn là nhiệm vụ song song với công tác huấn luyện tại đơn vị. Những chiến sỹ trẻ cũng nhờ đó trưởng thành hơn. Trò chuyện với CB, CS Trạm, nhiều người không giấu niềm xúc động khi gửi gắm tình cảm của lính đảo đến với hậu phương nơi đất liền. Trung úy Lê Văn Thao chia sẻ: "Gia đình tôi ở Thái Bình, đây là năm thứ 3 tôi công tác trên đảo Hòn Khoai. Ở nơi đảo xa, chúng tôi, những người lính hải quân nắm chắc tay súng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ sự bình yên cho Nhân dân. Mong gia đình, người thân luôn mạnh khỏe, Nhân dân ở đất liền yên tâm tin tưởng, chúng tôi hứa sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.

Ở đảo Hòn Chuối, một trong những đảo tiền tiêu quan trọng phía Tây Nam của Tổ quốc. Trên đảo có các đơn vị đứng chân như: Trạm rada 615, Đồn Biên phòng 704, Trạm hải đăng. Trên đỉnh đảo Hòn Chuối, chúng tôi gặp những anh lính hải quân Trạm rada 615. Thượng úy Hoàng Văn Thuận, Chính trị viên Trạm rada 615 chia sẻ: "CB, CS tại Trạm có người đã quen với việc xa nhà, có người bắt đầu môi trường mới, nhưng ai nấy đều kiên định tư tưởng, rằng đã ra đảo phải nỗ lực hết khả năng để hoàn thành thật tốt nhiệm vụ. Khắc phục những khó khăn trên đảo, hàng năm, đơn vị đều hoàn thành 100% chương trình huấn luyện cho CB, CS với 85% đạt loại khá, giỏi; hoàn thành 100% công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao sức chiến đấu cho CB, CS”. Với đặc thù đảo ít dân cư sinh sống, chủ yếu là các lực lượng đóng quân, CB, CS Trạm đã thực hiện tốt khâu đột phá "Nâng cao chất lượng nuôi dưỡng bộ đội”. Nước ngọt là yếu tố sống còn đối với quân và dân trên đảo, thực hiện mô hình "Giọt nước nghĩa tình”, CB, CS Trạm đã hỗ trợ 2.000 lít nước ngọt mỗi năm cho người dân.


Vui xuân mới, những người lính trẻở Vùng 5 Hải quân luôn giữ tinh thần lạc quan, sôi nổi với các hoạt động thể thao truyền thống.

Để tình quân dân thêm gắn kết, các lượng lực phối hợp chặt chẽ với các hộ dân trên đảo đảm bảo tình hình ANTT gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Trên đảo duy trì tổ nhân dân tự quản khóm Hòn Chuối do ông Hồ Tuấn Hiệp, Trưởng khóm làm tổ trưởng. Hoạt động của tổ tự quản trên cơ sở phối hợp với các lực lượng đóng quân trên đảo thường xuyên tuần tra, giữ ổn định khu vực. Đồng thời, phối hợp giúp ngư dân phòng, chống thiên tai, ổn định hoạt động buôn bán hàng hóa, nuôi trồng, đánh bắt thuỷ hải sản. Đời sống tuy còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng dựa vào sức quân, sức dân góp phần giữ vững chủ quyền biên giới, hải đảo. Đúng với câu nói "ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ về phần ai”, những người lính đã gác lại thanh xuân vì trách nhiệm với Tổ quốc và Nhân dân.

Vui xuân mới không quên nhiệm vụ

Không náo nhiệt như phố thị ngoài đất liền, nhưng ở nơi đảo xa vẫn vang vọng tiếng cười hân hoan của những người lính chuẩn bị đón Tết. Thiếu tá Nguyễn Văn Khiêm, nhân viên hàng hải tàu 954, Hải đội 511 đã 30 năm gắn bó với biển khơi, anh cũng là chiến sỹ "gói bánh chưng” số 1 của tàu. Mỗi dịp Tết đến, anh Khiêm cùng các chiến sỹ được phân công gói bánh chuẩn bị nguyên liệu, từ gạo, đậu xanh, thịt lợn, lá dong, lạt rồi quây quần vừa gói bánh, vừa trò chuyện như một gia đình đông anh em, trong tiếng cười rộn rã ấy chan chứa tình đồng chí, đồng đội, chia ngọt sẻ bùi.

Tết ở đảo cũng có phần thi gói bánh, thi trang trí phòng đón Tết trên tàu giữa các đơn vị. Niềm vui của người lính thật mộc mạc, giản dị như cái "chất” vốn có của họ. "Phòng” đón Tết của tàu 954, con tàu được mệnh danh là "con rùa vàng” của biển trời Tây Nam đã được trang hoàng từ bàn tay người lính khi chúng tôi ghé thăm.


Trung tá Nguyễn Văn Khiêm (thứ 2 bên phải), nhân viên hàng hải tàu 954, Hải đội 511 là "chiến sỹ gói bánh chưng” số 1 của tàu mỗi dịp xuân về.

Trong không khí ngày xuân, đồng chí Trần Văn Linh, Thuyền trưởng tàu 954 nhớ lại những kỷ niệm khó quên trước đây, khi phải làm nhiệm vụ đột xuất trong khi toàn đơn vị đang quây quần đón Tết. Đầu năm 2019, cấp trên giao nhiệm vụ đột xuất trong lúc trực tàu 954 cần tìm kiếm cứu nạn một sà lan Manyplus 5 của Malaysia chở quặng từ Thái Lan về TP Hồ Chí Minh bị chết máy và trôi dạt. Sau 1 ngày đêm lênh đênh trên biển, tàu đi từ hải phận Việt Nam sang Thái Lan, qua Campuchia mới tìm được sà lan với 3 thuyền viên. Sau đó kéo về bàn giao cho Công ty Tân Cảng, nhiệm vụ kết thúc trong 2 ngày, 2 đêm. Hay năm 2016, anh em chiến sỹ đang sum vầy đón Tết, nhưng có nhiệm vụ đột xuất kéo các sà lan tàu của nước mình về đất liền và CB, CS tàu 954 lại ra khơi. Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì cũng hết Tết, mọi người mới được trở về. "Tuy vất vả, nhưng Nhân dân và gia đình bình yên là chúng tôi yên tâm”, câu nói của Thuyền trưởng tàu 954 Trần Văn Linh khiến chúng tôi xúc động, cảm phục tinh thần, ý chí thép của những người lính trước nhiệm vụ cao cả và thiêng liêng.


Gia Khánh


 

Các tin khác


Nỗ lực chống khai thác IUU để phát triển bền vững ngành khai thác thủy sản

Tỉnh Kiên Giang hiện có gần 10.000 tàu cá từ 6m trở lên; trong đó có gần 4.000 tàu 15m trở lên đánh bắt xa bờ. Để góp phần gỡ "thẻ vàng" IUU của Ủy ban châu Âu (EC), các đơn vị Biên phòng trong tỉnh triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, kiên quyết xử lý vi phạm về khai thác thủy sản.

"Thi nhặt rác bãi biển"- hoạt động có ích với môi trường biển đảo Cô Tô

Ngày 13/5, tại bãi biển Tình Yêu thuộc khu vực thị trấn Cô Tô (huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh), 60 du khách thuộc Công ty Phan Nguyễn đã tham gia nhặt rác, làm sạch bãi biển.

Tạo động lực tăng trưởng mới từ kinh tế biển

Kinh tế biển không chỉ làm giàu cho đất nước mà còn gắn với bảo vệ chủ quyền, an ninh biển, đảo của Tổ quốc.

Nghệ An: Tìm thấy thi thể 2 ngư dân trong vụ chìm tàu câu mực trên biển

Sáng 5/5, trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Nguyễn Anh Văn, Phó Chủ tịch UBND Thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) xác nhận thông tin: Sau gần hai ngày nỗ lực tìm kiếm, chiều 4/5, lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã phát hiện thi thể của hai ngư dân mất tích trong vụ lật, chìm thuyền câu mực bị dông lốc và sóng lớn đánh chìm trên biển rạng sáng 3/5.

696.336 lượt người tham gia Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về biển, đảo Việt Nam

Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về biển, đảo Việt Nam do Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hoà Bình chủ trì tổ chức từ ngày 4/3 - 25/4/2024; chia làm 4 kỳ, mỗi kỳ 2 tuần. Trong đó, kỳ 1 từ 8h ngày 4/3 đến 24h ngày 17/3 có 125.588 lượt người dự thi. Kỳ 2 từ 0h ngày 18/3 đến 24h ngày 31/3 có 166.782 lượt người dự thi. Kỳ 3 từ 0h ngày 1/4 đến 24h ngày 14/4 có 225.304 lượt người dự thi. Kỳ 4 từ 0h ngày 15/4 đến 24h ngày 25/4 có 178.662 lượt người dự thi.

Hải quân Việt Nam – Cam-pu-chia rút kinh nghiệm tuần tra chung lần thứ 33

Ngày 2/5, tại TP. Sihanoukville, tỉnh Preah Sihanouk (Cam-pu-chia), Vùng 5 Hải quân Nhân dân Việt Nam và Căn cứ biển Ream, Hải quân Hoàng gia Cam-pu-chia tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm lần thứ 33 về hoạt động tuần tra chung trong Vùng nước lịch sử Việt Nam – Cam-pu-chia.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục