Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, nhờ chủ động triển khai hiệu quả các giải pháp phòng, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), từ năm 2022 đến nay, Tiền Giang không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

 
Tàu thuyền neo đậu trong cảng cá Vàm Láng, tỉnh Tiền Giang (ảnh minh họa).

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết, 100% tàu cá của địa phương đang hoạt động đều lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, được đăng ký, đăng kiểm và đánh dấu tàu cá đúng quy định. Tỷ lệ đăng ký và cập nhật dữ liệu tàu cá trên VN-Fishbase đạt 100% và số liệu tàu cá của Tiển Giang trùng khớp với số liệu báo cáo của Cục Thủy sản qua phần mềm VN-Fishbase.

Địa phương xác định cấp cơ sở xã, phường, thị trấn là lực lượng nòng cốt quản lý, giáo dục, tuyên truyền người dân nâng cao nhận thức về chống khai thác IUU. Lãnh đạo chính quyền cơ sở phải chịu trách nhiệm chính, sâu sát, trực tiếp, nắm vững địa bàn quản lý; tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ pháp luật khi hành nghề đánh bắt trên biển; Đồng thời, có kế hoạch theo dõi, quản lý chặt chẽ các đối tượng, nắm chắc địa bàn để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các trường hợp tàu cá khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Tiền Giang tăng cường truyền thông, phổ biến các tổ chức, cá nhân hoạt động đánh bắt hải sản như: chủ tàu, thuyền trưởng, thuyền viên; các chủ vựa thu mua, chế biến thủy sản nắm rõ phạm vi vùng biển Việt Nam, kể cả các vùng biển chồng lấn chưa phân định được.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các ngành hữu quan tập trung rà soát đội tàu cá của địa phương mình, nhập dữ liệu tàu cá vào Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia theo quy định, đáp ứng yêu cầu việc tra cứu thông tin, quản lý tàu cá ra vào cảng cá.

Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm túc hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản và chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tổ chức trực khai thác, sử dụng có hiệu quả Hệ thống giám sát tàu cá, quản lý chặt chẽ hoạt động của tàu cá địa phương trên biển và tiếp tục thực hiện tốt việc kiểm soát tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng đúng theo quy định.

Tỉnh theo dõi, lập danh sách các tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU đồng thời phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương theo Quy chế phối hợp giữa các tỉnh ven biển Nam bộ; phối hợp với các lực lượng chức năng điều tra, xác minh, xử lý triệt để các hành vi vi phạm khai thác IUU. Cụ thể như: nhật ký khai thác không đầy đủ, ngắt kết nối thiết bị VMS, vượt ranh giới trên biển được phát hiện qua VMS, vi phạm về giấy phép thủy sản, tàu cá không cập cảng chỉ định theo quy định… đặc biệt là hành vi vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Theo Giám đốc Nguyễn Văn Mẫn, từ khi Luật Thủy sản năm 2017 có hiệu lực, tỉnh chú trọng tuyên truyền Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành gắn với quản lý, khuyến khích chuyển đổi từ nghề cá truyền thống sang phát triển bền vững ngành khai thác hải sản, tăng cường đội tàu đánh bắt xa bờ, khuyến cáo ngư dân tuân thủ các quy định về khai thác IUU trên địa bàn tỉnh bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp thực tế từng địa phương.

Đáng chú ý, từ năm 2018 đến nay, Tiền Giang xây dựng chương trình truyền thông chống khai thác thủy sản bất hợp pháp theo Chỉ thị số 45/CT-TTg cũng như tích cực phối hợp cùng các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai tốt Luật Thủy sản năm 2017 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản.

Từ đầu năm 2024 đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải Quân, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Tiền Giang và các cơ quan chức năng phối hợp tổ chức các buổi tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU cho gần 250 ngư dân là chủ tàu cá, thuyền trưởng, ngư dân, tàu thu mua thủy sản trên biển…, phát 600 tài liệu tuyên truyền, tặng 1.000 lá cờ Tổ quốc cho ngư dân đồng thời thành lập Tổ Giám sát tàu cá trực thuộc Chi cục Thủy sản Tiền Giang và lập Đoàn Kiểm tra việc lắp đặt, niêm phong thiết bị giám sát hành trình, máy VX 1700 và tàu cá Tiền Giang nằm bờ phục vụ công tác chống khai thác IUU cũng như các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách chống khai thác IUU nhằm gỡ cảnh báo Thẻ Vàng EC,…

Ngư dân Nguyễn Văn Muồi (huyện Gò Công Đông) hơn 30 năm gắn bó với nghề khai thác hải sản trên biển cho biết, được thông tin, tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU, bản thân ông và các ngư dân trong huyện luôn bảo nhau nâng cao ý thức tuân thủ qui định pháp luật khi vươn khơi đánh bắt, làm giàu cho Tổ quốc vừa giữ gìn chủ quyền biển đảo. Đặc biệt là tuyệt đối không vi phạm vùng biển nước ngoài trong quá trình khai thác hải sản.

Việc chấp hành pháp luật trong khai thác thủy sản được quản lý nghiêm ngặt. Tất cả tàu cá của tỉnh khi tham gia khai thác xa bờ đều bắt buộc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và duy trì hoạt động, khi cập hoặc rời cảng đều phải chấp hành qui định về biện pháp quản lý của ngành chức năng, bảo đảm đầy đủ thủ tục cần thiết như: giấy tờ đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác, ghi nhật ký khai thác…

Các hành vi vi phạm về khai thác IUU như: Thuyền trưởng, máy trưởng không có văn bằng hoặc chứng chỉ theo quy định; ghi không đầy đủ nhật ký khai thác, thu mua chuyển tải thủy sản, tháo thiết bị giám sát hành trình,... khi bị phát hiện đều bị xử lý nghiêm. Nhờ vậy, giúp tỉnh nâng cao hiệu quả công tác chống khai thác IUU trên địa bàn với tinh thần Tiền Giang cùng cả nước chung sức gỡ Thẻ vàng EC trong thời gian sớm nhất.


Theo TTXVN

Các tin khác


Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân tổ chức Lễ Tuyên thệ chiến sỹ mới

Ngày 4/6, các đơn vị huấn luyện chiến sĩ mới BTL Vùng 4 Hải quân đã tổ chức Lễ tuyên thệ chiến sỹ mới. Các buổi Lễ diễn ra trang nghiêm, ý nghĩa, để lại ấn tượng sâu sắc cho cán bộ, chiến sĩ.

Gỡ khó cho tàu cá “ba không”

Hơn 3 tháng qua, nhiều hộ dân đánh bắt thủy sản gần bờ tại vùng ven biển tỉnh Bến Tre không được ra khơi đánh bắt, bởi theo quy định hiện nay, các phương tiện đánh bắt thủy sản gần bờ có chiều dài từ 6m đến dưới 12m thuộc diện "ba không" (không đăng ký, không đăng kiểm và không có giấy phép khai thác) sẽ không được hoạt động.

Vùng Cảnh sát biển 4 bắt giữ tàu vận chuyển 30.000 lít dầu DO trái phép

Chiều 26/5, BTL Vùng Cảnh sát biển 4 cho biết, lực lượng chức năng vừa phát hiện, bắt giữ tàu vận chuyển khoảng 30.000 lít dầu DO không rõ nguồn gốc.

Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền tại 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt đã nêu quan điểm của Việt Nam về một quy định mới được nhà chức trách Trung Quốc ban hành.

Học viện Hải quân tham gia Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên lần thứ X

Sáng 22/5, tại Binh đoàn 15 (thành phố Pleiku, tỉnh Gai Lai), Đoàn nghệ thuật quần chúng Học viện Hải quân tham gia Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên lần thứ X năm 2024. Đại tá, PGS, TS. Ngô Thành Công, Phó Giám đốc Học viện và các cơ quan chức năng của Học viện tham dự, động viên.

Ngày thường nơi nhà giàn DK1

Nhà giàn DK1 là Cụm dịch vụ kinh tế - khoa học kỹ thuật được bắt đầu xây dựng từ năm 1989 dưới dạng các nhà giàn, trên thềm lục địa phía Nam đất nước, cách đất liền khoảng 250 - 350 hải lý. Hiện nay, 15 nhà giàn DK1 thuộc các tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu và Cà Mau. Cụm bãi cạn: Phúc Nguyên, Phúc Tần, Huyền Trân, Quế Đường, Tư Chính, Ba Kè, Cà Mau… được ví như những "pháo đài” chốt giữ nơi tiền tiêu, đầu sóng ngọn gió.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục