Trường Sa được giải phóng trước một ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng là chiến công xuất sắc của Quân chủng Hải quân.

Việc giải phóng Trường Sa là tầm nhìn chiến lược và sự chỉ đạo sáng suốt, kịp thời của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Hải quân.


Lực lượng Đặc công Hải quân Đoàn 126 tuần tra tại khu vực cột mốc chủ quyền trên đảo Trường Sa được giải phóng, ngày 29/4/1975. Ảnh: Lê Nhật/TTXVN phát

Quyết sách đúng đắn của Trung ương Đảng

Theo Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Ngọc Quế, Nguyên Đoàn trưởng Đoàn Đặc công Hải quân 126, trong điện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng cho Quân chủng Hải quân đã chỉ rõ phải tranh thủ mọi thời cơ có lợi giải phóng quần đảo Trường Sa, một quần đảo giữ vị trí chiến lược về chính trị, quân sự và kinh tế, góp phần giải phóng hoàn toàn đất nước. Quân chủng Hải quân đã gấp rút thành lập lực lượng giải phóng Trường Sa mang mật danh C75 do Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Mai Năng, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Đặc công Hải quân 126 chỉ huy.

Trước những thắng lợi giòn giã trên chiến trường, đầu năm 1975, Bộ Chính trị họp quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cùng với mở chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn, Bộ Chính trị chỉ đạo Quân ủy Trung ương phối hợp mở hướng tiến công chiến lược trên biển để giải phóng quần đảo Trường Sa, thu non sông về một mối.

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, ngày 4/4/1975, Bộ Quốc phòng chỉ thị cho Quân chủng Hải quân và Quân khu 5: Nghiên cứu và chỉ đạo thực hiện gấp rút, nhằm thời cơ thuận lợi nhất, giải phóng các đảo do quân ngụy miền Nam chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa. Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng. Đồng thời, Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo Quân chủng Hải quân: Dùng lực lượng hiện có, phối hợp với lực lượng của Quân khu 5 giải phóng các đảo trên quần đảo Trường Sa do ngụy quyền đóng giữ để phối hợp với các hướng tiến công trên bộ trong giai đoạn tiến công trọng điểm vào Sài Gòn.

Quân chủng Hải quân xác định phương châm tác chiến là: Phải giữ bí mật, bất ngờ, hành động kiên quyết, thần tốc, táo bạo, kết hợp tiến công và gọi hàng, giải phóng đảo nhanh gọn. Ta dùng tàu vận tải quân sự giả dạng tàu cá nước ngoài hoạt động trong vùng để chở quân đổ bộ. Quá trình vượt biển, các tàu ngụy trang kín đáo, lấy phòng tránh địch là chính. Lợi dụng đêm tối, đặc công bí mật đổ bộ, luồn sâu, đánh bất ngờ, tiêu diệt gọn; đánh trước một đảo để thăm dò phản ứng của địch, tạo bàn đạp đánh tiếp đảo khác, làm cho địch không kịp đối phó, tăng viện. Sau khi giải phóng, các lực lượng đổ bộ nhanh chóng tổ chức phòng ngự, chốt giữ, bảo vệ, không cho địch phản kích tái chiếm đảo.

Giải phóng các đảo trên quần đảo Trường Sa là nhiệm vụ quan trọng nhưng rất khó khăn và phức tạp. Tuy vậy, trước yêu cầu gấp rút, khẩn trương của Quân ủy Trung ương, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân nhanh chóng tổ chức lực lượng giải phóng các đảo. Nhờ giải phóng được các đảo Song Tử Tây (14/4), Sơn Ca (25/4), Nam Yết (27/4), Sinh Tồn (28/4), Trường Sa (29/4), chúng ta mới có bàn đạp để mở rộng phạm vi đóng giữ ra các đảo và bãi cạn khác, củng cố thế đứng vững chắc của ta trên toàn bộ quần đảo như ngày nay.

Việc giải phóng các đảo trên quần đảo Trường Sa từ ngụy quân Việt Nam Cộng hòa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây là vùng biển, đảo thuộc chủ quyền thiêng liêng của dân tộc Việt Nam, vì vậy, phải giải phóng để thực hiện thống nhất đất nước. Bên cạnh đó, các đảo trên quần đảo Trường Sa được giải phóng với sự hiện diện của Quân giải phóng miền Nam Việt Nam đã kịp thời ngăn chặn âm mưu chiếm đảo của một số quốc gia trong khu vực. Đồng thời, việc người Việt Nam liên tục có mặt trên những đảo này là chứng cứ pháp lý rất rõ ràng để chứng minh với cộng đồng quốc tế, quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Việc giữ vững chủ quyền quần đảo Trường Sa có vai trò rất quan trọng đối với công cuộc xây dựng đất nước, phát triển kinh tế biển và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Xây dựng quần đảo Trường Sa vững mạnh

Theo Trung tướng Nguyễn Văn Bổng, Chính ủy Hải quân, trong giai đoạn cách mạng mới, tình hình thế giới và khu vực dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp khó lường. Trên hướng biển Đông tình hình tranh chấp chủ quyền ngày càng diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó quân và dân trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa đã nhận thức sâu sắc tình hình nhiệm vụ, nhận rõ bản chất của các thế lực thù địch, đối tượng tác chiến, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, quyết tâm chiến đấu cao, ra sức học tập, nâng cao trình độ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, thuần thục về kỹ chiến thuật, phương án tác chiến, thực hiện đúng đối sách, tập trung tranh thủ mọi điều kiện xây dựng bảo vệ đảo vững mạnh về quốc phòng, phát triển về kinh tế, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của quân dân huyện đảo.

Trải qua 50 năm kể từ ngày giải phóng đến nay, diện mạo của huyện đảo Trường Sa được đổi mới từng ngày, khang trang hơn, kiên cố hơn, nhiều công trình như cầu cảng, sân bay, âu tàu, trạm hải đăng, đài khí tượng thủy văn, trạm thu phát truyền hình vệ tinh, hệ thống năng lượng sạch, máy phát điện bằng sức gió… đã được xây dựng không chỉ phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng an ninh mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho quân - dân huyện đảo và ngư dân các địa phương làm ăn phát triển kinh tế biển, kết hợp giữa kinh tế - quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, góp phần cùng quân, dân huyện đảo nâng cao năng lực bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Các công trình: Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài tưởng niệm Liệt sĩ, Nhà khách Thủ đô, Chùa Trường Sa, Chùa Song Tử, Sinh Tồn, Nhà văn hóa đảo Nam Yết, Nhà văn hóa đảo Song Tử, Nhà cộng đồng đảo Đá Tây, lá cờ Tổ quốc bằng gốm sứ trên đảo Trường Sa... là nơi giao lưu, sinh hoạt văn hóa tinh thần, giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc cho quân dân huyện đảo và cũng làm cho huyện đảo như gần hơn với đất liền.

Phát huy truyền thống 50 năm quân và dân trên quần đảo Trường Sa luôn khắc sâu và ghi nhớ lời căn dặn của Cố Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh, khi thăm Trường Sa năm tháng 5/1988: "... xin thề trước hương hồn của tổ tiên, trước hương hồn của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với thế hệ mai sau "quyết tâm bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta”. 

Trung tướng Nguyễn Văn Bổng khẳng định: Để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong thời kỳ mới, thế hệ cán bộ, chiến sỹ Trường Sa hôm nay tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nghị quyết số 36 về "phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; tình hình nhiệm vụ cách mạng, đất nước, Quân đội, Quân chủng, nêu cao tinh thần cảnh giác trước những âm mưu thủ đoạn của nước ngoài. Thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 8 (khoá XIII) về "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Không ngừng nâng cao trình độ và bản lĩnh chính trị, tạo chuyển biến toàn diện về nhận thức và trách nhiệm chính trị của cán bộ, chiến sỹ. Sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì biển, đảo thân yêu của Tổ quốc. 

Tập trung nâng cao chất lượng công tác quản lý bảo vệ chủ quyền biển, đảo khả năng sẵn sàng chiến đấu, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên vùng biển, đảo được đảm nhiệm. Thường xuyên nêu cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, tích cực luyện tập các phương án chiến đấu, nâng cao chất lượng huấn luyện, rèn luyện kỷ luật, xây dựng chính quy, thực hiện tốt các quy định về an toàn, bảo đảm tốt công tác kỹ thuật, hậu cần, xây dựng các đơn vị vững mạnh toàn diện "mẫu mực, tiêu biểu” về mọi mặt đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong tình hình mới.

Tiếp tục thực hiện chỉ thị 05-CT/TW đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh; không ngừng nâng cao trình độ hiểu biết, kiến thức toàn diện và chuyên sâu. Trau dồi phẩm chất đạo đức, lối sống, suy nghĩ và hành động trong sáng, lành mạnh, xứng danh "Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sỹ Hải quân”; truyền thống vẻ vang của Quân đội, Quân Chủng, Vùng 4 và Lữ đoàn 146 Anh hùng. 

Không ngừng củng cố, không ngừng nâng cao mối quan hệ đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, xây dựng huyện đảo"Mạnh về phòng thủ, tốt về nếp sống, đẹp về cảnh quan môi trường, mẫu mực về đoàn kết quân dân”, cán bộ chiến sỹ trên dưới một lòng, quân với dân một ý chí, ra sức phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng vươn lên vượt qua mọi khó khăn, thử thách hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, trọng tâm là bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, quần đảo Trường Sa, vùng biển được phân công.

Nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, xây dựng Đảng bộ Lữ đoàn thực sự trong sạch vững mạnh, đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự tiền phong gương mẫu là hạt nhân lãnh đạo đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ, tạo được niềm tin và chỗ dựa vững chắc của nhân dân. Xây dựng tổ chức đoàn vững mạnh, đội ngũ đoàn viên thanh niên tiên tiến xuất sắc đi đầu xung kích thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thường xuyên quan tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho ngư dân các địa phương ra khai thác, đánh bắt hải sản trên khu vực quần đảo Trường Sa, thực hiện tốt các mục tiêu trong chương trình "Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển”, "Hải quân nhận đỡ đầu con ngư dân”; thực hiện có hiệu quả công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển, góp phần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận chiến tranh nhân dân trên biển. 

Quyết tâm triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo, gắn với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị và trật an toàn xã hội trong từng chủ trương, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội; quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, trong đó tập trung kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng an ninh, đẩy mạnh xây dựng và phát triển huyện Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước, là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. 

Trong suốt 50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành đã có nhiều tập thể và cá nhân được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương chiến công, Huân chương bảo vệ Tổ quốc; Thủ tướng Chính phủ tặng cờ thi đua và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Tập thể Đoàn Trường Sa được nhà nước tuyên dương danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 25/1/1983. Được Chủ tịch nước tặng Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Ba nhân dịp kỷ niệm 40 thành lập Đoàn Trường Sa.

Ngày 28/9/1985, đảo Trường Sa được tuyên dương danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

gày 11/6/1999, đảo Song Tử Tây được tuyên dương danh hiệu đơn vị đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Ngày 22/12/2004 đảo Nam Yết được nhà nước tuyên dương danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Theo Baotintuc.vn

Các tin khác


Củng cố thế trận lòng dân vững chắc trên vùng biển, đảo Đông Bắc

Trong 5 ngày (từ 11 đến 15/4), Đoàn công tác Cảnh sát biển Việt Nam cùng lãnh đạo các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định và các cơ quan, doanh nghiệp đi trên tàu CSB 8004 Vùng Cảnh sát biển 1 đã thực hiện chuyến khảo sát, nắm tình hình các vùng biển, đảo ven bờ năm 2025.

Cảnh sát biển đột phá trong công tác huấn luyện

Xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại là một trong những khâu đột phá được xác định trong nghị quyết hàng năm của Đảng ủy Cảnh sát biển Việt Nam. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Lê Đình Cường, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam.

Hải quân Việt Nam và Thái Lan giải quyết tốt các vấn đề nảy sinh trên biển

Được sự đồng ý của Bộ Quốc phòng Việt Nam, từ ngày 2 - 6/4, Tàu H.T.M.S NARRESUAN (FFG-421) cùng đoàn công tác Vùng 1, Hải quân Hoàng gia Thái Lan do Phó Đô đốc Arpa Chapanont, Tư lệnh Vùng 1, Hải quân Hoàng gia Thái Lan làm Trưởng đoàn đã đến thăm, chào xã giao Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân.

Quảng Ngãi: Thời tiết bất lợi, nhiều tàu cá bị sóng đánh chìm trên biển

Ngày 2/4, Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi cho biết, những ngày gần đây thời tiết trên vùng biển Quảng Ngãi có gió to, sóng biển đã gây ra nhiều vụ mắc cạn, hư hỏng, chìm tàu cá trên các vùng biển của tỉnh gây thiệt hại lớn về tài sản của ngư dân.

Bệnh xá đảo Trường Sa tiếp nhận và cấp cứu ngư dân tàu cá Quảng Ngãi

Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân cho biết, khoảng 16 giờ, ngày 31/3, trong lúc đánh bắt hải sản gần khu vực đảo Thuyền Chài, ông Phạm Ánh, 53 tuổi, xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, khi đang làm việc trên tàu cá QNg 95255 TS thì bị thúng rơi vào đầu, sau đó bất tỉnh ngắn, đau đầu, chóng mặt, chảy máu nhiều vùng đỉnh đầu.

Quân chủng Hải quân tuyên truyền, thu hút nguồn nhân lực phục vụ đơn vị

Ngày 31/3, tại Ninh Thuận, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Thuận tổ chức Hội nghị tuyên truyền biển, đảo; thu hút nguồn nhân lực xây dựng Quân chủng Hải quân cho gần 500 học sinh theo học khối 12 tại Trường Trung học Phổ thông Tháp Chàm và Trường Trung học Phổ thông Chu Văn An (thành phố Phan Rang - Tháp Chàm).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục